xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trò đu quay ký ức

Truyện ngắn của ĐỖ THÀNH NGUYÊN

Ở cái xóm chài ven sông khi chiều có một mùi đặc trưng, thứ mùi không được nhớ đến bởi người chỉ thoáng đi qua, bởi họ chưa đủ thời gian để nhớ, hoặc bởi những người đã ở quá lâu, vì họ đã chìm vào cái mùi quen thuộc của dòng sông, đó là mùi dầu gội.

Nghe có vẻ lạ tai. Chiều nọ, một chiều trong chuỗi ngày thăm nhà dì dượng, khi đang bì bõm trong con rạch nhỏ vớt cá lia thia với mấy bà chị họ, có mùi hương vừa quen vừa lạ lãng đãng xung quanh. Ngư dân tắm sau một ngày giăng câu thả lưới, dầu gội có lẽ được sử dụng để khử mùi tanh hôi từ bùn cá hơn là việc chỉ để gội đầu.

Trò đu quay ký ức - Ảnh 1.

Minh họa: KHỀU

Con rạch có mùi dầu gội hằng chiều đó là nơi tôi tập lội lần đầu. Về lý thuyết thì có thể gọi là lội, nhưng trên thực tế, tôi được các bà chị họ gọi là vua lặn, bởi cứ nhảy xuống là chìm mất chẳng thấy đâu. Dượng ôm tôi đặt lên ghe, tháo dây neo, chở sang bờ bên kia chặt đôi thân chuối non về tập cho tôi lội. Những lần ở xóm chài đó, dượng dạy đi dạy lại cho tôi, với một sự kiên trì đáng nể khi lần nào cũng chỉ có bấy nhiêu bài học mà tôi cứ để quên mãi ở xóm chài, lúc nào nước ròng, lúc nào nước cạn, tại sao bây giờ sông có màu xanh dương, trái ngược với màu vàng dăm tháng trước. Dượng cùng vùng sông nước mở ra cho tôi một thế giới hoàn toàn lạ lẫm, dù nhà tôi chỉ cách nhà dượng nhỉnh chục cây. Một chiều khi lớn, mùa phù sa, tôi bất giác hỏi dượng ở đâu.

Tết và hè là dịp dượng cùng gia đình từ xóm chài về quê vợ. Khi gặp dượng, trò chơi mà mọi đứa trẻ mè nheo đầu tiên là đu quay. Cả đám bu lên tay dượng, co chân lên để dượng nâng lên hạ xuống hay xoay vài vòng.

Dượng mất đã chục năm tròn, mùng bốn Tết.

Khi dượng mất, tôi còn nhỏ, không hẳn là quá nhỏ, nhưng chưa đủ lớn để hiểu được đoạn đường xa đằng đẵng giữa kẻ sống và người chết. Lúc ấy chỉ biết rằng dượng mất nghĩa là không gặp được dượng nữa, rằng câu nói "Ông ngoại đang ngủ" mà mấy bà chị nói với bé Bầu, bé Thy là nói dối, chỉ biết được bấy nhiêu, chứ chẳng hiểu được người chết là người hết khổ, còn đau buồn thì ở lại nơi những người đang sống. Người sống trẻ con bỗng bật khóc, người sống lớn hỏi tại sao, người sống trẻ con bảo rằng con nhớ dượng Năm. Người sống lớn bảo đứa nhóc tầm phào, thế mà vài giây sau lại rơm rớm nước mắt theo. Người sống vừa khóc vừa cười vào mỗi dịp đám giỗ, vào lúc đang đông người nhất, mùi nhang đang nồng nhất và những ký ức về dượng đang được gợi ra nhiều nhất.

Khi sống ổng khổ ghê. Ừa, thôi người có số. Hồi đó dượng Năm tập cho tôi với tụi thằng Nhân này nọ bơi chứ ai. Ổng là trùm bài tứ sắc đó, ổng thua giữ mối thôi, chứ nghĩ sao đánh lại được ổng, v.v... Nhưng chẳng ai nhớ đến trò đu quay mà đám trẻ khi xưa bu theo, mè nheo dượng. Mười năm. Đám nhóc thuở nào mắt đỏ hoe cả tuần vì dượng đã trở thành những ba, những mẹ, các chú, các dì.

Một hôm cuối tháng chạp, tận dụng mặt tiền rộng rãi bên nhà ngoại, chị họ tôi tranh thủ lấy hàng bông chưng về bán. Đám cháu họ gần mươi đứa nhà tôi cùng các bà, các mẹ, các dì của chúng tập trung lại góp vui. Đám nhóc chạy đua, nhảy ếch, đủ các thể loại trò mà tôi cùng ba mẹ chúng từng chơi. Bé Nhím chạy tới chỗ tôi, tít mắt cười: "Cậu chơi với tụi con đi cậu!".

"Nhím chơi đu quay không con" - tôi bất giác hỏi. "Con ôm lấy tay cậu nha". Một tay nâng lên hạ xuống, một tay giữ đứa trẻ con khỏi ngã, như cách dượng từng làm. Đám cháu trông thấy, cười, ùa tới, đứa níu, đứa chồm. Tôi thấy được những ký ức khi xưa, anh Thỏ, chị Phóc đu hoài chẳng muốn buông ra, chị Bông, anh Lộc ban đầu còn nhát, sau cứ cười chẳng ngớt.

Các dì bảo tôi trẻ con. Tôi thì nghĩ có một người lớn sống trong lòng tôi nên tôi mới vui cười như vậy. Những ngày cận Tết đó, chẳng còn những lời than Tết chán, Tết buồn. Có lẽ, không, chắc chắn, tôi sẽ dạy cho đám nhóc rằng lúc nào nước ròng, lúc nào nước cạn, tại sao bây giờ sông có màu xanh dương, trái ngược với màu vàng dăm tháng trước.

Cậu, chú, bác - với mỗi đứa nhóc, tôi lại mang một chức danh. Nhưng những lời gọi đấy chẳng có ý nghĩa gì khi tôi không còn trong cõi đời này nữa. Tôi nhớ tới dượng Năm chẳng phải vì người là chồng của chị của mẹ tôi, tôi nhớ đến dượng như một người bạn, một người đồng hành trên con đường mông lung này. Trò đu quay, nó có ý nghĩa hơn là một trò chơi con nít, nó là một cuộc nối tiếp miên man, rộng khắp giữa đời. Khi trò chơi ấy còn là nguồn vui sống, màu nước sông, thời lúc cạn, lúc ròng vẫn còn được nhớ bởi con, bởi đám nhóc mà mươi năm nữa sẽ trở thành những ba, những mẹ, các chú, các dì, nghĩa là dượng vẫn còn sống, phải không? 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo