xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TRAO GIẢI CUỘC THI THƠ VÀ TẠP BÚT "45 NĂM RỰC RỠ TÊN VÀNG": Đọng lại tình yêu thành phố

HỒ XUÂN HUY

Người viết trải hết lòng mình, những lời văn ý thơ truyền tải bao thông điệp hay, đem đến năng lượng tốt lành cho người đọc và càng thấy rõ rằng thành phố này thật đáng sống

Sáng 21-8, Báo Người Lao Động đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng" với hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Chạm vào trái tim bạn đọc

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, từ ngày phát động 10-4 đến hết ngày 15-7, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 750 bài của 610 lượt bạn đọc gửi về. Từ đó, chọn đăng hơn 140 bài viết. 13 bài dự thi xuất sắc nhất của 13 tác giả lọt vào vòng chung khảo đã được tôn vinh tại buổi lễ tổng kết, công bố kết quả và trao giải cuộc thi.

Cuộc thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng" thu hút sự góp mặt của đông đảo bạn viết, từ những tên tuổi quen thuộc trên văn đàn cho đến những cây bút mới, những người đam mê văn chương. Điều đó là minh chứng cho thấy tình yêu với thành phố phương Nam. Những tố chất hào sảng, năng động, nghĩa tình của người dân thành phố, vẻ đẹp của tình người cứ lấp lánh qua tháng năm dưỡng nuôi tâm hồn và đời sống bao người.

Theo nhà văn Bùi Anh Tấn - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, thành viên Ban Chung khảo - sự tham gia đông đảo của bạn viết nói lên uy tín và tầm phủ rộng của Báo Người Lao Động. Đề tài thể hiện cũng đa dạng, có máu lửa hy sinh của cuộc chiến vĩ đại vừa qua, có những nét đẹp đời thường dung dị của con người thành phố hôm qua và hôm nay. 

"TP HCM luôn dang rộng vòng tay đón những người con của mọi miền đất nước. Mỗi người về đây, có thành công, có thất bại nhưng qua những bài dự thi đều để lại hình ảnh con người thành phố với ấn tượng khó phai mờ. Đó cũng là thành công nổi bật của cuộc thi" - nhà văn Bùi Anh Tấn nhấn mạnh.

TRAO GIẢI CUỘC THI THƠ VÀ TẠP BÚT 45 NĂM RỰC RỠ TÊN VÀNG: Đọng lại tình yêu thành phố - Ảnh 1.

Quang cảnh lễ tổng kết, trao giải cuộc thi Thơ và Tạp bút “45 năm rực rỡ tên vàng” Ảnh: QUỐC THẮNG

Nhà thơ Cao Xuân Sơn - Ủy viên Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn TP HCM, thành viên Ban Chung khảo - nhận định về các tác phẩm mà ông ấn tượng: "Mùi phố" của Tịnh Bình và "Tôi với thành phố này đâu phải người dưng" của Đoàn Thị Diễm Thuyên mang đến cho người đọc một cách cảm, cách nói nhẹ nhàng, bình dị mà ấm áp, lay động. 

Ở đó, TP HCM hiện lên vừa quen vừa lạ trong tiếng chổi quét đường đánh thức bình minh, tiếng xe buýt chuyến đầu, tiếng lanh canh ly cà phê sớm... Lam lũ nhưng khỏe khoắn. Thầm lặng mà xôn xao. Ở đó, có nỗi thổn thức của đứa con xa quê thấy chốn ngụ cư bỗng một ngày ruột rà máu thịt, dứt khoát chọn ở lại, san sẻ đau thương cùng thành phố mùa đại dịch... Chẳng cần những tụng ca ồn ào, những khoa trương màu mè sáo rỗng. Chỉ những câu thơ ứa ra từ tâm cảm mới có cơ may tìm ra cách đi tắt tới những trái tim cần yêu thương, an ủi, vỗ về. Từ cuộc thi này, mỗi người có thể tìm cho mình một đôi câu đồng điệu.

Nhà báo Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, thành viên Ban Chung khảo - nhận định: "Các tác phẩm mang đậm phong cách Nam Bộ với văn phong và ngôn từ đặc trưng, gần gũi đi vào lòng người. Chắc chắn các tác giả phải là những người trong cuộc, đắm mình vào hoàn cảnh, câu chuyện để có những trang viết lay động như vậy. Chúng ta thấy được nét đẹp nhân nghĩa và tinh thần can trường, đặc biệt trong những ngày chống dịch. Qua đó, toát lên một ý nghĩa quan trọng: Thành phố này thật đáng sống. Người viết trải hết lòng mình chẳng ngại ngần, những lời văn ý thơ truyền tải bao thông điệp hay, đem đến năng lượng tốt lành cho người đọc".

Mở ra những hy vọng cho văn chương viết về thành phố

Cuộc thi đã khơi mở được mạch ngầm yêu thương trong lòng bao người dành cho TP HCM. Nhà văn Trần Nhã Thụy gửi gắm tâm tình: "Cá nhân tôi bất ngờ khi được thông báo nhận giải thưởng, vì thành thật mà nói, tôi không nghĩ nhiều về chuyện thi thố, mà coi đây là cơ hội để tôi bày tỏ tri ân mảnh đất này. Tôi viết để tri ân Sài Gòn - TP HCM, mảnh đất đã cưu mang mình, để chống lại sự lãng quên của chính mình. Xin cảm ơn cuộc thi đã cho tôi một cơ hội đẹp để bày tỏ cảm xúc chân thật của bản thân".

Nhà văn Trầm Hương, chủ nhân của giải thương cao nhất ở phần Tạp bút, dành lời tri ân đến cuộc thi: "Tôi cảm ơn cuộc thi vì tạp bút là một lát cắt, một gợi mở cho một quyển sách về chiều dài, chiều sâu lịch sử của một thành phố nghĩa khí, anh hùng. Thành phố tôi yêu chứa đựng bao điều chưa nói hết về tình người, về trí tuệ, lòng yêu nước và nghị lực phi thường vượt qua những khúc quanh nghiệt ngã. Cuộc thi là một dấu mốc để sau này nhìn lại, ta sẽ rưng rưng nhớ về thành phố những ngày khó quên, trong đau thương vẫn lung linh, ấm nồng tình người".

Tác giả Đoàn Thị Diễm Thuyên bồi hồi: "Có giải thưởng dù lớn hay nhỏ trong một cuộc thi ý nghĩa và quy mô thế này với tôi đều vô cùng giá trị. Giá trị hơn ở chỗ để thích nghi với hoàn cảnh, Báo Người Lao Động vẫn tổ chức một buổi lễ trao giải trực tuyến phù hợp với tình hình hiện tại. Điều đó thể hiện sự trân trọng cuộc thi, trân trọng các tác giả, trân trọng những giá trị mà văn học nghệ thuật mang lại cho thành phố này".

Đồng cảm với Diễm Thuyên, tác giả Nguyễn Chí Ngoan, một thầy giáo 9X ở tỉnh Kiên Giang, trải lòng: "Tôi thấy mình thật may mắn khi đoạt giải. Giữa lúc dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, tôi nghĩ Ban Tổ chức sẽ chỉ gửi email chúc mừng và "đành hẹn" các tác giả một dịp hội ngộ khác. Nhưng Báo Người Lao Động đã cho các tác giả một buổi lễ trao giải chu đáo. Tôi thật sự cảm động dù chỉ gặp mọi người qua màn hình. Đây chắc chắn là một kỷ niệm đẹp trong đời".

Nhà thơ Xuân Trường bộc bạch: "Qua những lần nhận giải thưởng trên các sân khấu hoành tráng, tôi vẫn thấy bình thường nhưng đây là buổi lễ đầu tiên tham dự theo hình thức trực tuyến thật nhiều mới mẻ. Trân trọng Ban Tổ chức đã làm việc vất vả để kết nối mọi người suôn sẻ, thuận tiện nhất, nhất là với những người cao tuổi có phần bối rối với công nghệ thông tin. Viết về Sài Gòn - TP HCM chẳng bao giờ hết, tình cảm của chúng ta chẳng bao giờ nhạt phai trong sự gắn bó văn chương vì một thành phố yêu dấu". 

Tình yêu lớn tạo thành sức mạnh

Phát biểu tại buổi trao giải, nhà báo Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Chung khảo cuộc thi - nhận xét: "Đa phần các tác phẩm thơ và tạp bút thường do những người viết từ phương xa đến. Từ cảm giác xa lạ, ngạc nhiên... phút ban đầu về sự đông đúc và hoành tráng của thành phố; về tình cảm chân thành, nồng ấm, sẻ chia của người dân nơi đây dần đi đến sự yêu quý, gắn bó thành phố này. Từ sự yêu quý mà đi đến tình cảm biết ơn thành phố và mong muốn trả ơn cho mảnh đất này và luôn ấp ủ tình yêu, nung nấu đáp đền ơn nghĩa của thành phố đã bao dung, nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho con người vươn lên, tỏa sáng. Tình yêu lớn lao đó sẽ tạo thành sức mạnh đoàn kết để cùng nhau vượt qua, chiến thắng đại dịch".

Ông Tô Đình Tuân cũng cho biết Báo Người Lao Động đang tổ chức những cuộc thi hấp dẫn, nhiều ý nghĩa như cuộc thi viết "Từ trong ký ức", thi kể chuyện "Người Thầy thuốc trong tôi", bên cạnh các cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo, thi ảnh "Nét đẹp lao động"... Những hoạt động của báo với sự ủng hộ của bạn đọc, bạn viết luôn mở ra những biên độ mới và hành trình mới đầy ý nghĩa.

Kết quả Thơ và Tạp bút đoạt giải

THƠ

- Giải nhất: không có.

- Giải nhì: 1 giải, phần thưởng 15 triệu đồng:

Tác giả Nguyễn Thanh Mừng với chùm thơ "Thơ viết trên ngọn rau tháng 7-2021/Bữa cơm trưa ở quân cảng Sài Gòn/Ban công nhà mình hướng ra sân bay".

- Giải ba: 2 giải, phần thưởng 10 triệu đồng/giải:

1. Tịnh Bình với chùm thơ "Mùi phố/Tiếng rao trầm".

2. Đoàn Thị Diễm Thuyên với bài thơ "Tôi với thành phố này đâu phải người dưng".

- Giải khuyến khích: 3 giải, phần thưởng 5 triệu đồng/giải:

1. Nguyễn An Bình với bài thơ "Hoa Trường Sa trong lòng thành phố".

2. Xuân Trường với bài thơ "Lời tự tình của một dòng kênh".

3. Lê Nguyệt Minh với bài thơ "Thành phố tháng sáu".

TẠP BÚT

- Giải nhất: 1 giải, phần thưởng 20 triệu đồng:

Tác giả Trầm Hương với tác phẩm "Chạm vào đâu cũng thấy mình mắc nợ".

- Giải nhì: 1 giải, phần thưởng 15 triệu đồng:

Tác giả Nguyễn Ngân với tác phẩm "Thành phố của mẹ và con".

- Giải ba: 2 giải, phần thưởng 10 triệu đồng/giải:

1. Trần Nhã Thụy với tác phẩm "Sạp báo của ba tôi".

2. Nguyễn Chí Ngoan với tác phẩm "Người bạn trong thành phố".

- Giải khuyến khích: 3 giải, phần thưởng 5 triệu đồng/giải:

1. Diệp Trần với tác phẩm "Dĩa cơm tấm năm ấy".

2. Hoài Hương với tác phẩm "Chữ thương ở thành phố mang tên Bác".

3. Trúc Thiên với tác phẩm "Tình người rực sáng".

Tổng giải thưởng cuộc thi là 120 triệu đồng.

Chân thành cảm ơn Ngân hàng TMCP Nam Á đã đồng hành cuộc thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng".

15-nam-a-bank


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo