xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xa để nhớ nhiều lần hơn nữa

Thoại Lê

Thành phố này như sợi dây vô hình kết nối chúng tôi với nhau, như một nguồn mạch vĩnh hằng cho anh em chúng tôi thương yêu nhau từ những kỷ niệm bé nhỏ và thân thương

Lần ấy, vào TP HCM, anh nói mang cho chúng tôi quà của Hà Nội. Thế rồi khi đón ở sân bay, chẳng thấy hoa loa kèn, chẳng thấy nem chua, chẳng thấy bánh cốm hay bất cứ thứ gì của Hà Nội. Anh nói lạnh băng: "Thành phố nhà mày thiếu gì quà của Hà Nội. Đi với tao".

Anh gọi chúng tôi bằng kiểu thân thuộc suồng sã như vậy. Rồi anh kéo tôi và Hoàng ra chợ Bà Chiểu, nói tao biết chỗ này bán nhiều đồ ngon.

Tưởng phát hiện gì thú vị, anh kéo tôi và Hoàng đi khắp một dọc chợ, mua đầy thực phẩm, thịt cá, rau... rồi bắt chúng tôi chở về nhà trọ. Anh nói: "Tao thương chúng mày mới ra trường, đất khách quê người, lười nấu ăn, để đấy anh mày hầu cơm".

Rồi anh nhét đầy nào rau, nào thịt, nào cá vào các ngăn của tủ lạnh. Sau đó mấy anh em đi làm gỏi gà, kêu mấy chai bia Sài Gòn ngồi chén chú chén anh, nói toàn chuyện Hà Nội.

Mấy ngày công tác ở Đài truyền hình trong này cũng kết thúc, sáng ấy, ba anh em tôi chọn ba chiếc áo giống nhau cùng màu ngồi "chém gió" ở cà phê Du Miên. Ôi cái giọng truyền hình có một không hai của anh, nghe trầm ấm, sâu lắng nhưng cũng có khi ngoa ngoắt làm khách trong quán cứ thấy quen quen lạ lạ. Rồi anh nói: "Thôi tao ra sân bay về Hà Nội của tao đây, bọn mày ở lại vui. Đứa nào có hứng, tiễn anh ra sân bay".

Xa để nhớ nhiều lần hơn nữa - Ảnh 1.

Một cửa hàng bán đặc sản Hà Nội tại TP HCM. Ảnh: HỒNG THÚY

Cả tôi và Hoàng lại tiễn anh đi, con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa mưa lắc rắc, trời đột nhiên đang nắng trở nên âm u, pha chút lành lạnh. Sau xe là thùng đồ mua ở TP HCM, bao nhiêu là thứ, quần áo, đồ ăn, bằng toàn bộ thù lao thu âm quảng cáo của anh mấy ngày ở TP HCM, anh dành hết vào đó làm quà cho bạn bè ở ngoài kia. Lòng tôi ngậm ngùi khôn tả, ngồi sau xe, rưng rưng muốn khóc. Anh bảo: "Con bé này khùng quá đi".

 Lúc anh làm xong thủ tục, sắp vào phòng chờ, còn ngoái nhìn tôi và Hoàng, cơn mưa ào lên thật cồn cào, cảm giác như tiếng chào nhau đang bị mưa trộn lẫn, xóa nhòa. Mắt hai đứa cay xè. Chỉ gần hai ngàn cây số, vài tiếng ngồi máy bay mà sao cứ như ngàn trùng vậy.

Thế rồi thưa dần, những chuyến vào TP HCM của anh ít đi. Đôi khi tôi đọc được đâu đó những bài tản văn, tạp bút của anh viết về bánh mì Sài Gòn, về hủ tiếu Mỹ Tho ở Sài Gòn, về phở Nam Định của Sài Gòn, luôn phảng phất hình ảnh những thực khách như tôi và Hoàng trong đó.

Rồi tôi cũng đi lấy chồng, rời bỏ TP HCM về một thành phố khác, Hoàng cũng rời TP HCM về Hải Phòng mưu sinh. Có phải vì vậy, những chuyến anh ghé lại nơi này ít dần đi. Hôm qua tôi lục lại những tấm hình cũ, có tấm tôi và anh chụp trong một trưa nắng gắt ở đường 18, Thủ Đức, làm nhớ những ngày xưa đến muốn khóc. Có những kỷ niệm chôn giấu như mọc rễ trong lòng, thời gian càng khiến bám sâu hơn, thật khó xa mờ.

Phải ba bốn năm sau, một ngày tôi thấy anh đăng những tấm hình chụp ở nhà thờ Đức Bà lên Facebook, tôi thấp thỏm kiểu gì anh cũng gọi tôi đi cà phê và rồi cứ băn khoăn, mình đi kiểu gì đây, không có ai trông lũ nhỏ. Lại càng nhớ những ngày độc thân tự do, chân có thể rong ruổi khắp TP HCM theo những cuộc hẹn cà phê.

Chờ mãi chẳng thấy anh trả lời, tôi nhắn: Anh vào TP HCM à, đi cà phê nhé! Chẳng thấy nhắn lại, thì ra anh ở miền Tây rồi. Anh bảo sẽ gặp nhau xem ai sợ chạm phải những ký ức mười năm trước.

Mười năm trước biết bao niềm vui, biết bao cuộc hẹn hò. Bóng dáng của TP HCM cứ ngụp lặn mãi không thôi, anh em chúng tôi cùng làm nghề giống nhau, thương yêu nhau từ những kỷ niệm bé nhỏ và thân thương tới vậy.

Thế rồi lỡ hẹn vì những lý do cơm áo đời thường, chúng tôi đành hẹn với TP HCM lần sau gặp nhé. Mà lần sau sao nó kéo dài quá, vì dịch bệnh, vì những chuyến công tác không dày đặc như xưa. Nhưng cũng thành phố này, như sợi dây vô hình kết nối chúng tôi với nhau, như một nguồn mạch vĩnh hằng cho tôi đi qua những chông chênh của cơm áo, của nghề nghiệp, một cái nghề bấp bênh trong đam mê, hạnh phúc trong khắc khoải. Bởi có những cái hẹn hôm nào cà phê, không phải là trong mơ, nó chỉ là đến chầm chậm chút thôi, sau những xa cách.

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải

Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo