xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NSƯT Công Ninh: "Tôi thích nói về sự gian truân"

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Là người gắn kết ước mơ làm nghệ thuật cho nhiều nghệ sĩ trẻ, NSƯT Công Ninh mong muốn gửi gắm đến học trò ý niệm làm nghề một cách tử tế

.Phóng viên: "Dịch Covid-19 là cơ hội để mọi người nhìn nhận lại cá nhân với các mối quan hệ trong xã hội, nó làm người ta trưởng thành hơn", ông có suy nghĩ gì về nhận định này?

NSƯT Công Ninh: Tôi thích nói về sự gian truân - Ảnh 1.

NSƯT Công Ninh luôn mong muốn gửi gắm đến học trò ý niệm làm nghề một cách tử tế

- NSƯT CÔNG NINH: Cơn đại dịch này đã làm thay đổi quan niệm về giá trị cuộc sống. Bản thân tôi cũng đã thay đổi suy nghĩ từ khi đại dịch bùng phát. Những câu chuyện dấn thân vào điểm nóng nhất trong giai đoạn giãn cách xã hội chống Covid-19 đã ám ảnh tôi. Nhất là gần đây, mỗi ngày số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng vọt, nhiều ca tử vong trong đó có văn nghệ sĩ đã khiến trái tim tôi đau nhói. Tôi xin tri ân lực lượng tuyến đầu và hiện nay là lực lượng quân đội, công an đang ngày đêm siết chặt hơn nữa việc giãn cách xã hội tại TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam để chống dịch.

.Nhìn lại quá trình phấn đấu trên con đường nghệ thuật đầy gian nan, ông nhớ nhất điều gì?

- Không ai có thể quay lại quá khứ để sửa chữa những sai lầm hoặc trở ngại của mình. Tôi chỉ biết cảm ơn cuộc đời đã cho mình nhiều cơ hội tiến thân. Năm 13 tuổi, cái nghèo ám ảnh khiến tôi phải nghỉ học, bước chân vào đời phụ giúp gia đình bán trà đá, bánh cam, khoai mì... May mắn, sau một năm tôi được quay lại trường học và định mệnh sắp đặt đến năm 18 tuổi thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu II - nay là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Sau 4 năm học, tôi tốt nghiệp loại xuất sắc. Và nhờ thành tích này, tôi có suất học bổng du học tại Liên Xô năm 1984, Khoa Đạo diễn sân khấu tại ĐH Sân khấu - Điện ảnh Leningrad (nay là Sankt-Peterburg) với bằng thạc sĩ. Đời tôi vất vả nhiều nên nhìn tôi lúc nào cũng khắc khổ. Có lẽ nhờ vậy mà sau này đạo diễn cứ giao cho tôi một loại vai, nhìn là biết khổ.

.Là một trong số ít đạo diễn được tu nghiệp nước ngoài, mang kiến thức về áp dụng cho sân khấu trong nước, ông hài lòng với những gì đạt được trong nghề?

- Để hài lòng không phải là chuyện dễ. Bởi, tôi vừa làm đạo diễn vừa làm công tác giảng dạy. Năm 1990, mới về nước, tôi dàn dựng 2 vở "Elena thân yêu" và "Gã giang hồ quốc tế". Nhưng chính vì chưa bao giờ hài lòng nên tôi cứ muốn vượt khó và phải mất 5 năm sau khi vở "Dạ cổ hoài lang" giành giải A tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995 và tôi được trao HCV với tư cách đạo diễn, lúc đó mới thở phào nhẹ nhõm vì nỗ lực của mình dù chậm nhưng đã có một lối đi riêng. Sau này, tôi tiếp tục dựng các vở: "Cõi tình", "Lò heo quay", "Sống thử", "Đảo thiên đường", "Những kẻ độc thân"… được khán giả đón nhận và đó là điều hạnh phúc của người đạo diễn.

.Khán giả còn biết đến ông với nghề diễn viên. Vậy giữa đạo diễn và diễn viên, nghề nào khiến ông nhọc nhằn nhất?

- Năm 1996, tôi được đạo diễn Lê Hoàng mời vào vai lính giải phóng quân tên Tấn trong phim "Ai xuôi vạn lý". Vai này mang về giải Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 12. Rồi sau đó, tôi tham gia nhiều vai diễn từ điện ảnh đến truyền hình như: "Đời cát", "Mẹ con Đậu Đũa", "Cha và con", "Tơ đồng vương vấn"… Nghề nào cũng phải chú tâm mới làm được chuyện. Để đa dạng, phong phú thì cần đào sâu tính cách nhân vật. Tôi thích gửi gắm vào đó những bài học quý của phận đời qua một quan điểm sống: "Cuối con đường gian khổ nào cũng sẽ có sự tươi tắn. Muốn đi xe thì cần đổ xăng, muốn tình yêu đơm hoa thì cần trái tim".

.Từ đầu năm 2021 đến nay, ông tham gia các phim: "Chuông gió" (vai Nguyễn Ngạn), "Chống lại số phận" (ông Linh), "Cây táo nở hoa" (ông Huân), "Gái khôn được chồng" (anh chàng khờ), "Người lắng nghe: Lời thì thầm" (ba của An Nhiên). Vai diễn nào khiến ông trăn trở nhất?

- Trong tình hình dịch bệnh, các đoàn làm phim đã rất gian khổ nhằm bảo đảm tiến độ kịp phát sóng phục vụ khán giả "ở nhà chống dịch và xem các chương trình giải trí bổ ích". Chúng tôi làm việc trong điều kiện tuân thủ quy định 5K. Áp lực lắm nên ê-kíp nào cũng bị đè nặng trên vai biết bao trở ngại. Tôi đã gửi vào các nhân vật nhiều trăn trở bởi nếu không có sự ray rứt, làm sao để vai diễn lan tỏa tích cực trong đại dịch. Đó là trăn trở lớn nhất của tôi trong năm nay. Tôi thích đi vào các số phận gai góc, có nhiều điểm sáng thú vị và tính cách đa chiều với đủ các cung bậc cảm xúc. Lạ một điều là tôi hợp với các hình tượng chính trực nhưng nó đặt tôi trước nhiều thử thách, để mình không lặp lại và không bị một màu. Trên thực tế, nếu không nghiên cứu dễ rơi vào đơn điệu. Sau này, vì lý do sức khỏe, tôi ít nhận vai trong cùng thời điểm, để còn tái tạo cảm xúc và thoát vai, nhập vai kia đúng lúc, đúng chỗ.

.Ở thời điểm hiện tại, nhìn lại chính mình, ông cảm nhận thế nào về hai chữ thành công?

- Quy luật cuộc sống không chỉ có thành công, để trưởng thành thì thất bại giống như nấc thang chông chênh mà mình đã tự hào bước qua vậy. Tôi đã tròn 60 tuổi rồi, đúng vòng xoay một đời người. Tuy vẫn đang là trụ cột trong gia đình, đứng giữa, cân bằng mọi thứ nhưng độ tuổi này tôi nhìn thành công khác xưa rất nhiều. Ỷ lại thành quả đã đạt có nghĩa là mình bằng lòng với thực tại. Mà nghề diễn viên, đạo diễn và sư phạm luôn thúc mình lao về phía trước. Nên dù bận rộn với công việc nhưng khi có thời gian nghỉ, tôi lại dành cho vợ con. Phút giây bên gia đình ấm áp lắm, nó giúp mình nạp thêm năng lượng để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh người nghệ sĩ. Tôi cảm thấy hãnh diện về gia đình mình, nơi yểm trợ cho tôi làm tốt vai trò quyền Trưởng Khoa Đạo diễn và Truyền hình Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, nỗ lực truyền đạt bài học kinh nghiệm cho thế hệ trẻ, động viên các em sống tử tế từ sự nghiêm khắc của tôi trên bục giảng.

.Ông có nghĩ sẽ viết hồi ký về cuộc đời mình?

- Tôi chưa nghĩ đến. Hơn nữa, tự viết về thành quả của mình thấy không thuận tay cho lắm. Nếu có, tôi thích nói về sự gian truân. Nhưng trên thực tế qua nhiều khóa đào tạo, học trò của tôi đã được dạy về đức tính chịu khó, biết hy sinh để đúc kết kinh nghiệm cho nghề một cách tử tế. Từ đó, tôi tin các em sẽ viết những trang hồi ký của ngành nghề, tựu trung là biến đam mê, khao khát thành động lực để chạm tay đến ước mơ.

Tôi mừng vì trong số học trò mình dạy có nhiều em giờ đã là đồng nghiệp nổi tiếng như: Ngọc Tưởng, Thanh Thúy, Ngọc Trinh, Trấn Thành, Việt Hương, Quốc Thuận, Tiết Cương, đạo diễn Vũ Ngọc Ðãng, Quách Khoa Nam…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo