Gạo cũng không thoát được tình trạng chung. Trong tháng 3, Chính phủ phải quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) để giúp nông dân miền Tây tiêu thụ được lúa đông xuân.
Thương tâm nhất là vụ rau của nông dân các tỉnh miền Bắc trong đợt tết vừa qua. Tại nhiều nơi như Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa… giá rau giảm xuống mức khó tưởng tượng.
Cứ sau mỗi đợt nông sản ùn ứ hàng, giá rớt mạnh, các cơ quan chức năng lại nói đến vấn đề đầu ra sản phẩm, quy hoạch và xuất khẩu.
Tuy nhiên, đa số biện pháp đưa ra vẫn chỉ ở mức độ giải quyết tình thế như bán hộ dưa cho người dân Quảng Ngãi, kêu gọi người dân ăn thêm nhiều vải để tiêu thụ cho người dân Hải Dương.
Sau đó, khi mùa thu hoạch rộ đi qua, giá cả tăng trở lại thì mọi người "quên" cần phải có một giải pháp dài hạn giúp nông dân, để bài học không lặp lại trong những năm sắp tới.
Tình trạng này đã lặp lại nhiều năm mà không có cách giải quyết rốt ráo, cuối cùng nông dân vẫn là những người chịu khổ.
Thiếu doanh nghiệp nông nghiệp
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), việc hỗ trợ của xã hội và các cơ quan trong tiêu thụ nông sản thời gian qua giúp người dân chỉ giải quyết được phần ngọn và là giải pháp tức thời. Hiện tượng này đã xảy ra nhiều năm và sẽ còn xảy ra nữa trong tương lai nếu không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Theo ông Tuấn, tình trạng dư thừa nông sản thời gian qua là hậu quả của việc thiếu đội ngũ doanh nghiệp đầu tư chuyên sâu vào nông nghiệp, thiếu các doanh nghiệp đầu tư bài bản vào chuỗi sản xuất nông sản.
Doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay khá nhiều nhưng chủ yếu hoạt động ở hai lĩnh vực kiếm lợi nhuận nhanh là cung cấp đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi…) và đầu ra, tức tiêu thụ sản phẩm của nông dân.
Toàn bộ khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, sơ chế đang bị bỏ trống cho nông dân và một số ít doanh nghiệp đảm nhiệm.
Rất ít doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến nông sản để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ để đa dạng hóa thị trường, tăng thời gian bảo quản, nâng cao giá trị xuất khẩu. Không khó để hiểu vì sao nông sản VN vẫn chủ yếu bán thô và nhiều lúc nguồn cung bị dư thừa.
Để giải quyết căn cơ vấn đề tiêu thụ nông sản chỉ có doanh nghiệp mới làm được. Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho người dân, Nhà nước làm sẽ dở hơn doanh nghiệp làm vì Nhà nước không có động cơ kinh doanh.
Nhà nước cũng không quy hoạch kiểu cứng nhắc vùng này trồng cây gì, vùng kia nuôi con gì với số lượng, sản lượng bao nhiêu được.
Nhà nước chỉ là nhà tạo lập chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư vào nông nghiệp hay xuất khẩu để giải quyết các vướng mắc đang gặp phải.
Đầu tư vào nông nghiệp là rủi ro. Do đó, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị nông nghiệp thì Nhà nước cần tạo ra một môi trường ổn định để họ đầu tư bài bản trong một thời gian dài.
Muốn vậy các nhân tố đầu vào ổn định như: đất được giao dài hạn, cơ chế thuê đất của dân làm nguyên liệu dài hạn. Đây là điều bất hợp lý giữa doanh nghiệp công nghiệp và nông nghiệp khi đất khu công nghiệp được quy hoạch sẵn và cho thuê tới 50 năm thì đất đầu tư nông nghiệp còn khó khăn với nhiều ràng buộc.
Nhiều ưu đãi cho nông nghiệp được Chính phủ ban hành nhưng đến khi triển khai không thật sự đến doanh nghiệp do nhiều thông tư, nghị định khác nhau. Do các điều kiện đó mà doanh nghiệp sẽ ngại đầu tư vào nông nghiệp khi so sánh với các ngành khác, so sánh giữa VN và nước khác.
“Nhà nước cần phải tạo ra một khung pháp lý ổn định và rất thông thoáng để doanh nghiệp chịu đầu tư vào chuỗi nông sản” - ông Tuấn nói.
Trần Mạnh ghi