xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bài toán bảo tồn - khai thác

Bài và ảnh: Đình Thi

Nhà trưng bày hiện vật khảo cổ đang được xây dựng, “công viên di tích” đang được đề xuất thực hiện tại Thánh địa Cát Tiên nhằm thu hút du khách tham quan, phát triển du lịch

Bài toán đặt ra là địa phương phải làm sao vừa thu hút được du khách để phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo tồn được di tích và hàng ngàn hiện vật quý giá trong khi chờ các nhà khoa học, khảo cổ giải mã những bí ẩn của “mê cung thần linh” Cát Tiên.

Sức hút khó cưỡng

Xét về vị trí địa lý, Khu Di tích khảo cổ Cát Tiên được xác định nằm ở khoảng giữa Tỉnh lộ 721 nối Quốc lộ 20, từ ngã ba Madagui (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) đến Quốc lộ 14 (ngã ba Sao Vọng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Trung tâm khu di tích nằm ở bờ Bắc sông Đồng Nai (xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), sát với vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên, cách TP Đà Lạt khoảng 190 km về phía Bắc và cách TP HCM khoảng 180 km về phía Nam.

Đây là vị trí khá đắc địa trên bản đồ du lịch, rất thuận lợi cho các tour du lịch từ TP HCM đi Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên tới tham quan. Theo ông Lương Nguyên Minh, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích khảo cổ Cát Tiên, chính sự bí ẩn chưa được giải mã của thánh địa này là sức hút khó cưỡng đối với nhiều du khách. “Nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu của các nhà khoa học, khảo cổ... đã diễn ra nhưng đến nay, vẫn chưa có giả thuyết nào thuyết phục nhất để khẳng định chủ nhân thật sự của Thánh địa Cát Tiên” - ông Minh cho biết.

img

Những bộ Linga - Yoni không còn nguyên vẹn do thời gian, quá trình khai quật và cả sự xâm hại của con người
Những bộ Linga - Yoni không còn nguyên vẹn do thời gian, quá trình khai quật và cả sự xâm hại của con người

Vài năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng và huyện Cát Tiên đã bắt đầu hướng đến việc khai thác du lịch tại Di tích quốc gia đặc biệt này. “Năm 2011, ban quản lý khu di tích đã thử nghiệm chương trình đón du khách, mục đích là xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên có nghiệp vụ, đồng thời quảng bá cũng như rút kinh nghiệm thực tế để có định hướng tốt nhất cho công tác đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan. Đến nay, khu di tích đã đón hàng chục đoàn khách lớn, có năm đón cả ngàn lượt người tới tham quan” - ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Ban Quản lý Khu Di tích khảo cổ Cát Tiên, thông tin.

Theo ông Lương Nguyên Minh, trước mắt, Thánh địa Cát Tiên được định hướng là điểm đến của ngành du lịch Cát Tiên nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. “Chúng tôi còn tham mưu lên tỉnh Lâm Đồng và các bộ, ngành trung ương nhằm xây dựng Di chỉ khảo cổ Cát Tiên thành “công viên di tích” trên diện tích gần 13 ha, nhằm giữ gìn cảnh quan, môi trường, phục hồi và tái sinh rừng tự nhiên. Cùng với rừng quốc gia Nam Cát Tiên, “công viên di tích” sẽ tạo cho du khách nhiều cơ hội tìm hiểu, khám phá” - ông hào hứng.

Tạm ngưng khai quật

Ông Minh cho biết sau nhiều năm nghiên cứu, tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhưng vẫn chưa xác định được chủ nhân Thánh địa Cát Tiên cũng như chưa giải mã được những bí ẩn của “mê cung thần linh”, việc khai quật di chỉ khảo cổ này đã tạm ngưng. “Bởi lẽ, những hiện vật nằm trong lòng đất sẽ được bảo quản tốt hơn, tránh sự xâm hại của tự nhiên như khí hậu, thời tiết, côn trùng… và cả con người” - ông Minh lý giải. Đó là những hiện vật hiện nằm trong lòng đất, còn với hàng ngàn hiện vật đã được khai quật, việc giữ gìn, bảo vệ thế nào cần phải đặt ra.

Về định hướng bảo tồn và phát triển Thánh địa Cát Tiên, PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, đề xuất: “Cần xây dựng khu di tích khảo cổ này như một bảo tàng văn hóa với môi trường sinh thái đặc trưng của địa phương mang tầm quốc gia. Nơi đây là một kho tàng, một khối tài sản khổng lồ, quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại”.

Nhà trưng bày Bảo tàng Cát Tiên tại khu di tích khảo cổ do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư đang được triển khai xây dựng. Đây là nơi trưng bày những hiện vật tìm được trong quá trình khai quật, nghiên cứu Khu Di tích khảo cổ Cát Tiên để phục vụ khách tham quan.

“Cùng với những hạng mục do tỉnh đầu tư ở Khu Di tích khảo cổ Cát Tiên, chúng tôi còn chủ trương xã hội hóa, mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn... Khi đó, khu di tích sẽ trở thành nơi tham quan, nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn trong khu vực 3 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng” - ông Minh tiết lộ.

Niềm tự hào của địa phương

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Đình Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, khẳng định: “Thánh địa Cát Tiên, nơi lưu dấu nền văn hóa cổ xưa, là một trong những niềm tự hào của người dân huyện nhà. Chúng tôi đang mong chờ các nhà khoa học, khảo cổ giải mã những bí ẩn của di tích này”.

Ông Thái cho biết nhà trưng bày hiện vật tại Khu Di tích khảo cổ Cát Tiên sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2017.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo