xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cá ngừ đại dương chờ cú hích

Bài và ảnh: HỒNG ÁNH

Việc Nhật Bản xây dựng nhà máy thu mua, chế biến tại Phú Yên hứa hẹn cải thiện năng suất và chất lượng cá ngừ đại dương Việt Nam - trước nay vốn rất thấp do đánh bắt bằng phương pháp truyền thống

Công ty TNHH Hokugan (Nhật Bản) vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên về việc đầu tư dự án nhà máy chế biến cá ngừ đại dương công suất 1.800 tấn nguyên liệu/tháng, đồng thời hỗ trợ ngư lưới cụ và hướng dẫn kỹ thuật câu cho ngư dân.

Mò mẫm với nghề truyền thống

Hơn 25 năm trước, ngư dân Phú Yên là những người đầu tiên trong cả nước khai sinh nghề đánh bắt cá ngừ đại dương bằng phương pháp câu vàng (cột những thẻo câu có gắn lưỡi và mồi vào sợi cước lớn rồi thả dài hàng km trên mặt biển, đợi cá ăn mới thu câu). Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là cá dễ sẩy, tỉ lệ đánh bắt thấp.

Nghề câu cá ngừ đại dương miền Trung hy vọng thay đổi khi Nhật Bản xây dựng nhà máy tại tỉnh Phú Yên
Nghề câu cá ngừ đại dương miền Trung hy vọng thay đổi khi Nhật Bản xây dựng nhà máy tại tỉnh Phú Yên

Cách đây 3 năm, nhiều ngư dân mò mẫm thay đổi phương pháp câu vàng bằng câu tay kết hợp ánh sáng - dùng đèn cao áp chiếu xuống biển để thu hút mực, dụ cá ngừ đại dương bơi đến ăn mồi. Ban đầu, phương pháp này cho sản lượng cao nhưng sau khi nhiều ngư dân áp dụng thì sản lượng giảm dần. Ngoài ra, giá cá câu tay kết hợp ánh sáng thấp hơn câu vàng đến gần một nửa.

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, năm 2012, sản lượng cá ngừ đại dương ở tỉnh này trên 6.000 tấn, đến năm 2013 còn hơn 5.000 tấn, năm 2014 hơn 4.000 tấn và từ đầu năm 2015 đến nay chỉ mới hơn 3.000 tấn. Sản lượng giảm, giá cá cũng giảm khiến ngư dân nản lòng. Trong hơn 500 tàu câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên thì đã có gần 200 tàu chuyển nghề hoặc kiêm sang nghề lưới chuồn.

Ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, cho biết không chỉ sản lượng mà chất lượng trong quá trình bảo quản đang dần bít đầu ra của cá ngừ đại dương. “Bà con bảo quản trong hầm gỗ không đủ lạnh, thời gian chuyến biển lâu nên chất lượng cá thấp” - ông Nhạn giải thích.

Ngư dân hồ hởi

Việc Công ty TNHH Hokugan chọn Phú Yên xây dựng nhà máy chế biến cá ngừ đại dương được cho là hợp lý vì tỉnh này nằm giữa Bình Định và Khánh Hòa, những địa phương có nghề khai thác cá ngừ đại dương phát triển mạnh. Trước mắt, công ty hỗ trợ cho ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa 5 bộ câu mực. Công ty cũng mong muốn đầu tư một nhà máy sản xuất nước đá chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu bảo quản thủy sản.

Thông tin về việc công ty Nhật Bản dự định xây dựng nhà máy chế biến cá ngừ đại dương tại Phú Yên được ngư dân hồ hởi đón nhận. “Đời sống của ngư dân chúng tôi có thể sẽ đổi khác từ dự án này” - ông Nguyễn Văn Hồng, ngụ TP Tuy Hòa, bày tỏ.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, cho biết phía Nhật Bản có hứa khi thực hiện dự án này sẽ chuyển giao công nghệ đánh bắt, bảo quản cá ngừ đại dương tiên tiến cho ngư dân Phú Yên. Trong mùa khai thác chính vụ sắp tới (sau Tết Nguyên đán), phía Công ty Hokugan sẽ sang Việt Nam cung cấp một số thiết bị câu cá ngừ đại dương hiện đại và sẽ tập huấn cho ngư dân.

Quyết chinh phục thị trường Nhật Bản

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng các ngành liên quan cũng có buổi làm việc với đoàn công tác Nhật Bản về việc thực diện dự án khai thác, thu mua, xuất khẩu cá ngừ đại dương. Hai bên thống nhất trong tháng 9-2015, phía Nhật Bản sẽ chuyển giao 25 bộ máy móc, thiết bị đánh bắt cá ngừ đại dương và máy dò cá cho ngư dân Bình Định; cử chuyên gia thủy sản sang tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về khai thác, xử lý, bảo quản, đánh giá chất lượng sản phẩm. Dự kiến, khoảng tháng 1-2016, Bình Định sẽ tiếp tục xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật sau một thời gian gián đoạn.

Trước đó, tháng 6-2014, UBND tỉnh Bình Định đã bàn giao 5 bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương nhập từ Nhật Bản trị giá 1,5 tỉ đồng cho 5 tàu cá của 2 ngư dân La Tình và Nguyễn Quê (cùng ngụ huyện Hoài Nhơn). Sau đó, mỗi tàu ra khơi 2 chuyến nhưng chỉ 14 con cá ngừ đại dương đạt chất lượng được xuất bán sang Nhật Bản với giá bình quân hơn 200.000 đồng/kg, gấp đôi so với thị trường nội địa. Sau 2 chuyến đánh bắt theo công nghệ Nhật Bản bị lỗ, tháng 2-2015, 4/5 tàu trả lại các bộ thiết bị.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, chất lượng cá ngừ đại dương đánh bắt theo công nghệ Nhật Bản thời gian qua chưa đạt kết quả như mong đợi là do ngư dân không mặn mà trong việc áp dụng quy trình kỹ thuật khai thác, xử lý, bảo quản sản phẩm. Tuy nhiên, ngư dân La Tình cho rằng trong quá trình hướng dẫn áp dụng kỹ thuật đánh bắt, cán bộ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định (đã được tập huấn tại Nhật Bản) làm chưa đúng, khác xa so với chuyên gia Nhật Bản nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết trong tháng 9 tới, ngay sau khi tiếp nhận các bộ thiết bị từ phía Nhật Bản, tỉnh sẽ làm lễ xuất quân mở biển câu cá ngừ đại dương. “Với sự quyết tâm của ngư dân và đặc biệt là sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía Nhật Bản, tôi tin dự án khai thác, thu mua, xuất khẩu cá ngừ đại dương tại Bình Định sẽ thành công” - bà Hà kỳ vọng. A.Tú

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo