xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hủy thượng đỉnh Mỹ - Triều: Cũng tốt!

THU HẰNG

Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy họp với Triều Tiên khiến đồng minh Hàn Quốc bối rối, trong khi người được lợi nhiều nhất ở châu Á là ông Tập Cận Bình

Đài NBC News hôm 25-5 dẫn lời một số quan chức cấp cao Washington cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump sợ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là người hủy cuộc gặp trước nên muốn đi trước một bước.

Đồng minh ngã ngửa

Quyết định hủy cuộc gặp lịch sử khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần không hẳn gây chấn động nhưng sự đột ngột của nó khiến nhiều người trong cuộc sửng sốt. Đến cả đồng minh gần gũi nhất với Washington trong vấn đề này là Hàn Quốc cũng không hề được báo trước.

Tại cuộc họp được triệu tập khẩn cấp ở Nhà Xanh ngay sau khi Nhà Trắng công bố lá thư gửi tới ông Kim Jong-un, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thậm chí thừa nhận ông rất bối rối vì hội nghị không diễn ra như kế hoạch. Người phát ngôn phủ tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom nói với báo giới: "Chúng tôi đang cố gắng lý giải xem, một cách chính xác, ý định của Tổng thống Trump là gì". Truyền thông Mỹ tiết lộ ông Trump đã ra lệnh cho Nhà Trắng công bố lá thư gửi cho ông Kim mà không tham vấn các đồng minh nhằm tránh... bị rò rỉ.

Hủy thượng đỉnh Mỹ - Triều: Cũng tốt! - Ảnh 1.

Quan chức Triều Tiên giải thích quy trình phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri với báo giới Ảnh: REUTERS

Không chỉ đồng minh chủ chốt của Washington, ngay cả các lãnh đạo quốc hội nước này cũng không được báo trước. Thời điểm ông chủ Nhà Trắng và đội cố vấn bắt đầu vật lộn với ý định hủy cuộc họp thượng đỉnh với Triều Tiên cho tới khi quyết định được công bố chỉ chưa đầy 12 giờ. Một quan chức Mỹ tham gia hoạt động chuẩn bị cho cuộc gặp (đã đổ bể) gọi quyết định này theo đúng phong cách "liều ăn nhiều" của ông Trump.

Trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ sau đó, Ngoại trưởng Pompeo phàn nàn rằng Triều Tiên không phản hồi các đề nghị do Mỹ đưa ra trong những ngày gần đây nhằm chuẩn bị hậu cần cho hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, theo chuyên gia về Triều Tiên Joel Wit thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ), lý do thực sự là chính quyền ông Trump vẫn chưa biết giải bài toán Triều Tiên ra sao. Chủ tịch Công ty Tư vấn Eurasia Group (Mỹ) Ian Bremmer nói thêm: "Ông Trump ngày càng hiểu rằng Triều Tiên không chấp nhận phi hạt nhân hóa đơn phương. Vì thế, ông quyết định giết chết cuộc gặp. Quyết định đó là một nỗi hổ thẹn lớn với tổng thống (Trump)... nhưng cũng là cái tát trực tiếp đối với ông Kim".

Hiểu lầm cơ bản

Bất chấp lời nhắc nhở đầy ẩn ý của ông Trump trong lá thư, rằng năng lực vũ khí hạt nhân của Mỹ vô cùng lớn mạnh, trong khi Lầu Năm Góc cảnh báo Triều Tiên quân đội Mỹ sẵn sàng hành động, phản ứng của Bình Nhưỡng lại có phần mềm mỏng. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan hôm 25-5 nói rằng ông Kim Jong-un vẫn sẵn sàng gặp Tổng thống Trump bất cứ lúc nào, bất cứ cách nào, dù cho quyết định của ông Trump đang đi ngược lại mong muốn của cộng đồng toàn cầu đối với hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Theo nhận định của ông Srinivasan Sitaraman, chuyên gia tại Trường ĐH Clark (Mỹ), sự đổ vỡ của cuộc gặp lịch sử này không hẳn là không tốt. Bởi hai bên vẫn còn quá nhiều điều khó chịu về nhau trong khi niềm tin chưa được xây dựng. "Có một sự hiểu lầm cơ bản giữa lập trường của Mỹ và Triều Tiên" - vị giáo sư cho biết. "Triều Tiên chưa bao giờ hứa sẽ từ bỏ vũ khí của mình trong khi Mỹ liên tục yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn và đầu hàng".

Theo tờ The Guardian, một số nhà phân tích cho rằng quyết định của ông Trump chừng mực nào đó lại là một món quà cho ông Kim Jong-un. Nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên nhiều tháng qua đã nỗ lực tạo dựng hình ảnh một một người kiến tạo hòa bình với hy vọng phá vỡ sự thù địch với một đất nước mà Bình Nhưỡng từng gọi là "kẻ thù không đội trời chung". Ông Trump đơn phương hủy họp sẽ tiếp tục củng cố hình ảnh ông Kim trong vị thế sẵn sàng đối thoại trong khi Mỹ mang tiếng quay lưng. Nay Triều Tiên có thể hành động với tâm thế bên "bị tổn thương".

Thêm vào đó, chuyên gia Ian Bremmer nhận định trên trang Business Insider rằng Tổng thống Trump đang đẩy Hàn Quốc vào vòng tay Trung Quốc. Theo đó, cách hành xử gây thất vọng của ông chủ Nhà Trắng lần này với Tổng thống Moon, người đã nỗ lực hết mình cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, đã thể hiện rõ với Hàn Quốc rằng "nước Mỹ trên hết". Seoul nay ở vào vị thế có mối quan hệ tốt hơn với Bình Nhưỡng và Washington sẽ mất đi tầm ảnh hưởng trong vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Mặt khác, việc Mỹ hủy họp với Triều Tiên sẽ cho phép Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dùng ảnh hưởng với Bình Nhưỡng để làm đòn bẩy trong khi Bắc Kinh đàm phán thương mại với Washington. Giới chuyên gia cho rằng với quyết định hủy họp, cùng việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chính sách thương mại có phần mang tính bảo hộ của ông Trump, người được lợi nhiều nhất ở châu Á là ông Tập. 

Bốn kịch bản

Chuyên gia hạt nhân của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) Vipin Narang đã đưa ra 4 kịch bản - từ lạc quan nhất đến tồi tệ nhất - sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sụp đổ.

Thứ nhất, hai bên quyết định không gặp nhau vì nhận thấy giữa họ còn khoảng cách quá xa về vấn đề phi hạt nhân hóa. Theo trang Vox, kịch bản này sẽ khiến Ngoại trưởng Mike Pompeo và đội ngũ của ông có thêm thời gian để thu hẹp khoảng cách. Theo Tạp chí Foreign Policy (Mỹ), ông Pompeo có thể được phái trở lại Bình Nhưỡng để đàm phán thêm nhưng điều này còn phụ thuộc Triều Tiên phản ứng ra sao trong thời gian tới. Nếu nỗ lực này đạt kết quả, hai bên có thể gặp nhau để hoàn tất một thỏa thuận nào đó.

Thứ hai, hai bên không đạt được tiến bộ đáng kể nào hướng đến một thỏa thuận và duy trì hiện trạng này. Tuy nhiên, mối quan hệ song phương sẽ tốt hơn so với những thập kỷ qua vì họ giờ đây đã có những cuộc hội đàm trực tiếp.

Thứ ba, kịch bản xấu hơn là quan hệ 2 nước sẽ trở lại thời điểm năm 2017, đồng nghĩa Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa và Mỹ gia tăng trừng phạt. Ngoài ra, theo đài ABC News, không loại trừ khả năng Triều Tiên gia tăng tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu quan trọng của Mỹ, như cơ quan chính phủ, mạng quân sự, nhà thầu quốc phòng, tập đoàn đa quốc gia…

Thứ tư, viễn cảnh tồi tệ nhất là 2 nước đi đến chiến tranh, tức chính quyền ông Trump theo đuổi phi hạt nhân hóa bằng vũ lực và sử dụng sự thất bại của hội nghị thượng đỉnh để chứng tỏ biện pháp ngoại giao không mang lại kết quả.

Theo ông Narang, kịch bản thứ hai có khả năng xảy ra nhất trong lúc nguy cơ nổ ra chiến tranh toàn diện là rất thấp. Hầu hết chuyên gia khác cũng kỳ vọng 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều sẽ theo đuổi con đường ngoại giao càng lâu càng tốt. "Lãnh đạo các nước trong khu vực và trên thế giới nên thúc giục Mỹ và Triều Tiên đối thoại thiết thực. Đó là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay" - chuyên gia hạt nhân Alexandra Bell tại Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí (Mỹ) nhận định.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nói với đài CNN rằng ít có khả năng một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều khác được sớm lên kế hoạch bởi nhiều yếu tố như tuyên bố nối lại chiến dịch gây sức ép tối đa lên Bình Nhưỡng của chính quyền ông Trump, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ…

XUÂN MAI

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo