“Ăn gian” BHXH của giáo viên

07 Tháng 10, 2016 | 22:07

154 cán bộ, giáo viên bị nộp thiếu BHXH trong nhiều năm. Khi sự việc được phát hiện, hiệu trưởng vẫn không biết số tiền nộp thiếu đã đi đâu

Nhiều giáo viên Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết vụ việc được phát hiện vào tháng 9-2016. Khi đó, nhiều cán bộ, giáo viên được phát sổ theo dõi quá trình đóng BHXH của cá nhân thì mới biết nhà trường đã đóng thiếu BHXH cho mình trong suốt nhiều năm. Qua kiểm tra, có đến 154 cán bộ, giáo viên bị đóng thiếu BHXH.

Lương tăng nhưng vẫn đóng mức cũ

Theo phản ánh của các giáo viên, vào năm 2013, hiệu trưởng lúc đó là ông Lê Vinh khi kiểm tra sổ sách thu chi đã phát hiện nhà trường đóng thiếu BHXH cho nhiều cán bộ, giáo viên. Cụ thể, dù nhiều người đã được tăng bậc lương nhưng nhà trường vẫn đóng BHXH theo bậc lương cũ, dẫn đến 154 người bị nợ tiền BHXH. Lẽ ra phải thông báo cho cán bộ, giáo viên biết thì nhà trường âm thầm sử dụng những khoản thu riêng để đóng bù cho họ.


Trường THPT Trần Phú - nơi 154 cán bộ, giáo viên bị đóng thiếu BHXH trong nhiều năm

Trường THPT Trần Phú - nơi 154 cán bộ, giáo viên bị đóng thiếu BHXH trong nhiều năm

Tuy nhiên, vì số tiền nợ quá lớn, kèm theo số lãi phát sinh do chậm nộp nên trong vòng 3 năm qua, nhà trường chỉ mới giải quyết cho 94 trường hợp. Như vậy, còn lại 60 người vẫn tiếp tục bị nhà trường đóng hụt trong 3 năm tiếp theo. Cô M., giáo viên của trường, cho biết từ khi có quyết định tăng lương từ bậc 5 lên bậc 6 vào năm 2014, lẽ ra số tiền BHXH của cô phải được đóng theo bậc 6 nhưng nhà trường vẫn đóng theo bậc 5 dù vẫn thu đủ tiền BHXH thuộc trách nhiệm của người lao động.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Hùng, Hiệu trưởng hiện nay của Trường THPT Trần Phú, cho biết ông cũng là nạn nhân của việc đóng thiếu này. “Cuối năm 2015, tôi mới được bổ nhiệm làm hiệu trưởng nên không biết nhà trường đóng thiếu BHXH cho cán bộ, giáo viên bao lâu rồi. Chuyện này chỉ vừa được mọi người phát hiện, chính tôi cũng bị đóng thiếu BHXH. Hiện số tiền bị đóng thiếu là bao nhiêu, nhà trường vẫn chưa nắm được. Chúng tôi sẽ kiểm kê và thông báo cụ thể trong tháng 11” - ông Hùng nói.

Khi được hỏi số tiền BHXH của cán bộ, giáo viên đã thu nhưng không đóng “đã chạy đi đâu”, ông Hùng thừa nhận: “Tôi không biết. Việc này chỉ có kế toán mới biết nên cần điều tra để truy trách nhiệm”.

Sẽ kiểm tra, xử lý

Ông Văn Phú Long, Trưởng Phòng Quản lý thu BHXH TP Đà Nẵng, cho biết nếu đã tăng bậc lương nhưng người sử dụng lao động vẫn đóng theo bậc lương cũ thì những cán bộ, giáo viên đó khi nghỉ hưu sẽ bị thiệt thòi rất lớn. Người sử dụng lao động nợ BHXH suốt nhiều năm hoặc không đóng đủ cho NLĐ là đã có hành vi trốn đóng BHXH. Theo ông Long, trách nhiệm chính trong sai sót này thuộc về hiệu trưởng và kế toán trưởng trong thời điểm đó.

Liên quan đến vụ việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh cho biết đã ký quyết định lập đoàn kiểm tra để xác minh. Thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 11-10. Nếu phát hiện sai phạm, các cá nhân liên quan phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ông Vĩnh nhấn mạnh quan điểm của sở là dù bất kỳ lý do nào thì cũng phải phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời để bảo đảm quyền lợi của giáo viên, nhân viên.

Bài và ảnh: Quang Quý

Viết bình luận

CHUYÊN TRANG PHỤ NỮ

Email: phunu@nld.com.vn

NHẬN EMAIL MỚI HÀNG NGÀY

Đăng ký nhận tin mỗi ngày từ chuyên phụ nữ

Giấy phép số 115/GP- BTTTT cấp ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tổng Biên tập: TÔ ĐÌNH TUÂN
Địa chỉ: 123 - 127 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3 - TPHCM, Điện thoại: 028-3930.6262 / 028-3930.5376, Fax: 028-3930.4707. Email: toasoan@nld.com.vn
Bản quyền thuộc về Báo Người Lao Động. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).