xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tạm biệt một kép đẹp của sân khấu cải lương

Bài và ảnh: THANH HIỆP

Hung tin nghệ sĩ Thanh Tú trút hơi thở cuối cùng lúc 10 giờ 10 phút ngày 23-2, hưởng thọ 83 tuổi đã để lại nhiều thương tiếc cho các đồng nghiệp và khán giả

Dù phải chống chọi với căn bệnh tai biến suốt 13 năm, nghệ sĩ Thanh Tú vẫn còn hừng hực lửa nghề.

Anh kép đúng chất nam nhi

Ông đã từng thốt lên những lời tâm sự tự đáy lòng khi xem các bạn diễn viên trẻ diễn vở "Bên cầu dệt lụa", "Tiếng trống Mê Linh", "Thái hậu Dương Vân Nga", "Lan và Điệp"… những vở diễn kinh điển làm nên tên tuổi thế hệ vàng của sân khấu cải lương nhưng vẫn còn thiếu chút gì đó mà theo ông, đó là chất nam tính trong từng vai kép.

Tạm biệt một kép đẹp của sân khấu cải lương - Ảnh 1.

NSƯT Út Bạch Lan và NS Thanh Tú

Ông đã từng góp ý với một kép trẻ diễn vai Nhuận Điền rằng: "Nhân vật là nông dân, tay lấm, chân bùn, sao cháu lại hóa trang quá đậm theo kiểu "mặt hoa, da phấn"; cách ca diễn lại luyến láy, như vậy là không đúng sẽ làm mất đi cốt cách chân chất của vai diễn".

Nghệ sĩ Thanh Tú cho rằng kép đẹp là phải nam tính, phải khiến khán giả nữ dành trọn cảm tình cho nhân vật, cho vai diễn, từ đó mới quý trọng nghệ thuật cải lương.

Tạm biệt một kép đẹp của sân khấu cải lương - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Thanh Tú

Nghệ sĩ Thanh Tú được trao giải HCV Thanh Tâm năm 1963 cùng đợt với NSND Bạch Tuyết, NSND Diệp Lang, NSƯT Thanh Sang, nghệ sĩ Mộng Tuyền, Trương Ánh Loan, Tấn Tài… Ông luôn tự hào về thế hệ của mình khi điểm lại danh sách những nghệ sĩ của giải Thanh Tâm, tất cả đều đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp nghệ thuật. Mỗi người đều có một nét đặc trưng riêng biệt trong ca diễn, nhất là những anh kép đúng chất nam nhi.

Di nguyện mà ông thường căn dặn cho thế hệ diễn viên trẻ trong những lần gặp gỡ, giao lưu (nhất là giai đoạn Nhà hát Trần Hữu Trang tổ chức chương trình "Những dấu ấn không phai" và "Sân khấu Vàng") là phải giữ cho đúng chuẩn sáng tác, dàn dựng để nguồn nhân lực kế thừa của sân khấu cải lương không lạc quỹ đạo. Tuyến đào kép đẹp phải là nhân vật đẹp từ tâm hồn, nhân cách đến cách thể hiện nhân vật trên sân khấu, có như vậy mới có thể chuyển tải thông điệp về cái đẹp đến với công chúng.

Tình yêu nghề là vĩnh cửu

Cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ Thanh Tú là một chuỗi dài những cuộc hội ngộ mà theo ông đó là sự may mắn. Bởi, từ một anh kép ở tỉnh lẻ, rồi đi qua nhiều đoàn hát như: Dạ Lý Hương, Thanh Minh - Thanh Nga, Hương Mùa Thu… rồi chính ông đã lập đoàn riêng; suốt thời gian này ông đã có cơ hội được các soạn giả tên tuổi như: Hà Triều, Hoa Phượng, Viễn Châu, Mộc Linh, Yên Lang, Thế Châu, Thu An… chỉ bảo nên uy lực nghề của ông ngày càng "nam tính trong từng vai kép".

Theo nghệ sĩ Thanh Tú, nếu sống có mục đích, có ý nghĩa thì tất yếu sẽ gặp vinh quang, nên chưa khi nào ông có tư tưởng buông xuôi. Chính vì vậy, từ thành công qua các vai kép phụ, ông hiển nhiên trở thành kép chánh, rồi lấn sân sang cả lĩnh vực điện ảnh. Vai diễn Vọi trong bộ phim "Trống mái" là một dấu ấn đẹp trong cuộc đời nghệ thuật của ông.

Tạm biệt một kép đẹp của sân khấu cải lương - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Thanh Tú (bìa trái) trong chương trình giao lưu “Từ giải Thanh Tâm đến giải Trần Hữu Trang” do HTV tổ chức

Trước câu hỏi: "Yêu nghề trong thời buổi sàn diễn cải lương đìu hiu, phải chăng là đón nhận đau khổ và nước mắt?", ông trả lời: "Tình yêu nghề diệu kỳ lắm, dù có chắp cánh bay đi, vẫn còn đọng lại mật ngọt. Tình yêu nghề là vĩnh cửu".

Chuyện tình yêu của ông cũng rất đặc biệt, ông đã gặp, yêu và lập gia đình với nghệ sĩ Trang Bích Liễu. Ông đã cùng bà tỏa sáng qua hàng trăm vở tuồng từ sàn diễn đến video, băng dĩa. Và cho dù nổi tiếng là một kép đẹp được nhiều khán giả nữ hâm mộ, ông vẫn một mực chung thủy với người phụ nữ mà trước khi thành hôn đã gặp nhiều trắc trở do gia đình bên vợ cấm cản, lo ngại "con gái mình sẽ khổ vì yêu một kép đẹp".

Tạm biệt một kép đẹp của sân khấu cải lương - Ảnh 4.

NS Hồng Nga, đạo diễn Thanh Hiệp, NSND Ngọc Giàu, NS Thanh Tú, NS Trang Bích Liễu, NSƯT Tô Kim Hồng trong buổi họp mặt 23-7-2018 (từ trái qua). Ảnh: HUỲNH QUÝ

Những năm cuối đời, khi lâm vào bệnh tật, định mệnh nghiệt ngã khiến ông phải bán nhà trả nợ do lập đoàn hát, rồi nhiều lần phải bán nhà đang ở, mua nhà nhỏ hơn để lấy tiền điều trị bệnh.

Khán giả mộ điệu sân khấu cải lương sẽ luôn nhớ về nghệ sĩ Thanh Tú, một biểu tượng của cái đẹp trên sân khấu, đủ sức lôi cuốn khán giả mê đắm từ chất giọng trầm ấm, phong cách diễn xuất chân thật của ông.

Thắp nén tâm nhang tiễn biệt ông. Công chúng sẽ không thể quên vai Nhuận Điền trong tác phẩm "Bên cầu dệt lụa" của ông, và rất nhiều những vai diễn để đời, là khuôn mẫu cho thế hệ diễn viên trẻ hôm nay.

Một năm trước khi qua đời, ông đã từng tâm sự và lo lắng về sự mai một của khuynh hướng sáng tác kịch bản cải lương với tuyến nhân vật chính diện là biểu tượng của cái đẹp. Ông cũng trăn trở rất nhiều về sự lệch hướng mà nếu không chấn chỉnh sẽ khiến khán giả xa dần sàn diễn cải lương.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo