xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thấm đậm tình nghĩa, khí chất Sài Gòn trên sân khấu

Hoàng Kim

Trên tất cả là Sài Gòn với khí chất lạ lùng, vừa nghĩa tình chân thật vừa phóng khoáng bao dung, vừa hào hiệp mạnh mẽ…

Không hẹn mà có 3 vở kịch nói về Sài Gòn nối tiếp nhau ra mắt trong vài tháng qua. Sân khấu Hoàng Thái Thanh dựng "Sài Gòn có một ngã tư" (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: NSƯT Thành Hội), Nhà hát Kịch TP HCM dựng "Hẻm nhỏ Sài Gòn" (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu), Nhà hát Sân khấu nhỏ (5B) dựng "Những giấc mơ lóng lánh" (tác giả: Tùng Phi, đạo diễn: Thái Kim Tùng). Có thể kể luôn chương trình "Đêm hoa lệ" (kịch bản: Trác Thúy Miêu, đạo diễn: Vũ Trần) của nhà thiết kế Sĩ Hoàng thực hiện tại Nhà hát Chợ Lớn. Sài Gòn bỗng hiện lên rộn ràng, xoáy vào tâm can người xem bằng những day dứt, băn khoăn.

Sài Gòn đẹp trong ký ức, hoài niệm

Thật ra bao nhiêu vở trước kia cũng lấy Sài Gòn làm bối cảnh đó thôi. Nhưng các vở vừa kể trên đã gọi tên Sài Gòn rất cụ thể, kể câu chuyện của Sài Gòn thật rõ ràng, thông điệp về Sài Gòn cũng rất thẳng thắn, chứ không nói chuyện chung chung.

Thấm đậm tình nghĩa, khí chất Sài Gòn trên sân khấu - Ảnh 1.

Thế Hải, Thái Quốc, Vân Anh trong vở "Sài Gòn có một ngã tư" Ảnh: Hoàng Kim

"Hẻm nhỏ Sài Gòn" nuối tiếc về những con hẻm nghèo có cây đa cổ thụ, có cái miếu thờ thổ địa, có căn nhà cổ với vườn cây râm mát, tiếng chim hót dịu dàng…như dấu ấn của cư dân một thời khai phá hoang sơ. Những ông chủ địa ốc luôn lăm le giải tỏa những mảnh đất như thế để biến thành cao ốc, thành trung tâm thương mại. Sài Gòn sẽ bị xóa sạch hình ảnh đặc trưng, để nhìn đâu cũng thấy nhà chọc trời, khu công nghiệp khô khan.

Thấm đậm tình nghĩa, khí chất Sài Gòn trên sân khấu - Ảnh 2.

Mỹ Uyên, Công Ninh, Tấn Phát trong vở "Những giấc mơ lóng lánh" Ảnh: Hoàng Kim

"Những giấc mơ lóng lánh" cũng muốn giữ lại rạp hát xưa với cánh màn nhung nuôi dưỡng tâm hồn con người nhân văn dịu ngọt. "Sài Gòn có một ngã tư" thì day dứt tiếng đờn vọng cổ của ông già mù. "Đêm hoa lệ" cũng vậy, ngoài giọng hát boléro của ca sĩ đường phố, còn có tiếng ca của NSND Bạch Tuyết cất lên xao xuyến… Sài Gòn từng là cái nôi phát triển của nhạc tài tử, cải lương. Nếu Mỹ Tho, Bạc Liêu đã sinh ra bộ môn nghệ thuật này thì Sài Gòn mới là nơi đưa nó thăng hoa tột đỉnh, với hàng trăm hàng ngàn nghệ sĩ thành danh, hàng trăm hàng ngàn bài vọng cổ và vở cải lương kinh điển ra đời. Boléro cũng từ Sài Gòn mà ra, nửa thế kỷ vẫn chưa thôi quyến rũ…

Sài Gòn lên sân khấu trong hoài niệm của mọi người với những nét xưa như vậy. Và trên tất cả là Sài Gòn với khí chất lạ lùng, vừa nghĩa tình chân thật vừa phóng khoáng bao dung, vừa hào hiệp mạnh mẽ. Sài Gòn không hoàn thiện, vẫn có lừa đảo, cướp giật, toan tính nhưng mọi thứ rồi cũng phải đi vào quỹ đạo yêu thương của Sài Gòn. Vở kịch nào cũng làm người ta khóc vì nghĩa tình ấy. Cô gái điếm hoàn lương chấp nhận hy sinh cho người mình yêu. Ông già chồng tương lai khó tính rồi cũng xót lòng thương con nhỏ và chấp nhận cưới nó cho con trai mình. Một phụ nữ bị chồng đánh, trốn nợ, được cư dân hẻm nhỏ góp từng đồng bạc lẻ cưu mang. Một bà già lỡ đường ngất xỉu, người Sài Gòn cũng mang về nuôi nấng… Những nhân vật của kịch sao rất đỗi thân quen, ta cứ gặp đâu đó hằng ngày. Cái tình này đã biến Sài Gòn thành nơi cư ngụ của hàng triệu người tứ xứ về đây kiếm sống, yêu đương, lập nghiệp…

Gắng giữ hồn cốt, khí chất đặc trưng

Vì thế, người ta đang đau bởi từng cái cây ngã xuống cho cao ốc mọc lên, rồi ô nhiễm môi trường, làm giàu dễ dãi bất chấp đạo lý… Tiếng chuông cảnh báo được sân khấu gióng lên. Và người Sài Gòn cũng quyết liệt trong thái độ. Cư dân của xóm nghèo nhất quyết không ký giấy bán đất cho công ty địa ốc. Một nơi khác thì giả tung tin có ma trong rạp hát để không ai mua nó, chờ ngày nó được sáng đèn trở lại. Một nơi kia thì cố hàn gắn trái tim vỡ nát, kéo người ta về với tình yêu và giấc mơ… Cuối cùng, Sài Gòn vừa giữ được nét cũ vừa phát triển đúng hướng, âu cũng là niềm hy vọng mà nghệ sĩ gửi gắm vào tác phẩm, cũng là hy vọng của khán giả.

Vương Huyền Cơ, tác giả của vở "Hẻm nhỏ Sài Gòn", bày tỏ mình không phải người Sài Gòn chính gốc nhưng mấy chục năm sống ở Sài Gòn đã yêu thương nơi này như quê hương của mình. "Yêu nét hào sảng, chân thành. Yêu từng con phố, hàng cây… 20 năm trước, tôi đã viết "Xóm nhỏ Sài Gòn" được Sân khấu IDECAF dựng và đoạt giải A trong Liên hoan Sân khấu Mùa thu 1998. Rồi năm nay, tôi viết vở "Đất lành" (đạo diễn đã sửa lại tựa là "Hẻm nhỏ Sài Gòn"). Đất lành là nơi mọi người về đây, được dung chứa, được thành công, chúng ta cũng nên đối xử tử tế với nó. Đừng để mất những giá trị đặc trưng của Sài Gòn".

Còn đạo diễn Ái Như cho biết mình tham gia nhóm viết kịch bản và chủ trương sản xuất vở "Sài Gòn có một ngã tư" bởi "thương" mảnh đất này một cách lạ lùng. "Không thể thờ ơ với những gì đang diễn ra nóng hổi ở Sài Gòn hôm nay. Đành rằng sự phát triển nào cũng phải trả giá nhưng nếu cố gắng thu xếp và có cái tâm thì cái giá ấy sẽ không quá đắt, vẫn có thể giữ lại hồn cốt Sài Gòn, để sau này con cháu mình còn biết về một Sài Gòn đầy đặn lịch sử. Khán giả đồng cảm với vở kịch, dù là người Sài Gòn hay không phải người Sài Gòn, chính ở chỗ khí chất Sài Gòn đã chinh phục trái tim họ. Khí chất ấy vẫn vẹn nguyên dù cảnh vật có đổi thay, dâu bể…" - đạo diễn Ái Như bộc bạch. 


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo