xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tấm lòng người thành phố

Em Nguyên

"Người thành phố" là những người thân, những người quen, và những người ta chưa quen. Những người sẵn sàng giúp bạn trong lúc khốn khó, thấy việc phải thì xắn tay làm. Người TP HCM vì vậy mà thật dễ thương…

Hồi nhỏ, nghe tới cụm từ "Dân Sài Gòn"  là tôi nghĩ ngay đến những người họ hàng sống trong nội ô của mình. Thỉnh thoảng, tôi vẫn được theo bà nội đón xe lam vào trong đó. Những căn nhà cửa đóng im ỉm vẫn không ngăn nổi tiếng xe cộ ầm ầm lọt vô từ ngoài đường. Mấy thím, mấy cô tôi là dân buôn bán, rất vui vẻ, tử tế. Nội nhắc hoài chuyện nhiều bận, bà con mình hễ hữu sự, khó khăn, vô thành phố đều được đùm bọc, giúp đỡ. Trong con mắt của đứa trẻ là tôi lúc đó, Sài Gòn có nhiều xe cộ, có nhà cao cửa rộng và nhiều người tốt bụng, hay giúp đỡ người khác.

Rồi những năm đầu sau khi đất nước thống nhất với những khó khăn thiếu thốn. Xã vùng ven nơi tôi ở quanh đi quẩn lại chỉ có một trường tiểu học với vài dãy phòng cấp 4. Muốn mở một trường cấp 2 cho con em, hỏi giáo viên đâu? Thì dân thành phố ra dạy chứ đâu, ai đó nói và tôi được nghe, biết về những người thầy từ TP HCM về dạy ở quê tôi.

Đó là những thầy cô còn rất trẻ, ai cũng trắng trẻo, tươi tắn, hoạt bát. Người lớn nói họ đến từ nhiều trường đại học khác nhau trong thành phố, không chỉ trường sư phạm, và họ rất giỏi. Tôi không thể nào quên được những thầy cô giáo trung học đầu tiên ấy, những người trí thức trẻ TP HCM, đã đến đây giữa những ngày khó khăn nhất của quê hương, cùng chúng tôi ăn cơm độn bo bo, đạp xe hơn chục cây số từ tinh mơ đến nơi lưng áo ướt đẫm, để trao chữ cho chúng tôi. Chúng tôi cũng không ít ngạc nhiên khi thấy các thầy cô cùng ngụp lặn dưới ao, nhào bùn với rơm để dựng nên những dãy phòng mới mái tranh, vách đất.

Thầy H. là một trường hợp đặc biệt. Thầy trước là giáo viên trường Kỹ thuật Gia Định (nay là Cao đẳng Kỹ thuật Điện), giờ kiêm đủ các môn từ Toán, Hội họa đến tiếng Pháp. Những ngày đầu tiên, chưa có thầy cô tiếng Anh nào về nên ngay cả khi chọn lớp Anh, chúng tôi vẫn phải tạm học tiếng Pháp. Đám con nít ruộng đồng lần đầu biết tới cái gọi là ngoại ngữ, sung sướng gào thật to những câu, từ thầy dạy. Tôi đặc biệt thích những tiết dạy vẽ của thầy. Lần đầu tiên, chúng tôi nghe tới cái gọi là "đường chân trời", "sáng tối", "xa gần". Rồi chúng tôi "thừa thắng xông lên" với các vật dụng trong nhà như cái ca uống nước, cái ấm, hay trái dưa chuột, trái cà nâu ... Tất cả được đánh bóng bằng bút chì hoặc lọ nghẹ thật nổi bật.

Thầy cùng chúng tôi lập vườn cây thuốc nam, dạy chúng tôi yêu hoa cỏ, thầy đạp xe túc tắc tới nhà mấy đứa trốn học, nhẹ nhàng ngay cả khi la mắng chúng tôi. Hầu như phụ huynh cả cái xã Thạnh Lộc này ai cũng biết thầy, thuộc lòng cái dáng đạp xe dưới nắng, dưới mưa của thầy… Sau này, khi đọc Người thầy đầu tiên của Aitmatov, tôi vẫn cứ hay nghĩ về những ngày ấy. Thầy Duishen đã trồng trên đồi hai cây phong như một ẩn dụ đẹp về tương lai của những đứa trẻ, còn thầy H. đã gieo trong trái tim lũ học trò nhỏ chúng tôi những hạt yêu thương.

Tấm lòng người thành phố - Ảnh 1.

Xã vùng ven của tác giả nay là phường thuộc quận với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Trong ảnh: Công viên Thanh Niên tại phường Thạnh Lộc, quận 12, TP HCM Ảnh: CTV

Sau mấy mươi năm, ngoại ô dần đô thị hóa với quá nhiều thay đổi. Trường xưa của tôi bây giờ to đẹp, khang trang hơn. Người quê tôi vẫn thỉnh thoảng nhìn thấy thầy H. đạp xe trên đường, dáng gầy gầy, chiếc nón rộng vành quen thuộc của thanh niên tình nguyện. Trông thầy như lạc lõng trong dòng xe cộ cuồn cuộn. Là người duy nhất trong số những giáo viên năm ấy trụ lại với vùng ven. Vài lần tôi ghé thăm, ngồi dưới gốc cây điệp già nghe thầy nhắc chuyện về những thăng trầm cuộc đời thầy gắn với bao nhiêu nỗ lực để tồn tại và đi lên của ngôi trường.

Đến năm 2003, thầy về hưu, thay vì nghỉ ngơi vui vầy bên con cháu thì thầy lại chọn trung tâm giáo dục cộng đồng làm nhà, xem như bắt đầu một cuộc dấn thân. Tôi ghé thăm, thấy thầy già đi rồi.  Nhưng trong cái vẻ ngoài chậm rãi, hiền từ vẫn bừng bừng một ngọn lửa của nhiệt tâm khi thầy nói về những dự định cho trung tâm. Khuôn mặt rạng rỡ, ánh mắt rực sáng, rồi bỗng tư lự khi thầy nói về những học trò đặc biệt của mình. Những em khiếm thị bên chùa Kỳ Quang 2, những thanh thiếu niên vì hoàn cảnh bỏ học sớm, những đứa trẻ trôi dạt theo cuộc mưu sinh của cha mẹ mà việc học dở dang... Một dạo báo chí cũng đến tìm hiểu và viết bài về thầy. Họ nói nhiều lắm, về một "tấm gương", "một người kỳ lạ", còn tôi, một học trò cũ,  lại thấy ở thầy hình ảnh người trí thức xưa giỏi chuyên môn, sống khiêm nhường và tận hiến.

"Dân Sài Gòn" hay "người thành phố"  là những người thân, những người quen, và những người ta chưa quen ở ngoài kia. Là chị Tư bún riêu, ông Bảy xe ôm, bà Năm tạp hóa…, những con người làm việc cần cù, sống dung dị, tấm lòng nhân hậu, vị tha. Những người sẵn sàng ùa vào khống chế một tên cướp nhưng sau đó "Thôi đừng đánh nó, để pháp luật người ta xử". Những người sẵn sàng giúp bạn trong lúc khốn khó, vô tư không tính toán. Cư xử tử tế,  không vì bạn nghèo mà coi khinh và cũng không vì bạn giàu mà họ nịnh nọt.  Thấy việc phải thì xắn tay làm. Nghe thiên tai ở đâu lại cùng nhau đóng góp .... Người TP HCM vì vậy mà thật dễ thương!

Khi tôi gõ những dòng này thì thành phố đang bước vào những ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Chính quyền quận đã thông báo điểm phát gạo ATM và siêu thị 0 đồng. Mong sao với ý thức tự giác và tinh thần yêu thương đùm bọc, người dân TP HCM sẽ vượt qua.

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải

Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo