xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những đạo diễn "sống chết" với hài kịch

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Trước thực trạng hài kịch ngày càng dễ dãi, tâm nguyện của họ là làm sao đưa được tiếng cười trong sạch lên sàn diễn, đọng lại trong lòng người xem những bài học đối nhân xử thế ở đời

Hài kịch là món ăn không thể thiếu trên sàn diễn phía Nam, nhất là khi các bộ môn giải trí đều đưa chất hài vào phục vụ khán giả. Vì vậy, việc giữ lửa cho hài kịch là điều kiện sống còn của nhiều sân khấu kịch nói tại TP HCM. Trong đó, vai trò của đạo diễn có yếu tố quyết định. Nói theo danh hài Bảo Quốc: "Họ giữ lửa để tạo tiếng cười có trách nhiệm với xã hội".

Làm hài từ kinh nghiệm

Kịch Sài Gòn đã trải qua 20 năm hình thành và phát triển, thương hiệu này gắn chặt với thể loại hài. Hai đạo diễn: Hữu Nghĩa và Mai Trần gần như đóng vai trò chủ lực trong việc dàn dựng kịch mục tại sàn diễn này. Trước đây, NSƯT Đoàn Bá và NSND Trần Ngọc Giàu là những người đặt nền móng trong việc xây dựng phong cách hài kịch gắn với thương hiệu Kịch Sài Gòn. Hữu Nghĩa và Mai Trần kế tục sự nghiệp của các thầy mình, phát huy hiệu quả những gì họ đã xây nên.

Những đạo diễn sống chết với hài kịch - Ảnh 1.

Cảnh trong vở "Ám ảnh kinh hoàng" của đạo diễn Xuân Trang trên sân khấu Phú Nhuận

Điểm lại kịch mục Hữu Nghĩa và Mai Trần dàn dựng cho Kịch Sài Gòn, phần lớn là những vở châm biếm thói hư, tật xấu trong đời sống xã hội, đồng thời đề cao giá trị nhân văn và bài học về nhân quả. Tốt nghiệp năm 2008, đạo diễn Hữu Nghĩa chọn cho mình hướng đi này, anh nhanh chóng nắm bắt nhiều hình thức dàn dựng mới. "Tham khảo từ các bậc tiền bối để sáng tạo thành thủ pháp cho riêng mình, đồng thời quan sát cuộc sống để đưa vào kịch những thông điệp và tiếng cười gần gũi với khán giả" - nghệ sĩ Hữu Nghĩa cho biết. Sau khi tốt nghiệp đạo diễn - nghệ sĩ Mai Trần - người đã từng có những vai diễn hay trên sân khấu như: Hoàng Tú (Nhân danh công lý), trung úy Phêđo Rốpki (Đêm họa mi), Lỗ Quý (Lôi vũ), Jourdan (Trưởng giả học làm sang), thầy giáo điên (Ai điên?)... - chuyển sang làm đạo diễn. Từng gắn bó với đoàn kịch nói Kim Cương, chiếc nôi dòng kịch tâm lý xã hội nhưng Mai Trần cho biết khi còn ở kịch Kim Cương, anh học được kinh nghiệm từ những vở hài kịch thu hút số đông công chúng: "Đám cưới đầu xuân" hoặc một vài lớp kịch trong "Lá sầu riêng", "Dưới hai màu áo", "Trà Hoa Nữ"… để sau này áp dụng cho Kịch Sài Gòn".

Tiếp thu phong cách diễn xuất hài của các nghệ sĩ đàn anh, đàn chị, hai đạo diễn này đã vượt qua nhiều khó khăn để gắn kết với hài kịch. Họ bỏ sô quay phim truyền hình, chăm chút cho sàn diễn, đầu tư kỹ cho từng vai diễn để các vở như: "Thám tử siêu hạng", "Oan hồn bên suối", "Người tình tuổi Sửu", "Duyên hay nợ"… sáng đèn hằng đêm tại Sân khấu Kịch Sài Gòn.

Thu nhập từ công việc dàn dựng không cao bởi không còn được trả theo doanh thu 6% trong mỗi suất diễn, chỉ được cộng thêm vài trăm ngàn đồng cùng với cát-sê biểu diễn nhưng cả hai nhiều khi không nhận thù lao dàn dựng nếu lượng vé bán không đủ tiền chi trả thù lao cho diễn viên. Dù vậy, cả hai vẫn sống với nghề, hết lòng vì vở diễn đem lại niềm vui cho khán giả. "Cái khó lớn nhất là lắng nghe khán giả, gạn lọc thông tin trên mạng, quan sát cuộc sống, chọn đúng thông điệp để tạo tiếng cười" - đạo diễn Mai Trần trăn trở.

Sức trẻ

Trên sân khấu kịch Phú Nhuận có hai đạo diễn trẻ, tên tuổi gắn kết với nhiều vở hài, đó là Xuân Trang và Diệp Tiên. Cả hai đã tạo dựng được những tiếng cười trong nhiều bản dựng được giới chuyên môn đánh giá cao.

Đầu quân về Sân khấu Kịch Phú Nhuận từ năm 2002, thời gian đầu Diệp Tiên diễn những vai nhỏ, sau gần 4 năm, anh được bà bầu sân khấu này - NSND Hồng Vân - tin tưởng giao làm đài trưởng. Tính đến nay, với sự tiến bộ không ngừng, Diệp Tiên đã có mặt trong hơn 50 vở diễn tại Sân khấu Phú Nhuận và Sân khấu Super Bowl. Trong đó, "Oan gia" là vở đầu tiên Diệp Tiên đồng đạo diễn với Xuân Trang.

Cả hai gắn kết tạo nên nhiều dấu ấn cho các vở: "Thứ 6 ngày 13", "Trò chơi của quỷ", "Kẻ đoạt hồn"… Riêng đạo diễn Xuân Trang, tiếp tục thu hút khán giả với các vở: "Đàn bà dễ có mấy tay" (dựa theo tác phẩm văn học "Giông tố" của Vũ Trọng Phụng), "Ám ảnh kinh hoàng".

Sự đổi mới trong phong cách dàn dựng và diễn xuất của 2 đạo diễn trẻ này đã tạo cho hài kịch tại Sân khấu Phú Nhuận chất tươi trẻ. Họ có cách nghĩ, cách làm của riêng mình, không chỉ mang lại cho khán giả những phút giây thư giãn, vui vẻ mà còn suy ngẫm về tiếng cười đầy tính nhân văn.

"Dựng hài kịch phải hy sinh rất nhiều, dành hết thời gian cho đứa con tinh thần của mình, sống chết với ý tưởng nhằm tạo được hiệu ứng tiếng cười" - đạo diễn Xuân Trang bộc bạch. 

Bản lĩnh, trẻ trung

Nói về Hữu Nghĩa và Mai Trần, NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng: "Cả hai nghệ sĩ là những người lão luyện trong nghề, rất giỏi về lý luận kỹ thuật biểu diễn, khai thác hành động có nhiều sáng tạo. Họ có lối dàn dựng hài rất ngẫu hứng, trẻ trung và cũng rất bản lĩnh".

Còn NSND Hồng Vân bày tỏ: "Chúng tôi rất mừng khi các đạo diễn trẻ đã dàn dựng đầy sáng tạo với tinh thần tìm tòi. Việc đổi mới dàn dựng và diễn xuất là đáp án của bài toán nâng cao hiệu quả cho kịch hài. Thú thật, bây giờ dựng hài kịch khó gấp trăm lần vì để khán giả cười được không dễ. Nhưng khi Xuân Trang và Diệp Tiên cùng đọ sức, vở ra mắt, chúng tôi luôn nhận được sự đồng cảm của khán giả, khán phòng lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo