xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiếp ảnh Việt cần đào tạo đội ngũ xứng tầm

THANH HIỆP

Nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam đoạt nhiều giải cao quốc tế là điều đáng mừng nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh không nên tự bằng lòng với thành quả trước mắt

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam vừa thông báo Việt Nam giành được 2 bằng danh dự hạng mục Ảnh in "Nghề truyền thống" và hạng mục Ảnh số "Việt Nam nhìn từ trên cao" tại cuộc thi thường niên của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới (FIAP). Tính đến thời điểm này, Hội NSNA Việt Nam nhận được 759 tác phẩm của 200 tác giả. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay của chuyên ngành nhiếp ảnh chính là đào tạo nguồn nhân lực.

Thiếu cá tính sáng tạo

Điểm lại các tác giả đoạt giải cao như: Vũ Trung Huân (tác phẩm "Đồi chè Long Cốc" đoạt giải Á quân 1 cuộc thi ảnh Weather Photographer of the Year 2020 tại Anh), Vũ Mạnh Cường (tác phẩm "Vân núi 5" đoạt huy chương vàng chủ đề "Du lịch" tại cuộc thi ảnh quốc tế Shadow 2021 do Liên đoàn Nhiếp ảnh Ấn Độ - FIP tổ chức), Khánh Phan gây ấn tượng mạnh khi giành cú đúp giải thưởng tại cuộc thi ảnh quốc tế Tokyo International Foto Awards (TIFA) 2020 ở Nhật Bản... đều là những nhiếp ảnh trưởng thành từ phong trào, chưa được đào tạo chính quy.

NSNA Đào Hoa Nữ cảnh báo rằng một thời gian dài, nhiếp ảnh của ta lấy tiêu chí là cái đẹp mà quên đi những tố chất thuộc cá nhân nên nhiều bức ảnh na ná theo một khuôn mẫu. Ngại nhất là đội ngũ không được đào tạo căn bản, thiếu kiến thức chuyên sâu nên đây là lúc phải nhìn rõ trọng trách đào tạo lực lượng NSNA kế thừa.

Đó là chưa kể đến việc theo đuổi giải thưởng gắn với những quyền lợi, chỗ đứng của người hoạt động nhiếp ảnh trong thị trường, nên đội ngũ làm nghề tự phát đang ráo riết chạy theo thành tích. Và cứ thế, đội ngũ làm nghề bám sát giải thưởng và "gu" của ban giám khảo tại các cuộc thi khiến tay nghề chạy theo xu hướng, tạo ra hàng loạt bức ảnh vô hồn và trùng lặp, thiếu cá tính sáng tạo.

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng chính vì chạy đua thành tích, ngạo nghễ với giải thưởng mà nhiếp ảnh Việt đang đứng trước nhiều thử thách, đó là làm mất đi sự chân thật trong mỗi tác phẩm và cái tâm xứng tầm một NSNA được đào tạo tử tế. NSNA Chu Thu Hảo - Phó Phòng Nhiếp ảnh Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Trưởng Ban Lý luận phê bình Hội NSNA Việt Nam - thừa nhận nhiều năm qua, công tác đào tạo gặp nhiều khó khăn. "Hiện tượng chụp trước, học sau đã cho thấy lỗ hổng quá lớn, nhất là chưa có khoa lý luận phê bình nghệ thuật nhiếp ảnh" - bà Hảo cho biết.

Thực tế, Khoa Nhiếp ảnh Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã được thành lập 15 năm nhưng giáo trình giảng dạy chưa được cập nhật; trong khi ở các quốc gia như Pháp, Mỹ, Anh… có hẳn trường ĐH dành cho nhiếp ảnh.

Nhiếp ảnh Việt cần đào tạo đội ngũ xứng tầm - Ảnh 1.

Tác phẩm “Phơi chiếu cói” của Dzũng Nguyễn được trao Bằng danh dự FIAP năm 2021. (Ảnh do Hội NSNA Việt Nam cung cấp)

Đối mặt với xu thế đổi mới

Bứt phá để hướng đến "cái tôi" sáng tạo của NSNA được xem là một trong những yếu tố then chốt để đưa loại hình nghệ thuật này phát triển và hội nhập mạnh với quốc tế.

Năm 2006, Việt Nam đoạt huy chương vàng tại cuộc thi của FIAP cho bộ ảnh đen trắng với đề tài "Nét sinh hoạt đời sống trong cộng đồng dân cư" là một minh chứng. Đến năm 2008, tại Ðại hội lần thứ 29 của FIAP, chiếc cúp thế giới cao nhất đã được trao cho nhiếp ảnh Việt Nam và nước ta được chọn đăng cai cho Ðại hội lần thứ 30 của FIAP tại Hà Nội vào năm 2010 thật sự là niềm vinh dự.

Bộ VH-TT-DL đã từng tổ chức cuộc giao lưu sáng tác và triển lãm ảnh của 15 nhà nhiếp ảnh nổi tiếng trên thế giới. Từ cuộc tiếp xúc nghề nghiệp này, cuốn sách ảnh "Triển lãm ảnh của các nhà nhiếp ảnh danh tiếng thế giới" đã được xuất bản và phát hành. Tất cả thành quả đó tạo nên uy tín cho nhiếp ảnh Việt Nam trong cái nhìn của nhiếp ảnh toàn cầu.

Tuy nhiên, với các nhà chuyên môn trong nước, việc thiếu tìm tòi, bứt phá do ỷ lại thành tích đang khiến nghệ thuật nhiếp ảnh Việt đứng trước nhiều thử thách. Nhất là nguy cơ thiếu hụt lực lượng các nhà lý luận phê bình. PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng chuyên ngành lý luận nhiếp ảnh lâu nay hoạt động tự phát, chỉ có vài người được đào tạo ở nước ngoài. "Ðã tới lúc ngành nhiếp ảnh cần nghĩ tới chiến lược đào tạo bổ sung kịp thời lực lượng này để lĩnh vực sáng tác có chiều sâu. Vì có phê bình, có lý luận sẽ có bứt phá" - bà Thái nói.

Rõ ràng, nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam trong cơ chế thị trường và hội nhập đang phải đối diện với rất nhiều thách thức. Theo các nhà chuyên môn, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số, nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật ngày càng khắt khe, NSNA Việt đối mặt với xu thế đổi mới, đầu tư nhiều hơn nữa kỹ thuật xử lý hình ảnh để có các tác phẩm chất lượng cao.

Đội ngũ nhiếp ảnh hiện nay cần được đào tạo chuyên ngành hoặc đào tạo lại đội ngũ đã làm nghề với giáo trình được cập nhật theo chuẩn quốc tế. Đã đến lúc nhiếp ảnh Việt Nam nghĩ đến vận mệnh và tìm cách bứt phá, để đội ngũ NSNA trẻ có nền tảng vững chắc, đủ trình độ và nội lực tìm cách tiếp cận toàn diện hơn với thế giới, góp phần đưa hình ảnh đất nước mình ra thế giới sau đại dịch Covid-19.

NSNA Hoàng Thạch Vân, Phụ trách Văn phòng phía Nam Hội NSNA Việt Nam, cho biết: “Hội NSNA Việt Nam sau đại dịch sẽ trình Bộ VH-TT-DL kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, mở các lớp chuyên ngành nhiếp ảnh ở phía Nam, tạo chiến lược đào tạo đội ngũ kế thừa có tâm, xứng tầm với niềm kỳ vọng của ngành nghề hiện nay”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo