xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiếng ru giữa đồng

Truyện ngắn của VŨ NGỌC GIAO

Tôi chạy như bay trên bờ mương quanh co, chiếc lồng bẫy chim nặng trĩu trên tay, trong đó một chú chim dồng dộc yếu ớt đang kêu chiêm chiếp.

Hai vạt áo tôi cột lại, giấu chùm dủ dẻ chín vàng mọng nước vừa mới hái được bên gốc duối. Vừa chạy tôi vừa thở hổn hển cho đến chừng tiếng tụi trẻ chăn bò xa dần rồi mất hẳn, tôi mới dừng lại, tựa vào đống rạ đương phơi bên đường đứng thở. Một đứa con gái thành phố ẻo lả chạy thoăn thoắt trên cánh đồng dưới cái nắng chang chang, tay còn cầm chiếc lồng chim thật nặng, có kể ông bà nội tôi cũng chẳng tin.

Tiếng ru giữa đồng - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chừng hết mệt, tôi ngồi thụp bên đống rạ se sẽ mở lồng chim, chú chim vẫn còn sợ hãi đập cánh loạn xạ. Tội nghiệp, nó mới lớn, đang ríu rít trên cây cùng mẹ, sơ sẩy chui vào bẫy của tụi trẻ chăn bò, nó rít lên từng tiếng thảm thiết. Sung sướng vì cứu được chú chim, tôi say sưa ngắm nó, đôi cánh bị thương không thể bay lên. Tôi đưa tay khẽ đỡ rồi mang nó đặt lên đống rơm. "Bay đi! Bay đi nào! Cố lên em!". Tôi reo lên. Chú chim dồng dộc như hiểu lời tôi, gượng đôi cánh yếu ớt bay được một đoạn rồi dừng, thêm một đoạn nữa, chừng lấy được lại sức, nó vụt bay lên trời cao.

Vậy là thoát, tôi sung sướng nghĩ bụng. Tụi trẻ chăn bò mà phát hiện tôi đã lén thả chú chim chúng vừa bẫy được, chắc tụi nó sẽ cho tôi một trận. Giờ này tụi nó vẫn còn say sưa ném banh đất, thả diều, có để ý gì đâu.

Đang đứng trưa, vẫn chưa ai ra đồng. Cái nóng oi ả hầm hập dội xuống đầu, tôi sực nhớ mình đang ngồi dưới nắng, khát khô cả cổ. Giờ chạy về nhà sẽ bị nội mắng vì cái tội không ngủ, ra đồng giữa trưa. "Giữa đồng lấy đâu ra nước để uống?" - Tôi thầm nghĩ.

Chợt tôi nhìn thấy đằng kia có một cái chòi. Phải rồi, cái chòi của bà Hon, nó nằm trơ trọi giữa đồng. Chỗ này tụi trẻ chăn bò mỗi khi lùa bò ra đồng nhỡ khát nước thường đến đó xin bà gáo nước mưa, trước hiên có một cái khạp bà dùng để hứng nước mưa uống quanh năm. Có khi buồn ngủ, tụi nó lại leo lên cái chõng tre đánh một giấc đến chiều rồi lùa bò về.

Bà ở đó từ bao giờ tôi không nhớ nữa, mỗi khi về quê nội tôi thường kiếm cớ đi ngang, tò mò nhìn vào, tụi trẻ chăn bò luôn tỏ ra thân thiết với bà. Bà sống một mình thui thủi trong cái chòi, chẳng có người thân. Người trong làng ít ai biết về tung tích của bà. Tôi không dám gần bà như tụi trẻ chăn bò vì tôi sợ.

Bà Hon có gương mặt kỳ dị, cái trán cao chiếm hơn nửa khuôn mặt với hàng trăm nếp nhăn chồng chéo. Bà gầy đến nỗi tưởng như một cơn gió thổi qua cũng xô ngã, da bà vàng ủng, có lẽ bệnh. Quả thực, nhìn bà rất sợ, nhất là về đêm.

Tôi mon men lại gần cái chòi, lần này tôi mạnh dạn, thầm nghĩ chắc bà chẳng làm gì mình đâu, đến ngồi tránh nắng, xin bà miếng nước uống, tụi chăn bò vẫn thường thế kia mà!

Đến nơi, tôi ngồi bệt xuống cái sân gạch chứ không dám vào, tôi ngồi rất lâu. Một lát, có tiếng cọt kẹt của tấm liếp phía sau, bà Hon xuất hiện. Tôi hoảng hốt nhìn bà, dưới cái nắng trưa trông bà càng vàng vọt, kỳ dị. Bà tiến lại gần tôi thều thào:

- Mày... con nhà ai hử?

- Dạ, con là... - Tôi bắt đầu run - Con ở xa về chơi, thăm nội...

- À!... Bà nhìn tôi cười.

- Thôi vô đây ngồi với bà cho mát, ngồi ngoải chi cho nắng! - Bà lập cập đi trước, đôi chân run run cứ như chực rơi ra.

Tôi luống cuống đứng lên theo bà. Vào trong chòi, tôi ngồi im thin thít, thỉnh thoảng mới ngẩng lên kín đáo quan sát chỗ ở của bà. Bên cái chõng tre ọp ẹp có ba viên gạch chụm lại làm cái bếp, gần đấy có mấy cái thùng để bà đựng quần áo, một ô cửa nhỏ nhìn ra đồng. Ngoài sân một cái khạp nước đen ngòm, cái khạp bà vẫn dùng để hứng nước mưa, phía trên cái khạp bà để một cái máng xối thân dừa.

Bà loay hoay bên bếp, một lúc sau mang ra cái cà mèn méo mó, đến bên tôi bà mở nắp, đôi tay nhăn nheo cầm đôi đũa đưa cho tôi:

- Ăn đi con! Bánh bột mì bà mới làm.

Tôi nhìn vào trong cà mèn, những chiếc bánh bột mì tròn tròn, đen đen luộc chín, được bà tráng qua một lớp dầu và lá hẹ. Tôi ngồi yên chẳng dám ăn, thấy vậy bà cầm đũa gắp ra bát cho tôi:

- Mày người thành phố, chê bánh bà hử con?!

- Dạ… không! - Tôi lắc đầu, cầm đũa gắp một chiếc bánh, ăn miễn cưỡng, những chiếc bánh bột mì mằn mặn to bằng nửa bàn tay khiến tôi suýt nghẹn. Bà lại lập cập đi rót nước cho tôi, cái ly cáu bẩn cũng đen như cái khạp. Tôi ngước nhìn bà, trên cái trán cao kỳ dị, mấy sợi tóc bạc bay lơ thơ.

Bà ngồi gần tôi hơn. Lúc này lòng tôi dịu hẳn đi, không còn sợ bà. Bà nói, chất giọng đặc trưng quê tôi:

- Ở thành phố… sướng quá hê… Hôm nào dắt bà ra chơi cho biết nghen!

Tôi gật mà mắt nhìn ra đồng trông chừng tụi chăn bò. Có lẽ giờ này tụi nó đã phát hiện ra cái lồng bẫy chim đã biến mất cùng với tôi và chú chim dồng dộc mới bẫy được trưa nay. Có lẽ tụi nó đang tìm tôi, bắt được tôi, tụi nó sẽ nhảy lên bắt đền, có khi tụi nó sẽ chẳng bao giờ cho tôi ra đồng chơi cùng nữa. "Kệ, miễn sao mình cứu được em chim". Tôi nghĩ bụng - Giờ này có lẽ em chim đã tìm được mẹ…

- Con ngồi chơi chờ bà ra lấy củi vô, để ngoải chiều giông tới ướt hết bà không có gì đun - Bà Hon nói, cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi.

- Để con giúp bà mang vào cho nhanh - Tôi nhanh nhảu tót xuống đất.

Một loáng, bà và tôi đã khuân hết số củi khô vào bếp. Trong khi chờ bà xếp củi ngay ngắn bên bếp lửa, tôi ngồi đong đưa chân trên cái chõng tre, ôm chiếc gối vào lòng. Vô tình, tôi kéo cái chăn bà để trên chõng, một bộ quần áo trẻ nhỏ rơi ra. Tôi cầm lên, là bộ quần áo của bé gái đã ố vàng, có lẽ từ lâu lắm rồi… Tôi ngơ ngác không hiểu, trong nhà bà đâu có em bé nào, xưa giờ bà cũng không con không cháu.

Xếp củi xong bà trở vào, nhìn bộ quần áo trên tay tôi bà lẳng lặng cầm lên gấp lại, đặt ngay ngắn dưới tấm chăn. Tôi yên lặng nhìn bà, lưng bà còng xuống, đôi mắt già nua mờ đục nhìn ra cánh đồng, trông bà cô đơn đến tội nghiệp. Hình ảnh đó bao nhiêu năm sau tôi vẫn không quên.

- Bà ơi! Em bé giờ ở đâu? - Một lúc sau tôi mới thỏ thẻ hỏi.

Bàn tay nhăn nheo của bà nắm lấy tay tôi, run run, lặng đi một lúc...

Ngày đó, bà chưa chồng, bà yêu một người trong làng, rồi bà trót dại. Người đó đi biền biệt. Đến khi cái thai trong bụng ngày càng lớn, bà bỏ làng đi xa, dự định sẽ lập nghiệp và nuôi con ở đó. Nhưng ở chốn xa không họ hàng, người thân, bà quá cơ cực, chẳng biết lấy gì nuôi con. Khi cô con gái được năm tháng tuổi, bà quyết định bế con về nhà xin cha mẹ tha lỗi và nương nhờ. Trên đường về, trong đêm đi qua cái ao làng, bà trượt chân. Khi người trong làng phát hiện, họ chỉ kịp cứu bà thôi… Bà lại bỏ xứ ra đi, bà làm thuê, ở đợ. Bà được ông bà chủ cho ở nhờ trên mảnh đất này, giữa đồng... Rồi bà ở vậy cho đến giờ…

Tôi lặng người nghe bà kể, thấy thương bà quá đỗi. Vậy mà bấy lâu nay tôi sợ bà, trong bụng cứ nghĩ bà là người xấu nên bị bắt ra ở giữa đồng không mông quạnh. Tôi yên lặng để bàn tay mình trong bàn tay bà, ấm nóng. Nhích lại gần bà hơn chút nữa, tôi xoa vào cái lưng xương xẩu của bà.

- Giờ ở một mình bà có buồn không? - Không hiểu sao tôi lại hỏi một câu ngây ngô đến thế.

- Bà buồn lắm! Buồn lắm con! - Giọng bà nghèn nghẹn như sắp khóc.

- Con còn ở với nội hơn hai tháng nữa, con sẽ đến chơi với bà.

Đôi mắt bà ầng ậng nước, gương mặt dúm dó run lên bần bật. Bà khóc. Tôi ngồi bên bà cho đến lúc nhìn ra đồng thấy trời đã về chiều, tôi xin phép bà ra về. Tụi trẻ chăn bò có lẽ cũng quên bẵng tôi cùng với chú chim dồng dộc tội nghiệp.

… Hè năm sau, tôi lại về quê nội. Tôi hay tin bà Hon đã chết. Bà chết trong đêm, cô độc trong cái chòi giữa đồng. Khi ông bà chủ phát hiện, tay chân bà đã lạnh ngắt, đôi mắt khép lại, bà ra đi thanh thản.

Mỗi khi về quê nội, tôi lại lang thang ra đồng, nơi ngày xưa trên đó có cái chòi của bà Hon. Cái chòi không còn nữa, ông bà chủ đã phá đi rồi, chỗ đó giờ đã được trồng một vạt bắp… Đêm, trăng quê tôi hao gầy như những người đàn bà nơi đây, hiền lành, an phận, những người đàn bà khổ cho đến hết đời…

Chiều chạng vạng, ngang qua vạt bắp, tôi đi chậm lại, có tiếng con tu hú gọi bầy. Chiều xuống quê tôi đẹp mơ màng, nóc nhà nào cũng có làn khói bay lên. Tôi nhớ bà, nhớ cái bánh bột mì mằn mặn trong cái cà mèn méo mó, nhớ ly nước cáu đen, nhớ cái chõng tre đã mục, trên đó có bộ quần áo trẻ con được ấp iu dưới gối.

Tôi thấy chơ vơ giữa đồng một cái khạp nước đen ngòm, một cái máng xối thân dừa mục ruỗng. Có lẽ người ta phá cái chòi đi và chừa lại cái khạp hứng nước mưa, để mỗi khi khát tụi trẻ chăn bò đến đó uống. Trên cái chòi ngày xưa, nền đất đã cứng lại như gạch, tiếng côn trùng rả rích trong bụi cỏ. Tôi nhìn cái khạp bám đầy rêu, bên trong còn sót lại một ít nước mưa và thấy gương mặt tuổi thơ của mình hiện về trong đó, một cô bé chín tuổi ngơ ngác, trong veo. Một cô bé ngày xưa luôn thích về nội, về nội lại chạy ra đồng, ra đồng lại chạy đến chỗ bà Hon…

Tôi thấy thấp thoáng đâu đây bóng người đàn bà đang đưa võng ru con, tiếng ru chầm chậm, khàn đục cất lên trong chiều… 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo