xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thuốc nội dù tốt vẫn bị chê

Ngọc Dung

Nhiều loại thuốc do Việt Nam sản xuất đã đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn khó chen chân vào các bệnh viện, nhất là những bệnh viện tuyến trung ương

Theo nhận định của nhiều chuyên gia ngành dược, dù chất lượng ngày càng tăng, giá thành lại rẻ hơn thuốc ngoại rất nhiều nhưng thuốc nội vẫn “lép vế” khi cạnh tranh vào các bệnh viện (BV) trung ương.

Thua trên sân nhà

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện tại, thuốc sản xuất trong nước đã bảo đảm 50% nhu cầu sử dụng (tính theo giá trị tiền thuốc). Các nhà máy dược phẩm đã được đầu tư dây chuyền hiện đại, sản xuất được nguyên liệu kháng sinh, vắc-xin, sinh phẩm... Tuy nhiên, nhiều người dân và bác sĩ vẫn chuộng thuốc ngoại.

Ghi nhận tại nhiều hiệu thuốc cho thấy đa số bệnh nhân đến mua đều hỏi về thuốc ngoại, dù giá cao hơn rất nhiều so với thuốc nội. Trong khi đó, tại các nhà thuốc của BV tuyến tỉnh và trung ương, thuốc ngoại chiếm từ 70%- 95% các đơn thuốc.

Chị Hoàng Thị Vân (ngụ quận quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), có người thân đang điều trị chấn thương sọ não tại một BV tuyến cuối ở Hà Nội, giải thích: “Tôi biết dùng thuốc nội sẽ rẻ tiền hơn nhưng không dám mạo hiểm với tính mạng của người thân. Vì thế, dù bác sĩ có tư vấn, chắc gia đình vẫn phải chọn thuốc ngoại”.

Sản xuất thuốc trên dây chuyền đạt chuẩn quốc tế tại Công ty CP Traphaco Ảnh: Khánh Anh
Sản xuất thuốc trên dây chuyền đạt chuẩn quốc tế tại Công ty CP Traphaco Ảnh: Khánh Anh

Lý giải về việc tỉ lệ thuốc nội trong BV Việt Đức (Hà Nội) vẫn thấp, bà Nguyễn Thị Bích Hường, phó giám đốc BV, cho biết với các BV tuyến cuối, mô hình bệnh tật phức tạp, hầu hết bệnh nhân đến đây là những trường hợp cấp cứu nặng, khó chữa trị từ tuyến dưới chuyển lên. Để bảo đảm điều trị, nhiều trường hợp buộc phải lựa chọn các loại biệt dược gốc. Trong khi đó, giá các loại thuốc này thường đắt hơn nhiều lần so với thuốc nội.

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, thừa nhận tâm lý chưa tin dùng thuốc nội và thói quen kê đơn, dùng thuốc của nước ngoài vẫn còn phổ biến trong một bộ phận không nhỏ bác sĩ lẫn người dân. “Thuốc nội trước tiên phải “hữu xạ tự nhiên hương”, doanh nghiệp (DN) sản xuất thuốc phải có hiệu quả thật, chứng minh qua lâm sàng, qua tác dụng dược lý, qua thực tế điều trị…” - ông Cường nhìn nhận.

Tạo lòng tin qua chất lượng

Theo ông Trương Quốc Cường, sau khi Bộ Y tế có nhiều giải pháp tăng cường đưa thuốc nội vào BV, tỉ lệ sử dụng thuốc nội đã tăng lên rõ rệt. Ở tuyến huyện, tỉ lệ sử dụng thuốc nội tăng từ 61% lên gần 70%, tuyến tỉnh tăng từ 31% lên 35%. Tại một số BV trung ương, tỉ lệ sử dụng thuốc nội cũng tăng mạnh, như BV Việt Đức (Hà Nội) 30%, BV Chợ Rẫy (TP HCM) 40%, BV Thống Nhất (TP HCM) 65%, BV Nhi trung ương (Hà Nội) gần 32%.

Nhiều bác sĩ lưu ý lâu nay ở Việt Nam, các DN sản xuất thuốc chưa chứng minh tương đương sinh học nên chưa tạo được lòng tin. “Theo khảo sát, biệt dược gốc (loại đã hết bản quyền sở hữu trí tuệ) giá cao hơn thuốc phiên bản 32%. Nếu dùng thuốc khác có chất lượng tương đương thì tiết kiệm được khoảng chênh lệch này về lý thuyết. Nếu thuốc phiên bản được chứng minh đạt tương đương sinh học, người bệnh sẽ được lợi rất nhiều” - ông Cường khẳng định.

Hiện Việt Nam đã có 12 hoạt chất được thử tương đương sinh học. Tới đây, con số này sẽ là 44. Trong tương lai gần, khoảng 40% thuốc trên thị trường phải có chứng minh tương đương sinh học. Đây sẽ là cơ hội tốt để người bệnh được dùng thuốc nội có chất lượng ngang bằng thuốc ngoại. “Trong số 900 hoạt chất thuốc thì con số này là ít nhưng chúng tôi chọn những hoạt chất có tỉ trọng sử dụng cao trong BV như nhóm kháng sinh, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, thuốc nội tiết… Tới đây, Bộ Y tế sẽ công bố 146 sản phẩm thuốc có tỉ lệ sử dụng lớn và nếu DN trong nước sản xuất đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp, chúng ta sẽ không nhập khẩu các loại thuốc tương tự” - ông Cường nhấn mạnh.

Thực tế, thời gian qua, tại nhiều BV tuyến cuối, một số thuốc nội trong nhóm tim mạch, tiểu đường… do các DN trong nước sản xuất được chứng minh tương đương sinh học với thuốc gốc đã trúng thầu và đưa vào điều trị cho bệnh nhân. Qua theo dõi kết quả điều trị, các loại thuốc này đều tốt không thua kém so với thuốc ngoại nhập. Đặc biệt, người bệnh đã giảm được chi phí tiền thuốc 30%-40%.

Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Y tế về thực hiện dùng thuốc nội ở BV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc vận động người Việt dùng hàng Việt phải bảo đảm hàng tốt, giá tốt. Đối với thuốc, người dân không thể biết loại nào tốt mà phải tùy vào bác sĩ.

Thay đổi tư duy từ thầy thuốc

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng cho rằng để khuyến khích người dân dùng thuốc nội thì các bác sĩ phải thay đổi tư duy khi kê đơn. Bác sĩ hoàn toàn có thể lựa chọn thuốc generic (tương đương với thuốc gốc, thuốc phát minh sau khi hết bản quyền sở hữu trí tuệ) mà vẫn bảo đảm hiệu quả điều trị.

“Chúng ta cần nhớ rằng có tới hơn 70% dân số Việt Nam ở khu vực nông thôn đang rất khó khăn. Nếu kê đơn thuốc generic, đặc biệt là thuốc nội, sẽ cứu chữa được nhiều người thay vì chỉ cho một người với cùng một lượng kinh phí như nhau” - bộ trưởng nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo