xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tết vẫn là Tết

Truyện ngắn của MẠNH HOÀI NAM

Hàng vạn thọ trước nhà ra búp bằng hột bắp, trong xóm bắt đầu lo Tết, người thì lột tỏi, lột hành, người thì ngâm củ kiệu chuẩn bị làm dưa món.

 Còn má "mắc kẹt" giữa cánh đồng, chôn chân trên đám lúa vừa ra lá non bị ốc bươu vàng cắn phá.

Ốc bươu vàng "ác nhơn" ở chỗ mới nở ra to chỉ bằng chân nhang đã mở miệng cắn phá lúa làm đám ruộng lủng lỗ lủng hang, có chỗ đất trống bằng cái sàng, có chỗ to bằng cái nong. Trên cánh đồng, miệng ốc bươu vàng tạo "mặt trận": sàng, nong, nia... Má chửi: "Tổ cha con ốc bươu vàng, khôn quá, thượng lên cao đẻ trứng trên đầu cây, ngọn cỏ, cách mặt nước gang tay, nên đẻ trăm trứng còn nguyên trăm trứng. Còn ốc bươu đen đẻ trứng ngay mặt nước, trở thành mồi cho các loại cá ăn".

Tết vẫn là Tết - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thợ rèn ở quê sáng chế cây ba chia, má đứng thẳng lưng móc chỗ lúa dày cắm xuống chỗ đất trống do ốc bươu vàng cắn phá. Má và phụ nữ trong thôn nhờ cây ba chia moi móc "tu bổ" cánh đồng đến mùa vụ đội lên hàng trăm tấn lúa.

Má đi cấy dặm về chiều nhóm lửa nấu cơm, củi cháy nhảy lên ngọn lửa ôm đít nồi, má chụm thêm củi thì bếp lửa cười (cây củi bọng ở giữa ém khói rồi khạc ra giống như ống thổi lửa lò rèn). Nồi cơm chưa sôi mà bếp lửa cười, le lưỡi liếm lên vành nồi, má nổi nóng hốt nắm muối hột vãi vô nổ bụp, bụp (quan niệm của má là bếp lửa cười thì gia đình xui xẻo, làm đâu trật đó; bỏ muối nổ xua đi cái xui). Má đi coi thầy, ông thầy bói bảo má ra bẻ chà lá vô đưa ông xem, nhìn một hồi, ông phán: "Nhà bị động ông Táo". Trúng tim đen của má.

Con bò đực phát bị muỗi mòng đốt, ngứa cạ vô thành chuồng gãi lưng làm rung lắc, động lên mái tôn kêu ầm ầm như ai cầm cây gõ. Má cầm roi đánh con bò rồi đứng trước ngắm một hồi, nói hay do cổng chuồng bò đâm thẳng vô miệng ông Táo (cổng chuồng bò hướng thẳng về cái bếp). Con nhỏ nhà bên đeo "đít chai" (sinh viên đại học về quê ăn Tết) qua chơi nghe má nói… le lưỡi, chớ không dám cười.

Má còn thêm một câu: "Động ông Táo thì trong nhà con cái không khỏe mạnh, không hư thì cũng hỏng". Mà tôi có hư hỏng gì đâu, hôm bữa má bận làm đồng, sai tôi đi chợ mua trúng chai nước mắm trở mùi.

Trưa, tôi nấu canh nêm nước mắm trở mùi, bà nội nói: Thôi "đổ chớ ai ăn", vậy mà đi cấy về, má múc nửa chén lắc qua lắc lại cho mau nguội, bưng húp cái rột... chữa cháy cái bụng đang sôi (hồi sáng đến giờ má chưa có hột cơm nào trong bụng). Ăn xong, má lột tỏi, xắt đu đủ… phơi dưa món trên giần, sàng, nia.

Năm đó má nuôi cua bị mất của. Đám ao (ruộng trũng đào sâu) má nuôi cua trải bạt, chưa giáp tháng, gặp nắng hạn kéo dài, đám ao mạch phù sôi ùng ục, chưa bao giờ cạn nước nay khô cạn, cua bò… ló mu. Vài ngày sau, cua sùi bọt mép, rụng càng rụng que, dưới đám ao, hàng trăm mu cua đỏ như ai bỏ lửa than nướng.

Trời chuyển mùa, má nuôi vụ cua thứ hai gỡ vốn. Lội ruộng bắt ốc bươu vàng về cạy nắp miệng làm mồi cho cua ăn ròng rã hai tháng thì lụt ập xuống vào ban đêm, cua trôi theo dòng nước, sáng ra dưới đám ao không còn mu cua… biết ơn.

Hai chuyện nhập một, má đi coi bói, đổ thừa… cái bếp.

Khi búp vạn thọ to bằng ngón tay cái, mở miệng nhả bông, má lo đổ bánh thuẫn. Má mua ký rưỡi bột khoai hạ, ký đường và chục trứng hột vịt.

Má đi cấy luôn trưa, chiều về sớm tranh thủ đổ bánh thuẫn. Hồi trưa trong nhà hết thức ăn, tôi lấy hai trứng vịt luộc. Bà ngoại thấy "nóng trong người" lấy mấy muỗng đường pha nước chanh uống. Nhà xa chợ quán, má đổ bánh thuẫn "thiếu trứng, hụt đường" bánh không nở mà tịt lít.

Cúng tất niên, má sắp con gà cồ ngước cao đầu như đang gáy trên trang ông Táo. Sắp mấy cái bánh thuẫn để phía sau bình bông, má thắp nhang vái, cầu mong "được mùa lúa, trúng vụ cua".

Ba bữa Tết dư thịt mỡ, má thắng mỡ heo để dành. Tháng giêng trời lạnh, mỡ heo đông cứng. Sáng, má dậy sớm nhóm lửa hơ đít chai nóng, mỡ tan chảy. Má bắc cái xoong lên bếp rót chai mỡ, khử củ hành thêm mắm muối thành món mỡ mặn xối lên tô cơm nguội ăn đi làm đồng.

Má ăn Tết đến hết tháng giêng.

***

Tôi công tác ở xa, sắm cho má bếp gas, tuổi già khỏi phải ra bờ rào quơ củi. Má chiên đậu, rót dầu phộng vô chảo chờ dầu sôi khử hành, cái chảo lùn tịt mà ngọn lửa cao phựt, má la làng xóm. May quá, có chú Năm Cộ Bò (ba đứa em đeo "đít chai", làm nghề lái cộ bò), chạy qua khóa bếp gas, chữa cháy chảo lửa…

Chiều tôi về, má kể: "Cái chảo ngậm tràm miệng lửa phun cao, má mất hồn mất vía. Thôi, má không dám dùng nữa".

Tôi sắm bộ đồ nghề nấu nướng: lò nướng, bếp điện, ấm điện cho má.

Mua về "khởi động" xoong nồi (cắm điện lò nướng, bắc xoong lên bếp chiên cá…) rồi ở lại một ngày làm "hướng dẫn viên điện đài" cho má. Sáng, tôi vô trong phố đi làm, chiều má lấy điện thoại nắp chụp, gọi: "Bếp điện "bỏ đói" má. Nấu hoài mà nồi canh không sôi. Hồi trưa má định gọi nhưng sợ mất giấc ngủ trưa của con. Thôi, để má chụm củi chắc ăn hơn".

Má nói to trong điện thoại: "Đồ quỷ gì đâu mà nấu nướng khó khăn". Tắt máy.

Tôi chạy xe gần 60 cây số về kiểm tra. Thì ra bếp kén nồi. Bếp dùng nồi inox, má tận dụng nồi nhôm méo mó nên bếp trả điện về nguồn.

Xui cho tôi, sáng ra xe tay ga khởi động không nổ (nghi chuột cắn dây điện), loại xe Vespa đời mới, miền quê không có thợ sửa, phải chờ thợ từ thành phố ra. Má càm ràm: "Xe "ếch bà" (Vespa) đeo bình thùng giống mu cua, đẹp mà nằm một chỗ không chịu bò, chịu chạy. Mướn cộ bò kéo đi cho rồi. Đồ quỷ đó cho tao không thèm".

Ngày hết Tết đến, trong xóm không mua bánh chợ như trước mà tự làm bánh dọn đãi khách. Qua thời đổ bánh thuẫn "thiếu trứng hụt đường", giờ má đi chúc Tết bà con hàng xóm, chủ nhà dọn bánh ra, má nhìn một hồi rồi "chỉ mặt" từng cái bánh. "Bánh thuẫn cháy đít là do thừa đường, già lửa. Bánh thuẫn mở miệng méo mó là do đánh bột không đều. Còn bánh thuẫn đội mũ là do bỏ bột nở, mà bột nở nhiều quá chẳng khác nào bắt miệng mình ngậm chất cấm. Bánh thuẫn tịt lít là do thiếu trứng, hụt đường. Thời nay không thiếu gì bột, đường, trứng nhưng do tay nghề pha chế còn yếu nên bánh mất đẹp" - vô nhà nào má cũng xổ một tràng dài như truyền lửa lại lớp trẻ nghề làm bánh thủ công.

Mùng 5 cúng tạ, con cháu về đông vui để mùng 6 đi làm ngày đầu tiên của năm. Sáng, má qua nhà dì Ba Giết Mổ (làm nghề mổ heo) mua miếng thịt còn thở (thịt heo vừa mổ ra cho vào nồi nước sôi) nên thịt ngọt ăn ngon miệng. Ăn xong, má gói bánh thuẫn, rim, mứt, dưa món… tự tay má làm cho con cháu mang đi. Bao năm qua, tự tay má lo một cái Tết đầy đủ. Có điều bàn tay của má đến giờ còn "mặt trận"… thẹo, lủng lỗ lủng hang dấu cua kẹp.

***

Sau năm nuôi cua bị mất của, má đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm về "tu bổ" đám ao, đào sâu đám ruộng, nuôi cua gạch. Loại này nuôi đúng sức, cua đực càng to bằng ngón tay cái. Thu hoạch cua, bán cua sống chớ cua chết nặng mùi hơn nước mắm trở mùi, bán không ai mua. Cua sống càng que mạnh phải dùng dây chuối trói (quấn chặt không cho nó bò, dùng càng kẹp).

Hồi còn nấu củi, bếp đầy tro, má hốt đổ ra sau vườn trồng chuối. Chuối trồng trên đất muối tro, chuối mẹ đẻ ra chuối con nhảy quanh gốc, cây to cao. Má lột bẹ xé ra trói cua. Một ký cua trói 2 lạng dây chuối. Cua đội giá một ký hai trăm ngàn (tính cả dây chuối), một năm má xuất bán cả tấn cua. Trúng mùa cua, má còn được mùa bán dây chuối.

Trói cua không làm sao tránh được cua kẹp. Trúng cua đực kẹp, rứt được tay ra để lại trong càng miếng thịt bằng hột lúa. Má trói hàng ngàn con cua, vết kẹp trước chưa làm da non thì bị cua kẹp chồng lên vết thương… rát rạt. Má bực mình rủa: "Tổ cha con cua!".

Má nuôi cua "bắt nhốt" ốc bươu vàng.

Mùa mưa, cánh đồng bỏ hoang chờ sạ lúa, ốc bươu vàng sinh sôi nảy nở. Sáng sớm, ốc bươu vàng mở miệng rồi "mang râu đội mũ" bò đi ăn lấy sức đẻ trứng, người dân dàn hàng ngang "cày" bắt ốc bươu vàng bán lại cho má.

Nông dân "độ" cái cày, có cáng bằng gỗ để đẩy, phía trước có tấm lưới thụng giống như cái vợt. Người đứng từ phía sau đẩy tới, cái vợt chúi mũi xuống đất ủi qua gốc rạ, gặp ốc bươu vàng cắn lúa lật ngửa ra, lăn vô cái vợt, ngậm miệng lại… nằm im. "Cày" qua một đường dài, dừng lại, bắt ốc đổ vào bao tải. Buổi sáng, tốp người "bắt nhốt" ốc bươu vàng trong hàng chục bao tải cột miệng. Má thuê chú Năm kéo cộ bò ra đám ao rồi đập nát, moi ruột ốc làm mồi, cua kẹp bỏ vô miệng ăn, đội mu lớn nhanh.

Trúng mấy mùa cua, tiền vô như mạch phù, người trong xóm gọi má là bà Hai Cua.

Tết này, chú Năm Cộ Bò, dì Ba Giết Mổ - bạn già của má - đến chúc Tết. Hàng xóm ra về, nhắc lại hồi trước bếp lửa cười là do củi, má lại "đổ thừa" cái cổng chuồng bò đâm vô miệng ông Táo. Má cười, tao ghét bếp lửa cười từ hồi về làm dâu, bà nội bay bày lại chuyện này. Rồi má kể Tết năm đầu má về làm dâu, nhà túng thiếu, má xào nấu, múc ba tô canh, gắp vài dĩa xào cúng tất niên. Họ hàng đến dọn ăn gắp không đủ bữa. Bà con ra về, má dọn dẹp, đến lượt má ngồi bàn, không còn gì ăn, má bẻ miếng bánh tráng nướng chấm nước mắm.

Má nói cuộc đời má trải qua nhiều cái Tết. Tết thiếu trước hụt sau. Tết đầy đủ. Tết đi chơi xa hay nằm một đống trong nhà thì Tết vẫn là Tết. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo