xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NSND Thoại Miêu: Nghệ sĩ chân chính là sống có trách nhiệm

Thanh Hiệp thực hiện

Luôn sống có trách nhiệm không chỉ với từng vai diễn mà còn với đồng nghiệp, đàn em trong nghề, NSND Thoại Miêu tỏa sáng hơn vì lối sống đúng mực của bà

.Phóng viên: Từ khi thay thế "sầu nữ" Út Bạch Lan gắn kết với CLB Hoa Lan Trắng, bà có tự tin mình là người đầu tàu?

- NSND THOẠI MIÊU: Ngoài việc diễn một số vai của "sầu nữ" Út Bạch Lan, tôi tự tin và đang làm tốt công việc khi đồng hành với NSƯT Tô Châu tiếp tục phát huy ưu thế CLB Hoa Lan Trắng, thực hiện di nguyện của "sầu nữ" đem văn nghệ và quà từ thiện đến với người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Khán giả đến với CLB là cùng mục đích thiện nguyện, mang thêm niềm vui cho người dân nghèo.

NSND Thoại Miêu: Nghệ sĩ chân chính là sống có trách nhiệm - Ảnh 1.

NSND Thoại Miêu.Ảnh: THANH HIỆP

.Cuộc đời một người đẹp nhất lúc thanh xuân. Bà nghĩ về tuổi trẻ có bằng ánh mắt nuối tiếc?

- Tuổi thanh xuân như hoa, mà hoa cũng như đời người, lúc đẹp nhất là khi còn trẻ nên tôi sớm ý thức để không hối tiếc. Niềm trăn trở lớn nhất với tôi chính là sân khấu cải lương cần có chiến lược bảo tồn. Bao giờ mới có được sự đầu tư toàn diện cho sân khấu. Học trò được đào tạo đúng chuẩn, có chỗ diễn, có nơi cống hiến và có khán giả đến xem. Đừng làm như thuyền trên sóng, thủng chỗ nào thì vá chỗ đó.

.Khi nhắc đến NSND Thoại Miêu, khán giả vẫn quen với nhiều vai phụ, điều này có làm bà đắn đo?

- Không. Trái lại, tôi mừng vì vai trò của mình được khán giả yêu quý. Vai phụ mà được khen, được nhớ là quá hạnh phúc. Gần đây nhất, trong vở "Lối về" tôi diễn vai bà mẹ. Khán giả xem đến vãn tuồng vẫn đứng ở cửa nhà hát đợi tôi. Họ ôm tôi vào lòng nói xem tôi diễn, nhớ hình ảnh những bà mẹ Nam Bộ. Nghệ thuật thì vô chừng. Đôi khi mình tâm huyết với vai đào chánh nhưng vai đó không được đánh giá cao. Có khi mình cứ cần mẫn với đào phụ thì lại được yêu thích.

.Theo bà, diễn viên trẻ bây giờ có được sự nghiêm túc và hết mình với nghề như thời mà bà và thế hệ vàng đã từng trải?

- Tôi không dám "vơ đũa cả nắm" vì thời điểm này, nghệ sĩ có muốn xả thân cho nghệ thuật mà không có sàn diễn thì cũng như nói chơi cho vui. Tôi chỉ khuyên những em biết chăm chút cho nghề. Từ lời ca, ánh mắt phải truyền tải được cảm xúc. Một số em bây giờ diễn xuất hời hợt lắm.

.Nghệ thuật rất cần sự rèn luyện mà sàn diễn ngày càng bị thu hẹp. Bà nhận định thế nào về sự kế thừa trong muôn vàn khó khăn của sân khấu cải lương?

- Giai đoạn trước khi tôi chưa nghỉ hưu, có nhiều ngày tôi ở sàn tập Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Có khi chưa kịp tiến độ, cứ trằn trọc, muốn nhìn thấy sự hoàn thiện ngay. Tôi sống đam mê đến mức ngủ là thấy mình chính là nhân vật. Thương các bạn diễn viên trẻ hiện nay hiếm có được không gian tập dượt như thế hệ chúng tôi. Họ chỉ quanh quẩn "biết hôm nay, chưa dám hứa ngày mai" khi khó khăn của ngành sân khấu đã thành bệnh mạn tính.

.Vậy còn về sàn diễn cải lương xã hội hóa, một người từng chứng kiến nhiều thăng trầm của nghệ thuật, ắt hẳn bà có nhiều điều muốn nói?

- Thật sự bây giờ, 8 đơn vị xã hội hóa cải lương vẫn đứng trước muôn vàn khó khăn do thiếu rạp để diễn. Họ cần sự hỗ trợ của chính quyền để duy trì hoạt động và góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu. Diễn viên trẻ yêu nghề rất đông nhưng các em gặp khó là chưa được sự công nhận từ khán giả trẻ. Trước hết, thiếu kịch bản hay bám sát đời sống. Thứ hai, chưa có hình thức thể hiện hấp dẫn. Đặc biệt, cải lương trên truyền hình ở nhiều tỉnh, thành làm rất ẩu. Chưa kể đưa cải lương vào game show nhiều trích đoạn không điển hình, nên không hấp dẫn giới trẻ. Theo tôi là cần chấn chỉnh.

.Với một người tâm huyết với sân khấu cải lương, khi nghĩ đến sự sống còn của bộ môn này, điều gì khiến bà phải suy nghĩ nhiều nhất?

- Đời sống thay đổi, phương thức làm sân khấu cải lương cũng thay đổi, đòi hỏi tư duy của người làm công tác quản lý phải thật sự yêu quý sức lao động nghệ thuật của bao thế hệ để tìm ra phương sách tốt nhất, hiệu quả nhất. Tôi ghi nhận nỗ lực của đạo diễn Hoa Hạ, soạn giả Hoàng Song Việt, đạo diễn Triệu Trung Kiên, nghệ sĩ Diễm Thanh... đã làm những vở diễn chỉn chu trong điều kiện khó khăn. Bây giờ, trong khi chờ cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp, chiến lược phát triển, nghệ sĩ bảo nhau hãy giữ cho mình không bị sa ngã. Sống có trách nhiệm mới xứng đáng nghệ sĩ chân chính. 

Những vở diễn làm nên tên tuổi

Năm 1969, NSND Thoại Miêu trúng tuyển vào Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (Khoa Diễn viên cải lương). Tại đây, bà và các bạn gồm: nghệ sĩ Tài Lương, Đỗ Quyên... đã được các thầy cô giỏi nghề truyền dạy: NSND Phùng Há, Năm Châu, nghệ sĩ Kim Cúc, Bích Thuận, Mai Thành, Duy Lân... Bà được chú ý trên đài truyền hình lúc đó với vở "Trần Minh khố chuối" và vở "Trường hận".

Sau năm 1975, bà về công tác tại Đoàn Văn công Giải phóng, diễn các vở "Ngày tàn bạo chúa", "Cây sầu riêng trổ bông", "Tâm sự Ngọc Hân", "Muôn dặm vì chồng", "Nàng Hai Bến Nghé", "Dốc sương mù"... Sau đó, về Đoàn 284, bà tiếp tục tỏa sáng với nhiều vai diễn trong các vở: "Những vì sao không tên", "Thiên Kiều công chúa", "Kiếp chồng chung", "Tô Ánh Nguyệt"...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo