xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Cuộc chiến" phí tác quyền: Cạnh tranh, thôn tính

Ân Thông

Không còn dừng lại ở bất đồng mức phí sử dụng, "cuộc chiến" phí tác quyền đang bước vào cạnh tranh khốc liệt, thôn tính lẫn nhau

Cuộc tranh chấp mức phí tác quyền giữa Trung tâm Bảo hộ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) không còn dừng lại ở những bất đồng mà đang dần đến một cuộc cạnh tranh, thôn tính lẫn nhau, bằng sức mạnh vũ khí “độc quyền” của mỗi bên.

Mảnh đất vàng

Phí tác quyền âm nhạc sẽ là con số thu khổng lồ nếu được thu đúng, thu đủ. Ước tính của riêng VCPMC có thể lên tới hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Dù mới thu được rất ít so với thực tế đang diễn ra nhưng con số phí tác quyền âm nhạc mà VCPMC thu được năm sau luôn cao hơn nhiều so với năm trước.
Chẳng hạn, năm 2010, VCPMC công bố mức thu từ tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc là 32,5 tỉ đồng, tăng 40% so với năm 2009. Theo báo cáo của trung tâm này, những nguồn thu chủ yếu gồm bản quyền nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại (9,7 tỉ đồng); karaoke, quán rượu, phòng trà (3,9 tỉ đồng); các khu vui chơi giải trí, như rạp chiếu phim, vũ trường, nhà hàng, khu mua sắm (3,6 tỉ đồng); các trang web tải nhạc phổ biến hiện nay (2,5 tỉ đồng)...
img
Ca sĩ Thu Minh biểu diễn trong chương trình Âm nhạc và bước nhảy. Ảnh: XUÂN THẢO
 
RIAV, với quyền liên quan của mình, cũng đã thu ngấp nghé chục tỉ đồng mỗi năm trong lĩnh vực khai thác nhạc chuông, nhạc chờ và các trang web có kinh doanh âm nhạc. RIAV thành lập hẳn một đơn vị trực thuộc gọi là Trung tâm Cấp phép và Quản lý quyền để tiến hành thu phí quyền liên quan đối với các tác phẩm âm nhạc qua ghi âm được sử dụng trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh hiện nay trong cả nước, từ khu đô thị lớn đến tận xã, ấp… Nếu dự án này được triển khai đồng bộ và có hiệu quả, nguồn lợi RIAV thu được từ hơn 40.000 bài hát đã thu âm sẽ đạt được hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Hiện nay, mới có 2 tổ chức quản lý tập thể hoạt động trong lĩnh vực tác quyền âm nhạc là VCPMC và RIAV, còn nhiều quyền liên quan khác trong bản ghi âm thành phẩm, như ca sĩ, nhạc sĩ hòa âm… chưa có tổ chức đại diện quản lý. Đây cũng là một nguồn thu đáng kể mà cả VCPMC và RIAV có thể nhòm ngó nếu không có một tổ chức quản lý tập thể những quyền liên quan này ra đời.

“Kình ngư tranh thực”

Khi VCPMC đưa ra quyết định tăng giá bản quyền đối với các sản phẩm đĩa nhạc và “dọa” sẽ tiếp tục tăng giá, RIAV đáp trả bằng tuyên bố “cạnh tranh”, sau khi yêu cầu ngồi lại đàm phán của họ không được VCPMC đáp ứng. RIAV muốn chủ động nguồn ca khúc cho công việc ghi âm sản xuất sản phẩm âm nhạc của mình nên muốn quy tụ các nhạc sĩ ủy quyền thu hộ phí tác quyền âm nhạc cho mình mà không phải mất đồng nào, thay vì phải mất một khoản phí nếu ủy quyền cho VCPMC.

Nếu RIAV làm được điều này, VCPMC sẽ phá sản. Bởi nguồn thu phí tác quyền mà VCPMC thu được cho các nhạc sĩ vừa qua chủ yếu bằng bản ghi âm sử dụng qua các phương tiện nghe nhìn của nhiều lĩnh vực hoạt động kinh doanh chứ không phải qua bản nhạc giấy mà nghệ sĩ hát trên các sân khấu ca nhạc. Nói tóm lại, “không  có bản ghi âm công nghiệp thì bài hát của các nhạc sĩ sáng tác ra chỉ là bản nhạc giấy mà thôi”- RIAV khẳng định vị thế của mình.

Có thông tin cho rằng VCPMC cũng đã liên kết với một đơn vị khác để cho ra đời một công ty mang tên Music & Music, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối tháng này, với đầy đủ các chức năng sản xuất các sản phẩm âm nhạc. Qua công ty này, VCPMC có thể chuyển những bản nhạc giấy của các nhạc sĩ sáng tác có ủy quyền cho VCPMC thành những sản phẩm ghi âm công nghiệp hoàn chỉnh, đưa lên giới thiệu trên trang web riêng của họ.

Người trong giới nhận định: “Bằng cách này, VCPMC không những giữ chân các nhạc sĩ là khách hàng của họ mà còn có thể  xâm chiếm thêm phần dịch vụ ghi âm đang là lợi thế của RIAV”.

RIAV hiện có khoảng 55 hội viên, trong đó có 23 đơn vị sản xuất phát hành, số còn lại là cá nhân có hoạt động sản xuất sản phẩm âm nhạc. Chỉ với chừng ấy thành viên, RIAV chưa thể giữ vị trí độc quyền trong lĩnh vực ghi âm công nghiệp. Đó là chưa nói đến hiện nay, các sản phẩm ghi âm đưa ra khai thác trên thị trường chủ yếu là do các ca sĩ, nhạc sĩ tự bỏ vốn đầu tư. Lượng bài hát ghi âm mới thuộc quyền sở hữu của RIAV là không nhiều.

Nếu VCPMC thuyết phục được những ca sĩ, nhạc sĩ có tham gia sản xuất sản phẩm âm nhạc về với họ thì RIAV khó lòng trụ nổi.

Cần có quy định chống độc quyền

Hiện nay, pháp luật sở hữu trí tuệ không có quy định về mức phí trả tiền bản quyền tác giả, do đó vụ việc tranh chấp về phí bản quyền giữa VCPMC với các tổ chức sử dụng tác phẩm âm nhạc hoàn toàn là vụ việc dân sự và không liên quan đến việc quản lý hành chính của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Mức phí được quy định theo Nghị định 61/2002/NĐ – CP ngày 11-6-2002 của Chính phủ về “chế độ nhuận bút” là không bắt buộc các bên phải áp dụng, bởi lẽ Nghị định 61/2002/NĐ – CP là nghị định hướng dẫn Bộ Luật Dân sự 1995, mà Bộ Luật Dân sự 1995 (hết hiệu lực) đã được thay thế bởi Bộ Luật Dân sự 2005 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1- 2006 nên không còn mang tính chất bắt buộc nữa. Hơn thế nữa, phí bản quyền tác giả, theo tôi, mang tính chất dân sự nên việc các bên thỏa thuận về mức phí bản quyền là hợp lý hơn việc Nhà nước quy định mức phí, cách tính cụ thể, tuy nhiên, việc thỏa thuận của các bên phải dựa trên cơ sở hợp lý, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của từng giai đoạn.

Vấn đề phí bản quyền sẽ được giải quyết dễ dàng hơn nếu như cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm thỏa thuận được trực tiếp với tác giả về mức phí bản quyền hơn là thỏa thuận thông qua một bên thứ ba là một tổ chức trung gian mà có thể phát sinh nhiều vấn đề rắc rối hơn bởi đơn vị này thực chất là làm dịch vụ và hưởng phí từ kết quả thu bản quyền. Nếu một tác giả, người biểu diễn đòi mức phí quá cao so với thị trường thì đương nhiên tác phẩm của tác giả, người biểu diễn đó sẽ không còn được lưu hành rộng rãi và tiếng tăm của họ cũng sẽ bị phai mờ.

Do các nhạc sĩ ủy quyền nên VCPMC đang giữ vị trí độc quyền về việc định giá phí bản quyền và việc định giá trị phí bản quyền bất hợp lý sẽ gây phương hại đến lợi ích của xã hội trong lĩnh vực giải trí. Tuy nhiên hiện nay, quy định của pháp luật cạnh tranh về các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp chứ chưa quy định áp dụng đối với hiệp hội. Theo tôi, chúng ta cần phải có các quy định của pháp luật điều chỉnh về việc hạn chế sự độc quyền trong định giá trị phí bản quyền của các hiệp hội, tổ chức để một mặt bảo vệ quyền lợi của tác giả, một mặt bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và của xã hội, tránh xảy ra tình trạng tranh chấp phí bản quyền như hiện nay.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Văn Hậu và Cộng sự)
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo