xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thành phố này kỳ lạ lắm!

Hoàng Dương

Bác tôi vẫn chọn thành phố Hồ Chí Minh là nơi gửi gắm cuộc mưu sinh. Bác nói xứ này chăm chỉ làm việc thì tiền bạc dễ kiếm hơn quê mình và ở thành phố người ta sống cũng có tình lắm

Chẳng biết hấp lực gì mà hở ra người dưới quê, cứ túng quẫn thắt ngặt, cùng đường tận nẻo là thi nhau khăn gói đi xa. Hỏi đi đâu? Mười người hết chín nói: Thành phố Hồ Chí Minh, hay được gọi vắn tắt là "Thành phố".

Để coi thành phố là chốn đất lành chim đậu thế nào mà ai cũng đổ xô tìm đến, bất kể già trẻ lớn bé; ra trường, tôi cũng hí hửng vác hành lý mà đi. Đi cho biết cái nơi anh chị em bạn bè, bà con lối xóm quê tôi, qua điện thoại cứ than vắn thở dài, mà có thấy ai về đâu. Nếu có thì năm được một lần: Tết. Và hết.

Đến như bác họ tôi, hơn năm chục tuổi đầu vẫn còn rời xứ xa quê. Như mặc định, bác vẫn chọn thành phố Hồ Chí Minh là nơi gửi gắm cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Đến nay đã tuổi sáu lăm, hỏi sao mất sức rồi mà bác hổng về. Bác nói: Mất sức làm hồ chứ còn lượm ve chai được. Trên này, miễn chăm chỉ làm việc thì tiền bạc dễ kiếm hơn quê mình. Mà ở thành phố người ta sống cũng có tình lắm.

Đừng có dại dột đi kiểm chứng lời của bác tôi nếu như việc chấp nhận ai đó nói đúng khiến bạn phiền lòng. Đúng là phải đi mới biết thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố này kỳ lạ lắm! - Ảnh 1.

Một điểm phát cơm, khẩu trang miễn phí tại TP HCM trong những ngày giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 năm 2020 Ảnh: LÊ PHONG

Ngày đầu đi làm, tôi ra đầu hẻm trọ ăn sáng. Mới mở miệng gọi "em tô hủ tiếu chị ơi" đã thấy cô hàng mồ hôi lấm tấm cười xòa: "Mới lên mà nay vô làm luôn hả cưng? Có công ăn chuyện mần liền nhẹ người hén?". Tôi nhận ra chị. Chị là người gom tiền trọ khu tôi. Chị có một xe đẩy, mấy bộ bàn ghế nhựa bán đồ ăn sáng.

Tôi vừa dạ vừa ăn. Vừa húp món nước dùng ngòn ngọt cái phong vị phương Nam vừa trả lời những câu hỏi thăm của chị. Từ nhà ra quê quán. Hết sức cởi mở.

Lúc đứng dậy trả tiền để ra đón xe buýt, chị xua tay: "Thôi, sinh viên mới ra trường lên đi làm, tiền đâu mà nhiều. Coi như chị mời mừng em có việc làm. Còn như hổng chịu thì chừng nào lãnh lương trả". Chị đẩy tôi đi vì xe buýt đang đỗ xịch ngoài trạm. Tôi bước mà dạ ngẩn ngơ.

Vợ đã vậy, chồng còn lạ hơn. Bữa sau thấy tôi chuẩn bị ra bắt xe buýt đi làm thì một hai ngoắc lại: "Nhỏ, em làm gần công viên Phú Lâm hả. Lấy xe máy anh mà đi, chừng nào người nhà gửi xe lên thì trả anh sau". Người đàn ông dựng xe cắm khóa rồi nhảy lên yên sau của đồng nghiệp, đi nhờ. Nghe nói mấy anh làm lái cẩu toàn xây những tòa chọc trời cho thành phố đông dân. Quanh năm sống trên trời nên cách nhìn đời cũng bao la y hệt.

Đó là chưa kể bữa nghe có xe, anh một hai biểu tôi lên anh chở qua chành xe khách bên quận 8 để lấy. Bận về anh trước tôi sau, xe đông quá có lúc tôi không tìm được bóng lưng anh nhưng kỳ lạ là tôi không hề có cảm giác lạc lõng.

***

Cũng lâu rồi, buổi chiều tối, trời đang trong trẻo, tự nhiên mưa trút xuống ầm ào. Thành phố này hay mưa bất chợt vậy mà, tôi đứng chỗ mái hiên một ngôi nhà đóng cửa để mở cốp xe lấy áo mưa. Đằng xa có ai đó vừa đi đâu về, lúi húi tìm chìa khóa tra vào ổ. Trước nhà có một người đàn ông đang ngồi bên chiếc xe chở đồng nát, co ro. Khi cánh cửa sắt được kéo lại thì trên đầu tấm bạt chầm chậm được kéo ra. Ai biết bên trong chủ nhà đã làm gì.

Ngoài đường có cô gom rác đi qua rồi treo lên xe người đàn ông đang ngả lưng một túi bóng; nhìn kỹ mới biết là áo mưa và một hộp vuông nhỏ trăng trắng như xôi. Mọi việc xảy ra chớp nhoáng chừng đôi ba phút thôi, không hề nghe ai nói với ai một câu thật hay, thật đẹp. Đó là một vở kịch câm hoàn toàn. Vở kịch lưu lượng ngắn, nội dung thì giản đơn nhưng khiến người đi đường như thấy có mưa rơi trong mắt.

Tôi hỏi cậu bạn vốn là người sinh ra ở đây: Bây giờ bạn nói thiệt cho mình biết đi, hiểu sao cho đúng về thành phố đây? Một mặt thì cướp giật, tệ nạn, khói bụi kẹt xe nóng nực thì thôi, điệp khúc này khỏi kể. Một mặt lại cho trà đá, bánh mì miễn phí, cơm mang tiếng 2.000 đồng nhưng cũng giống cho không. Bệnh viện nào cũng thấy phát cơm. Hỏi đường thì kêu có chỉ cũng không biết đâu, cất công dẫn tới chỗ. Chạy xe ôm chạy Grab mà chở người nghèo, người bệnh, người khuyết tật là không lấy tiền. Bơm vá xe ngày kiếm được bao nhiêu đâu mà cũng đặt bảng miễn phí cho người khốn khó. Đất đai thị thành sốt đến chóng mặt mà nói hiến là hiến cái rụp cho người ta xây bệnh viện nhi ngon lành.

Bạn tôi lẳng lặng ngồi nghe tôi hỏi một tràng, thả người vào lưng ghế điệu bộ hết sức thong thả, xong đủng đỉnh đáp: Ủa, thì phải vậy người ta mới sống được chớ!

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.

Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo