xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Văn học Việt Nam mất đi một đại thụ

Bài và ảnh: YẾN ANH

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tác giả truyện ngắn nổi tiếng "Tướng về hưu", đã qua đời lúc 16 giờ 45 phút ngày 20-3 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 71 tuổi

Anh Nguyễn Phan Khoa, con út nhà văn, cho biết ông Nguyễn Huy Thiệp bị tai biến từ đầu năm 2020. Dù bệnh tật, ông vẫn rất kiên trì luyện tập để cố gắng phục hồi sức khỏe.

Người tạo nên những tranh luận

Trên giường bệnh, nhà văn vẫn làm thơ, vẽ tranh cho khuây khỏa. Tuy nhiên, từ khi bị tai biến, tinh thần và sức khỏe của nhà văn ngày càng sa sút. Thời gian gần đây, ông bị hôn mê nhưng nhờ uống thuốc nam nên đã có lúc tỉnh lại. Dù vậy, nhà văn đã không chiến thắng được số phận, rời cõi tạm vào lúc 16 giờ 45 phút ngày 20-3.

Văn học Việt Nam mất đi một đại thụ - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Huy Thiệp viết những truyện ngắn đầu tiên từ những năm ông còn sống và làm việc tại Tây Bắc. "Trái tim hổ" ông viết năm 21 tuổi, "Con thú lớn nhất" ông viết năm 23-24 tuổi và đến 27 tuổi, ông hoàn chỉnh 10 truyện ngắn liên hoàn về sau in trong tập truyện "Những ngọn gió Hua Tát" (1989).

Nhưng dấu mốc đặc biệt với Nguyễn Huy Thiệp phải là năm 1986, khi ông viết truyện ngắn "Tướng về hưu". Truyện ngắn này lần đầu in trên Báo Văn nghệ số ra ngày 20-6-1987 đã gây ấn tượng mạnh trong giới văn chương và độc giả. Cũng trong năm 1987, với truyện ngắn "Không có vua", Nguyễn Huy Thiệp càng khiến người trong và ngoài giới văn chương bàn luận nhiều hơn.

Sau này, với 3 truyện ngắn "Kiếm sắc", "Vàng lửa", "Phẩm tiết" đăng trên Báo Văn nghệ, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra sự xôn xao trên văn đàn với những cuộc tranh luận về các tác phẩm của ông.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đánh giá thời kỳ 1985-1996, ở mảng truyện ngắn, không ai viết hay hơn Nguyễn Huy Thiệp. Giọng văn của ông có chất riêng, ngắn gọn, sắc nét, không dông dài. Và với Trần Đăng Khoa, sự ra đi của Nguyễn Huy Thiệp đã khiến nền văn học Việt Nam mất đi một đại thụ.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cũng đánh giá rất cao nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ông từng nhận định nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dám ác khẩu để nói ra sự thật. Văn học không phải để con người ta cảm thấy sung sướng, tự mãn mà phải biết cảm thấy xấu hổ. Để nói ra những gì đau đớn, Nguyễn Huy Thiệp đã phải rất đau.

Không quan tâm những khen chê

Với hơn 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, 4 tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, Nguyễn Huy Thiệp được xem là một "hiện tượng hiếm" của văn đàn Việt Nam. Nhưng ở tuổi 65, nhà văn tuyên bố gác bút. Lúc đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ đã đến lúc ông cần nghỉ và không còn điều gì nuối tiếc với văn chương khi quyết định dừng lại.

Với nhà văn, văn học là cuộc chơi khắc nghiệt, cuộc chơi sinh tử, nhưng cũng rất tuyệt vời vì nó hướng về chân - thiện - mỹ. "Khi đến với văn học, tôi thấy cuộc sống của mình ngân nga và vợ con tôn trọng tôi hơn, tôi có nhiều bạn bè hơn. Không có văn học thì tôi chẳng có gì, chẳng ai chú ý đến tôi. Ba mươi năm viết lách không phải dễ dàng và tôi bằng lòng với những gì mình viết ra" - cố nhà văn từng nói.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng nói thêm với ông, luật nhân quả là có thật và không phải tự nhiên người xưa hay nhắc về những bài học cuộc sống, trong đó người ta phải đối mặt với cuộc sống, với thiện ác, hay dở.

"Những tác phẩm tôi viết phần lớn sau mỗi lần đau buồn. Văn học nhiều khi phải trả giá bằng những con đường mù mờ mà khi kể ra cụ thể thì rất khó" - ông từng chia sẻ và tâm sự luôn có cảm giác không vượt qua chính mình.

Trước câu hỏi về cảm giác khi sống giữa những dòng khen chê dữ dội về tác phẩm của mình, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho hay ông không quan tâm nhiều lắm đến những khen chê. Khen ông cũng không sung sướng gì hơn, mà chê nhà văn cũng không ảnh hưởng gì.

"Trong cuộc đời, tôi đã đối mặt với rất nhiều vinh nhục rồi. Điều tôi quan tâm là sống thế nào cho giá trị bản thân con người, biết thế nào là lẽ phải trái, cái gì mình cần theo. Con người nó phải thế, nếu không ta chẳng có giá trị gì. Cuộc đời nó tàn nhẫn thế. Như tôi đã nói, nghề văn luôn đứng giữa bể thị phi, giữa lựa chọn đúng sai, thiện ác, hay dở. Nhiều khi có những người chết rồi mới được công nhận" - cố nhà văn từng bộc bạch.

Sự ghi nhận xứng đáng

Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29-4-1950 tại huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Thuở nhỏ, ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Yên... Nông thôn và những người lao động vì thế để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong sáng tác của ông.

13-hình-theo-box

Năm 1970, Nguyễn Huy Thiệp tốt nghiệp Khoa Sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sự nghiệp văn chương của ông bắt đầu khá muộn với các truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ. Tuy nhiên, chỉ một vài năm sau đó, cả làng văn học trong lẫn ngoài nước xôn xao những cuộc tranh luận về các tác phẩm của ông.

Sau tiểu thuyết "Vong bướm", một thể nghiệm với chèo cổ, Nguyễn Huy Thiệp đã quyết định dừng hẳn nghiệp sáng tác ở tuổi 65. Nguyễn Huy Thiệp từng nhận được Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino, Ý (2008).

Nhà văn cũng là một trong 50 tác giả có các tác phẩm, cụm tác phẩm xuất sắc được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật 2021. Hai tác phẩm được đề nghị xét giải của ông là truyện ngắn "Tướng về hưu" và "Những ngọn gió Hua Tát". Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định đó là ghi nhận xứng đáng cho tài năng của Nguyễn Huy Thiệp.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo