xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Văn hóa là sức mạnh mềm của đất nước

Yến Anh ghi

GS-TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là tài nguyên để khai thác, là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế

Theo GS-TSKH Vũ Minh Giang, trên thế giới đã có không ít quốc gia thành công trong sự phát triển đất nước khi biết dựa trên nền tảng văn hóa.

Phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa

Quan điểm "Hòa thần, Dương khí" (tinh thần Nhật Bản, phương tiện châu Âu) của Fukuzawa Yukichi đã đưa nước Nhật thành cường quốc vào đầu thế kỷ XX. Mặc dù là quốc gia hiện đại, Nhật Bản vẫn đặc biệt coi trọng văn hóa truyền thống. Người Hàn cũng có một khẩu hiệu nổi tiếng: "Hãy biến tất cả những gì người Hàn có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế". Hàn Quốc luôn coi văn hóa là sức mạnh của mình trong thời đại toàn cầu hóa.

Nói đến văn hóa Việt Nam, GS Vũ Minh Giang nhấn mạnh, trước hết phải nói tới nền tảng tinh thần là ý thức tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập, tự cường. Đây là nội dung cực kỳ quan trọng của văn hóa Việt Nam và là yếu tố cấu thành phẩm chất của con người Việt Nam. Nền tảng này đã được thể hiện rõ rệt trong những lần Việt Nam phải đối phó với họa xâm lăng từ bên ngoài. Tinh thần dân tộc cao sẽ là động lực và sức mạnh thúc đẩy một dân tộc vươn tới đỉnh cao. Vấn đề đang đặt ra hiện nay cho Việt Nam là làm thế nào để động viên được đến mức cao nhất sức mạnh này trong công cuộc xây dựng đất nước và cạnh tranh quốc tế.

Văn hóa là sức mạnh mềm của đất nước - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc Ảnh: VŨ TOÀN

Một trong những nét đặc sắc, đồng thời cũng là thế mạnh của con người Việt Nam là tính cách mềm dẻo, cởi mở và dễ hội nhập. Đây là yếu tố hết sức thuận lợi trong hoàn cảnh ngày nay, khi thế giới ngày càng phát triển theo xu thế hội nhập và chu kỳ thay đổi công nghệ ngày càng có xu hướng rút ngắn. Trong khi đó văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú với bản sắc hết sức độc đáo. Đó là lợi thế lớn cho Việt Nam trong thời kỳ chủ động hội nhập.

GS Vũ Minh Giang nói thêm chỉ có thể phát triển bền vững khi đứng vững trên nền tảng văn hóa. Để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác các di sản như những tài nguyên, điều quan trọng đầu tiên là phải đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản. Trước hết phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi quản lý của ngành văn hóa mà là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của dân tộc.

Khơi dậy khát vọng của cả dân tộc

Yếu tố quan trọng quyết định thành công trong sự nghiệp phát triển đất nước đi tới phồn vinh là phải khơi dậy khát vọng của cả dân tộc, trong đó đặc biệt là giới trẻ như tinh thần Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đã chỉ ra. GS Vũ Minh Giang khẳng định giáo dục văn hóa, lịch sử cho mọi tầng lớp từ lãnh đạo đến nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên cần được coi như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Khát vọng sẽ dẫn tới tự tin và có thể biến tất cả những gì mình có thành lợi thế, thành sức mạnh.

"Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là tài nguyên để khai thác, là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế. Trên ý nghĩa này, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa không chỉ dừng ở những hoạt động giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có những tính toán dài hơi và hiệu quả, trong đó phải đặc biệt coi trọng thế mạnh của con người Việt Nam" - GS Vũ Minh Giang khẳng định.

Ông cũng nói thêm, bên cạnh việc phát huy sức mạnh mềm, việc làm sống dậy các di sản, di tích cũng là giải pháp quan trọng, cần được đặc biệt quan tâm. Việt Nam là quốc gia có nền văn hiến lâu đời và rực rỡ, có truyền thống dựng và giữ nước vô cùng vẻ vang. Lịch sử đã để lại cho chúng ta một truyền thống hào hùng và gắn với nó là vô vàn những di tích quý giá. Tuy nhiên cho đến nay, những di sản này chưa được khai thác hiệu quả. Phần nhiều mới chỉ được giữ gìn theo cách bảo quản và đôi khi được tôn tạo bằng những khoản kinh phí rất hạn chế. Thế giới hiện đang có rất nhiều kinh nghiệm làm sống dậy di sản văn hóa, khai thác di sản như những tài nguyên góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước.

"Chúng ta đã nói nhiều tới sự phát triển chậm trễ, những món "nợ lịch sử" mà sớm muộn chúng ta phải trả (như công nghiệp hóa chẳng hạn). Nhưng xét về nhiều phương diện, trong hoàn cảnh thế giới ngày nay, sự chậm trễ đó đang tạo cho chúng ta một lợi thế: lợi thế của người đi sau. Lợi thế này được tạo ra không chỉ từ việc xây dựng chiến lược đi tắt đón đầu về công nghệ hiện đại mà còn có thể lĩnh hội một cách đầy đủ kinh nghiệm phát triển của các nước đi trước để học tập" - GS Vũ Minh Giang lạc quan. 

Nhìn thẳng vào hạn chế, yếu kém

Theo GS Vũ Minh Giang, cùng với việc đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, cũng phải đánh giá đúng và thấy hết những khó khăn khi khai thác các nguồn lực văn hóa. Trước hết đó là những trở ngại trước những thói quen, tập tính và hạn chế của một cư dân nông nghiệp khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Một trong những nhược điểm lớn, gây rất nhiều hậu quả tai hại là không có thói quen nhìn xa, là tâm lý "ăn xổi".

Một trong những hạn chế lớn khác của di tồn văn hóa có hại cho sự phát triển là tâm lý bình quân cào bằng. Trong lịch sử, sự bình đẳng làng xã, sự phân hóa xã hội không mấy sâu sắc đã từng đóng vai trò quan trọng cho sự cố kết/đoàn kết cộng đồng. Quan niệm "dàn hàng ngang mà tiến" hay "xấu đều hơn tốt lõi" đôi khi là những yếu tố cần thiết để điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là tâm lý ghét sự vượt trội - một biểu hiện của tâm lý bình quân. Trong phát triển nói chung, đây là yếu tố có sức cản rất lớn.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-11

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo