xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những người thợ rèn cuối cùng

DUY NHÂN

(NLĐO) - Cũng như bao nghề truyền thống khác, nghề rèn đang dần lụi tàn theo năm tháng. Chỉ còn số ít người thợ rèn vì niềm đam mê cháy bỏng với nghề đang cố gắng giữ lửa lò rèn trong nỗi niềm đau đáu thiếu truyền nhân.

Giữa trưa, con đường nhỏ dẫn vào xóm lò rèn trứ danh ở ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu tĩnh lặng đến kỳ lạ. Tiếng búa, tiếng đe thưa thớt vọng ra từ một lò rèn duy nhất còn đỏ lửa như nỗi niềm của một làng nghề đang vào thời khắc lụi tàn.

Kéo vạt áo lau mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt lem luốc vì bám đầy bụi than, ông Nguyễn Văn Ơn (65 tuổi) mở đầu câu chuyện về nghề rèn như một triết lý sống mà ông đúc kết qua gần cả đời theo cái nghề nhọc nhằn: "Nghề rèn cũng như rèn luyện tính cách, năng lực của con người vậy. Rèn càng lâu, càng kỹ thì món đồ làm ra càng tốt, càng bền. Một dụng cụ rèn xong phải qua quá trình tôi luyện gian nan. Từ một thanh sắt vô tri được nung, đập, giũa, rèn… sẽ trở thành một dụng cụ giúp ích cho con người. Đó cũng là lý do tôi gắn bó với nghề này gần 50 năm nay".

Những người thợ rèn cuối cùng - Ảnh 1.

Hiện lò rèn của ông Ơn là lò duy nhất ở xóm lò rèn nổi tiếng nhất Bạc Liêu còn đỏ lửa

Cứ vài phút, ông Ơn lại gắp miếng sắt đang cháy đỏ rực trong lò ra nhúng vào bể nước, rồi đặt lên đe cho 2 người thợ lực lưỡng nhịp nhàng tay quai tay búa. Dưới cái nắng như đổ lửa, tiếng búa, sắt, đe chạm vào nhau tạo nên một thứ âm thanh chát chúa đến đinh tai, cắt vụn cuộc trò chuyện giữa khách và chủ nhà. 

"Từ lúc mới sinh ra tôi đã nghe tiếng búa, tiếng đe của cha rồi. Tuổi thơ tôi cũng gắn liền với những âm thanh quen thuộc ấy. Có lẽ tôi sinh ra để theo cái nghiệp quai búa nhọc nhằn và dần yêu nghề không thể tách rời như hơi thở. Hai người con trai của tôi cũng vậy, sinh ra và lớn lên cùng với tiếng búa dội xuống đe chan chát quanh năm. Nhưng điều làm tôi hài lòng là cả 2 đứa đều không thành thợ rèn sắt mà thành… thợ rèn người"- ông Ơn tiếp lời.

Các con của ông Ơn từ nhỏ cũng phụ giúp cha làm nghề rèn, song ông quyết tâm cho con ăn học để không nối bước cái nghề nhọc nhằn và cơ cực mà bản thân mình đã trót đeo mang. Cả 2 người con ông Ơn giờ đều là giáo viên, thỉnh thoảng cũng khuyên ông giải nghệ vì tuổi già sức yếu. Thế nhưng, ông bảo chừng nào không còn cầm nổi cây búa để rèn nữa thì tự khắc sẽ nghỉ ngơi.

Những người thợ rèn cuối cùng - Ảnh 2.

Ông Ơn bảo rằng mình duy trì lò rèn cho tới lúc này bởi yêu nghề là chính

Để trở thành thợ rèn thực thụ, người có năng khiếu phải học ít nhất 3 năm hoặc lâu hơn nữa. Ngoài sức vóc và đôi tay khéo léo, người thợ rèn phải có đôi mắt tinh anh và sự kiên nhẫn. Trên tất cả là phải có tâm và yêu nghề.

Công cụ rèn sắt thép của những người thợ ở Ngan Dừa vốn rất đơn sơ, hầu hết là thủ công với lò đốt bằng loại than củi dầu có sức tỏa nhiệt cao hơn 10000C. 

"Không có một công thức hay khuôn mẫu nào cho người thợ rèn cả. Mà bằng đôi mắt quan sát, kinh nghiệm lâu năm trong nghề, người thợ có thể kiểm soát được nhiệt độ lò nung và nhiệt độ của sắt thép làm sao cho không già cũng không non. Đồng thời, người thợ phải xác định được độ chín của sắt thép để kịp làm nguội bằng cách nhúng vào nước lạnh. Đây là công đoạn quyết định chất lượng sản phẩm. Sản phẩm được rèn chất lượng phải đạt độ cứng mà không giòn, dẻo mà không mềm, mọi thứ đều phải dung hòa"- ông Ơn chia sẻ.

Thông thường, người thợ rèn phải dùng một cây búa chính nặng khoảng 5kg và một cây búa phụ nặng khoảng 3kg để đập sắt nung, tạo hình cho sản phẩm. Họ phải đập liên tục hàng trăm nhát búa và từng nhát búa phải nguyên lực, đều đặn, chuẩn xác như nhau. Đòi hỏi người thợ phải có tính cần cù và kiên nhẫn rất cao. 

"Nghề nào cũng vậy, muốn tồn tại thì chữ tín phải đặt lên hàng đầu. Cái gì cũng có giá của nó, muốn kiếm được đồng tiền của khách hàng thì những dụng cụ bán hoặc sửa cho họ phải làm cho thật tốt, thật đẹp. Nghề rèn như "làm dâu trăm họ", đòi hỏi người thợ rèn phải sáng tạo không ngừng"- ông Ơn bộc bạch.

Hơn 40 năm theo nghề, ông Ơn vẫn luôn ghi nhớ trong lòng lời căn dặn tha thiết của cha: "Nghề rèn không giúp con làm giàu, nhưng sẽ giúp con học được cái đức để sống có ích". Chỉ tay vào chiếc lò đang rực cháy tung tóe than hồng, ông từ tốn bảo rằng lò rèn rất nóng nhưng lòng người thợ thì không bao giờ nóng. 

"Một sản phẩm tốt không chỉ có khéo tay mà phải có hồn có cốt từ cái tâm của người thợ rèn gửi gắm vào đó. Người thợ rèn tâm và đức không tốt nhất định không thể tạo ra được một sản phẩm ra hồn"- ông Ơn khẳng định chắc nịch.

Những người thợ rèn cuối cùng - Ảnh 3.

Nhà ông Ơn đã 3 đời làm nghề rèn, bản thân ông cũng sắp giải nghệ nhưng không có truyền nhân

Suốt cuộc đời làm nghề rèn, ông Ơn tự đặt ra nguyên tắc cho mình và học trò là chỉ làm những dụng cụ có ích cho cuộc sống. Cũng không ít lần có người đến nhờ ông rèn mã tấu, kiếm nhật…, song ông thẳng thừng từ chối, trả giá bao nhiêu ông cũng không nhận. Bởi ông quan niệm rằng mục đích của nghề rèn là làm ra sản phẩm để phục vụ đời sống chứ không phải làm vũ khí giết người.

Cũng như bao nhiêu làng rèn trên khắp cả nước, thời hưng thịnh, làng rèn Ngan Dừa có đến gần 50 lò rèn. Hầu như nhà nào cũng có lò rèn. Sản phẩm xuất xứ từ đây đã trở thành thương hiệu vang danh một thời khắp vùng ĐBSCL.

Để làm ra được loại dao bền, sắc trở thành thương hiệu của làng rèn Ngan Dừa, ông Ơn tiết lộ bí quyết đơn giản nhưng vô cùng tinh tế của thợ rèn xứ này: "Nếu chỉ làm bằng thép thì dao sẽ giòn, dễ mẻ và gãy. Qua nhiều năm kinh nghiệm, người thợ rèn Ngan Dừa nghĩ ra phải kết hợp thép với sắt. 

Trước tiên là chẻ thanh sắt ra, cho lõi thép vào giữa rồi đem nung cho hợp nhất. Phần có lõi thép sẽ là phần lưỡi dao khi càng mài càng sắc, còn phần thân dao toàn bằng sắt sẽ rất dẻo dai. Đó là sự kết hợp hoàn hảo cho một dụng cụ vừa dùng trong nhà vừa làm vườn, làm ruộng của người dân nông thôn". 

Nói đoạn, với ánh mắt sáng lên đầy vẻ tự hào, giọng ông Ơn lại chùn xuống đầy tiếc nuối: "Những năm gần đây, người thợ rèn chịu áp lực từ kinh tế thị trường, lợi nhuận không đủ trang trải chi tiêu sinh hoạt gia đình nên họ lần lượt từ giã cái nghề "ráo mồ hôi thì không có tiền" này.

Lần lượt nhiều lò rèn tại Ngan Dừa đành ngậm ngùi đóng cửa vì những sản phẩm làm ra không còn đủ sức cạnh tranh với các loại dao bằng chất liệu inox mẫu mã đẹp mắt, sang trọng, được nhập khẩu từ nước ngoài. Hầu hết sản phẩm của các lò rèn truyền thống giờ chỉ còn tiêu thụ được ở một số vùng quê hẻo lánh".

Nhiều thợ trong "xóm lò rèn" ở Ngan Dừa còn nói vui với nhau mỗi khi nện những nhát búa đều đều xuống đe sẽ vang lên những tiếng: "đắp… đổi" hoặc "cùng… cực".

Ngày nay, máy móc công nghiệp dần thay thế sức người lao động trên đồng ruộng thì nghề rèn truyền thống cũng phải kết thúc sứ mệnh của nó trong một ngày không xa. Thế hệ trẻ dù không có nghề nghiệp ổn định vẫn rời quê hương để tìm cơ hội mới nên ông Ơn tìm đỏ mắt cũng không thấy đâu truyền nhân cho cái nghề rèn đang nguội lạnh.

Rời làng rèn Ngan Dừa trong buổi chiều giáp Tết, tôi vẫn đau đáu về tình yêu, tâm huyết của những thợ rèn luống tuổi đang khắc khoải về một nghề truyền thống đang dần mai một. Lửa lò vẫn còn đỏ, tiếng đe, tiếng búa vẫn nhịp nhàng nhưng lạc lõng giữa thị trấn yên bình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo