xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giáo dục đi đôi với làm gương

Hoàng Lan Anh - Trường Hoàng ghi

Nâng cao chất lượng giáo dục; người lớn luôn gương mẫu; người thực thi công vụ phải chuẩn mực; tăng cường công tác xử lý vi phạm… Khi đó, ý thức của người dân sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt

TS Nguyễn Văn Vịnh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và phát triển):

Người lớn phải gương mẫu

Xã hội chúng ta xuất phát từ nền sản xuất nhỏ, nông nghiệp lạc hậu, manh mún với những tập tục phức tạp, rườm rà; vì vậy, ý thức pháp luật của nhiều người dân còn thấp. Thậm chí sống một thời gian quá dài trong môi trường mà lợi ích cục bộ và bản thân đôi khi được tôn trọng và thực hiện nghiêm hơn cả pháp luật của nhà nước, kiểu “phép vua thua lệ làng”, không ít người chưa có thói quen sống và làm việc theo pháp luật, tìm mọi cách “lách luật”, kiếm lợi cho mình.

Ngoài ra, một bộ phận người thực thi pháp luật chưa nghiêm, đôi khi “vòi vĩnh” khiến người dân không phục dẫn đến có thờ ơ, không ủng hộ việc làm của cơ quan chức năng hoặc cao hơn là chống người thi hành công vụ.

Để nâng cao ý thức người dân, theo tôi, cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Tôi có người bạn, dù con anh ấy mới học mẫu giáo nhưng ngày nào đi học, cháu cũng nhắc bố phải đội mũ bảo hiểm, ra đường gặp đèn đỏ phải dừng lại. Bạn tôi kể nhiều khi tắc đường, vội lắm nhưng không dám leo lề, vượt đèn đỏ “vì người lớn phải gương mẫu, việc nhỏ mà vi phạm thì không thể dạy con việc khác”. Nếu mỗi gia đình đều giáo dục ý thức tốt cho mỗi thành viên trong gia đình, nếu người lớn luôn gương mẫu thì ý thức chung sẽ được thay đổi.

Bên cạnh đó, chúng ta nên sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền ý thức tuân thủ pháp luật, nhân rộng những tấm gương đẹp. Đây là một kênh thông tin có sức lan tỏa nhanh, hiệu quả rộng rãi.

 

 

Mái sảnh của chung cư Bình Trưng Đông (quận 2, TP HCM) trở thành điểm tập kết rác của nhiều người dân sống ở tầng trênẢnh: Trường Hoàng
Mái sảnh của chung cư Bình Trưng Đông (quận 2, TP HCM) trở thành điểm tập kết rác của nhiều người dân sống ở tầng trênẢnh: Trường Hoàng

 

Ông Phạm Hữu Khương (Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Ninh Thuận):

Nâng cao chất lượng giáo dục

Thực tế cho thấy các mối quan hệ xã hội ngày càng phức tạp, lệch chuẩn theo chiều hướng coi thường các quy tắc, chuẩn mực của xã hội, vi phạm luật pháp của nhà nước, từ hành vi vô cảm, vô tâm đến tội phạm giết người; từ “lách” luật đến coi thường pháp luật; tham nhũng vặt đến tham nhũng lớn, lợi ích nhóm… gây bất ổn xã hội.

Suy đến cùng đó chính là hậu quả của sự lệch pha về chất lượng giáo dục trong sự hình thành và phát triển các mối quan hệ của chủ thể con người trong một xã hội. Chất lượng giáo dục là nguyên nhân chính, gốc rễ; nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Xã hội hôm nay đối xử giữa con người với con người có nhân ái, yêu thương, trung thực hoặc kể cả con người có thông minh hơn… đều là sản phẩm và kết quả của nền giáo dục từ 20 năm trở về trước và ngược lại. Điều đó cho thấy cần thiết phải thay đổi cách hiểu, cách tiếp cận, cách làm và cách đo lường trong giáo dục toàn diện học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục. Vậy chất lượng giáo dục là gì? Phương pháp tiếp cận và đo lường như thế nào? Phù hợp chưa?... Đây là một bài toán, không ai khác, ngành giáo dục phải đưa ra được lời giải đúng. Không giải được đồng nghĩa với đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục không thành công.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM):

Người thực thi công vụ phải chuẩn mực

Ý thức cộng đồng kém tạo nên sự tùy tiện và hành vi xem thường pháp luật. Vì cho rằng hành vi của mình hoặc không nghiêm trọng đến mức vi phạm pháp luật hoặc có vi phạm cũng không bị xử lý nên nhiều người vẫn vô tư vi phạm. Ngoài ra, do tâm lý đám đông, thấy nhiều người cùng thực hiện hành vi như leo lề, vượt đèn đỏ… thì họ “yên tâm” vi phạm.

Rõ ràng, dù lớn hay nhỏ thì đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự công cộng và đều có chế tài xử lý song phải thừa nhận việc thực thi pháp luật trên thực tế còn chưa hiệu quả. Một phần do lực lượng chức năng không đủ để kiểm tra, giám sát, xử lý hết các vi phạm; một phần do chính những người có thẩm quyền xử lý có tiêu cực.

Theo tôi, để nâng cao ý thức người dân, tại nơi làm việc hay những nơi công cộng cần có những nội quy hướng dẫn, bảo đảm mỗi người tuân thủ các quy định về giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường, trật tự công cộng, an toàn xã hội…, giúp bản thân mỗi người luôn nhận thấy cần cư xử đúng mực, có văn hóa, có ý thức và tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác xử lý vi phạm đủ sức răn đe. Đặc biệt, những người làm công tác xử lý vi phạm phải chấn chỉnh tác phong, có sự chuẩn mực khi thi hành công vụ, không để xảy ra tiêu cực thì người dân mới tin tưởng và có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn.

 

Kết thúc diễn đàn

Ngay sau khi mở diễn đàn “Giải pháp nào cải thiện ý thức cộng đồng?” (Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-9), chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến tham gia của bạn đọc hoạt động ở nhiều lĩnh vực trong xã hội. Đa số các ý kiến đều có chung nhận định ý thức của một bộ phận người dân còn kém do luật đã có nhưng thực thi chưa nghiêm và thiếu sự giáo dục từ gia đình, nhà trường. Cũng từ đó, bạn đọc đã đề ra nhiều giải pháp để cải thiện tình trạng này.

Chúng tôi trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã tham gia để diễn đàn có được cái nhìn toàn diện, phong phú, sâu sắc về vấn đề xã hội đáng được quan tâm này và cũng xin kết thúc diễn đàn từ số báo ngày 6-10.

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo