xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bình Thành không còn sợ mặn

Bài và ảnh: LÊ QUANG TRẠNG

Dân Bình Thành mơ ước có một đập ngăn mặn kiên cố ở đầu kênh Thoại Hà nhưng giá thành mỗi đập trên 11 tỉ đồng. Vì thế, đập dã chiến vẫn là giải pháp nhanh, gọn và tiết kiệm mỗi khi nước mặn tràn về

Kênh Thoại Hà lấy nước từ dòng Cửu Long chảy ra biển, đoạn ngang xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang dài gần 20 km. Đây là con kênh huyết mạch, có ý nghĩa lớn đối với đời sống và sản xuất của cư dân vùng cực Nam của An Giang.

Không theo chu kỳ nhất định

Sử cũ chép vào năm Mậu Dần (1818), khi trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại vâng lệnh vua Gia Long chỉ huy dân binh đào kênh Đông Xuyên - Rạch Giá thì mục đích chính của con kênh này là thúc đẩy giao thông, tưới tiêu, dẫn lũ, thau chua rửa phèn…

Ngay từ thuở mới khai phá, nơi đây dân cư thưa thớt nhưng triều đình đã có chính sách thúc đẩy khai hoang lập nghiệp trên vùng đất "phèn vây áo vải" này. Sau khi công cuộc đào kênh hoàn tất, triều đình lệnh cho đặt tên kênh Đông Xuyên - Rạch Giá là kênh Thoại Hà để ghi nhớ công lao chỉ huy đốc thúc của trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại. Đây là công trình thoát lũ đầu tiên của triều đình nhà Nguyễn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Kênh Thoại Hà bắt nguồn từ sông Hậu, mang nước đổ ra cửa biển Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Vào mùa khô, triều cường, nước biển dâng, gặp lúc gió Tây Nam hoạt động mạnh, nước mặn từ cửa biển Rạch Giá vượt 26 km đường kênh, đẩy nước ngọt lùi vào sâu bên trong. Xã Bình Thành nằm ở cực Nam tỉnh An Giang, giáp tỉnh Kiên Giang và có chung dòng kênh Thoại Hà. Vì thế, khi nước biển tràn vào kênh Thoại Hà thì đây là xã đầu tiên hứng chịu sự ảnh hưởng của nước mặn.

Nước mặn tràn vào kênh Thoại Hà không theo chu kỳ nhất định. Thông thường, nước mặn tràn về trong khoảng thời gian từ 17 đến 19 giờ của những ngày trung tuần tháng 3 hằng năm. Theo thống kê đo đạc, nước mặn về đến Bình Thành có độ mặn khoảng 4,62‰ - 13,7‰, kéo dài trên 16 km, ảnh hưởng trực tiếp hơn 20.000 m2 đất sản xuất của xã. Ở mức mặn như thế, lục bình ở kênh Thoại Hà không chịu được mặn nên đều khô lá và chết. Cua, ốc không kịp di chuyển cũng chết cặp bờ kênh. Nếu ai không kịp phát hiện, cho dẫn nước vào ruộng thì đất nhiễm mặn, lúa rất dễ úa chết. Đất nhiễm mặn là nỗi lo của nông dân, mất trắng vụ lúa trước mắt đã đành mà còn phải bỏ mùa vụ tiếp theo để ngâm đất, rửa mặn. Tháng 3 lại thường là tháng khô hạn, nếu dùng máy dầu bơm nước rửa mặn sẽ rất tốn kém, lại mất thời gian. Kể như mất trắng một mùa.

Anh Nguyễn Thanh Trung, người có hơn 20 năm làm ruộng ở cánh đồng xã Bình Thành, nhớ lại: "Trung tuần tháng 3-2009, nước mặn đột ngột tràn về Bình Thành. Người dân không kịp phát hiện mặn, cho bơm nước vào ruộng. Khi phát hiện lúa héo bất thường, tôi la lên cho bà con và chính quyền biết. Những thửa ruộng xung quanh nhanh chóng phát hiện mặn, ngăn nước vào đồng. Tuy nhiên, năm đó, toàn xã cũng có hơn 18.000 m2 đất bị nhiễm mặn, úa đọt chết. Riêng nhà tôi thì mất trắng vụ lúa năm đó".

Canh cánh trong lòng

Mặn về, khi phát hiện lục bình dọc kênh úa lá, nông dân hỏi thăm nhau: "Bơm nước chưa? Đất có bị mặn lấn không?"... Ai không bị mặn xâm nhập ruộng kể như là mừng một bước. Nhưng niềm vui chưa kịp nở trên môi thì lại đối mặt với tình trạng thiếu nước. Đang là mùa khô, nước mặn về 7-8 ngày mới rút. Nước trong ruộng không đủ đáp ứng cho cây lúa, mà cũng không có nguồn nước ngọt bơm lên đồng. "Tay nâng giọt nước nghe đau đớn lòng", người dân chỉ biết ngồi nhìn cây lúa khát, chờ nước đến úa lá chết.

Lần trước, tôi vào Bình Thành là khi mùa mặn sắp về. Mấy quán cà phê ven đường xôn xao câu chuyện năm nào mặn về mất trắng. Nỗi lo về mặn hình như vẫn còn canh cánh trong lòng của những nông dân chân đất nơi này. Nước mặn về, không những sản xuất nông nghiệp bị trì trệ mà mọi sinh hoạt của người dân cũng đều rất khó khăn. Bình Thành là xã vùng sâu, vùng xa, đa phần dân cư sống ven kênh rạch. Người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước kênh mương để sản xuất và sinh hoạt. Khi mặn vào, mọi sinh hoạt đều bị ảnh hưởng. Nhiều hộ dân ở sâu trong các kênh rạch, cách đường lộ cái có khi cả chục cây số. Nước ngọt phải chở từng thùng từ nơi không nhiễm mặn về sử dụng. Đời sống người dân vào mùa mặn khó khăn không kém mùa lũ và mùa hạn ở những rẻo đất vùng xa.

Học sinh ở sâu trong đồng chạy xe đi học, hai bên ghi-đông phải móc theo 2 can nước. Các em cho biết nhà ở giữa đồng, mùa này hạn mặn, nước sinh hoạt rất hiếm nên mỗi buổi đi học phải đem theo can để tranh thủ mua nước chở về nhà.

Ông già ở quán cà phê tôi mới gặp cũng sống giữa đồng và chịu cảnh khan hiếm nước. Ông nói nước dùng rửa rau xong, vợ ông để lại rửa chén. Còn ông đi đồng về, đốt một đống lửa, hơ nóng cho ra mồ hôi rồi kỳ cọ, sau đó chỉ tắm lại đúng 2 ca nước 1 lít. Thấy tôi hơi ái ngại, ông nhấn thêm: "Thấy vậy chứ sạch bong à!". Nghe ông nói, tôi chợt nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Trương Công Thuốt viết về Bình Thành: "Bà tôi sống ở chốn này/Phèn vây áo vải, nợ vây lấy người/Nhọc nhằn hạt thóc, chim trời/Sớm khuya vẳng tiếng đò, đời gọi nhau"…


Bình Thành không còn sợ mặn - Ảnh 1.

Kênh Thoại Hà mùa mặn, nhìn từ cầu Thoại Giang

Chờ những mùa vụ bội thu

Nhưng đấy là chuyện cũ. Giờ thì sau những mùa mặn về mất trắng, người dân Bình Thành đã biết mạnh dạn, chủ động đón mặn.

Ông Phạm Văn Lập, Chủ tịch UBND xã Bình Thành, cho biết ngay từ đầu mùa khô, chính quyền địa phương đã lên kế hoạch phòng chống mặn. Tỉ như việc liên kết với tỉnh bạn Kiên Giang để theo dõi sát diễn biến xâm nhập mặn, thường xuyên thăm dò độ mặn của nước, kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động trữ nước ngọt, phòng mặn xâm nhập đồng ruộng. Địa phương cũng thành lập đội phòng chống xâm nhập mặn, chủ động lập các đập tạm ở đầu các kênh mương dẫn nước nhằm bảo vệ toàn vùng đê bao của xã không bị nhiễm mặn; dự toán ngân sách làm đập dã chiến chống mặn vào đồng… Bình Thành có diện tích tự nhiên 2.417 ha, trong đó diện tích sản xuất chiếm hơn 95%, chủ yếu là trồng lúa. Toàn xã có 9 tiểu vùng được đê bao khép kín.

Có thể nói, đập dã chiến là một bước sáng tạo hay của chính quyền xã Bình Thành trong việc chống mặn. Con đập này hình thành từ ý tưởng "sống chung với lũ" trong mùa nước nổi. Đập được dựng ở các cửa kênh lấy nước vào đồng. Tại cửa kênh, người dân được huy động xóc 2 hàng nọc song song cách nhau khoảng 1-2 m bằng tràm hoặc bạch đàn rồi rào lại bằng lưới B40. Ở khoảng giữa 2 hàng nọc là một tấm ni-lông neo sâu dưới đáy kênh. Tấm ni-lông nổi trên mặt nước, lên xuống theo thủy triều.

Đập ngăn nước mặn vào đồng, trữ nước ngọt lại đồng mà không cản trở giao thông. Khi có xuồng đi ngang, chỉ cần kéo tấm ni-lông xuống là xuồng có thể lướt qua đập một cách dễ dàng. Bằng phương pháp sáng tạo, vận động nguồn lực của toàn dân gọi là lực lượng tại chỗ, xã hội hóa một phần kinh phí nên mỗi đập ngăn mặn ở Bình Thành chi phí không quá 20 triệu đồng. Người dân ở Bình Thành ao ước có một đập ngăn mặn kiên cố ở đầu kênh Thoại Hà để có thể ngăn mặn kịp thời và hiệu quả. Thế nhưng, giá thành mỗi đập kiên cố lên đến trên 11 tỉ đồng nên đập dã chiến vẫn là giải pháp nhanh, gọn và tiết kiệm mỗi khi mùa mặn tràn về.

Chứng kiến những người dân bám đất, bám đồng trong mùa mặn, tôi nhớ đến lời của nhà tự nhiên học người Anh Charles Robert Darwin: "Trong lịch sử lâu dài của loài người, những ai học được cách cộng tác và ứng biến tài tình nhất sẽ sinh tồn". Trải qua nhiều thử thách, khó khăn của thiên nhiên, người dân Bình Thành dần quen với mùa hạn mặn, tìm "trong cái khó ló cái khôn" những cách sinh hoạt ứng biến để vừa bám đồng vừa ngăn mặn. Ra giêng, thu hoạch vừa dứt điểm, người dân cho nước vào đồng để ngâm xả, đồng thời cho vịt chạy đồng ăn ốc, sâu bọ và những hạt lúa rơi rụng. Ngoài việc làm sạch đất, nuôi vịt chạy đồng còn giúp tăng thêm thu nhập. Việc giữ nước lại đồng còn là giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa khô hạn cho đất, giảm chi phí bơm nước khi gieo sạ. Bên cạnh đó, khi cất nhà cặp bờ kênh, người dân lấy đất đắp nền cao chống lũ. Phần đất móc sâu làm đìa nuôi cá, trữ nước khi mùa mặn về có nước ngọt để sinh hoạt, tưới tiêu tạm thời trong những ngày hạn mặn kéo dài.

Tôi từ Long Xuyên vào Bình Thành vào một ngày nắng cháy đỉnh đầu của mùa khô. Đường từ huyện lỵ vào đến xã đã được đổ bê-tông thẳng tắp. Nhà nhà san sát nhau, khang trang. Phía sau là cánh đồng bao đê khép kín đang vào mùa phơi đất, chuẩn bị cho vụ mới. Đứng trên cầu Thoại Hà, nghe tôi nói "theo dự đoán, năm nay mùa khô kéo dài, nắng lại khắc nghiệt, rất có thể nước mặn sẽ về", người phụ trách nông nghiệp của xã Bình Thành chỉ tay về phía con kênh Thoại Hà đang xuôi một dòng mải miết, khẳng định: "Chúng tôi luôn sẵn sàng chống mặn!". Với sự đồng lòng và quyết tâm cao của chính quyền và người dân Bình Thành, tôi tin chắc rồi đây, xã sẽ gặt hái những mùa vụ bội thu.

Ngày ngày thay da, đổi thịt

Là xã vùng sâu của huyện anh hùng Thoại Sơn nhưng Bình Thành lại là địa phương đón đầu cơn mặn tràn về. Xa huyện lỵ, tỉnh lỵ; phương tiện, cơ sở vật chất chưa được chuyên môn hóa và hiện đại nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực chung tay của chính quyền và nhân dân, Bình Thành không chỉ khắc phục được những khó khăn về giao thông mà còn đi đầu trong công tác chống mặn của tỉnh An Giang.

Nhiều người nói nôm na rằng Bình Thành là "tiền phương" anh hùng trong chống mặn của "chiến trường mặn" Thoại Sơn. Thế nên, trong những vụ mùa bội thu của huyện Thoại Sơn, Bình Thành đã góp phần không nhỏ cho những cánh đồng lúa vàng bông trĩu hạt… Vùng đất ngọt lành của Bình Thành đang ngày ngày thay da, đổi thịt. Các dòng kênh chở nước vào đồng hối hả cho những mùa lúa vàng đồng.


Trên đường từ xã Bình Thành quay về TP Long Xuyên, tôi chợt nhớ hình ảnh ghe thuyền chạy dọc kênh Thoại Hà, tiếng máy nổ từ xa xăm vọng lại. Tựa như bên tôi vẫn là dòng kênh chở những cánh lục bình vừa trôi vừa trổ bông. Hình như đất đang chuyển mình cho những mùa cây xanh trái ngọt.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo