xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bức bí không gian công cộng ở TP HCM (*): Chuyên gia hiến kế

LÊ VĨNH - ANH VŨ ghi

Để giải bài toán về mảng xanh và không gian công cộng, nhiều chuyên gia đã đóng góp những ý kiến tâm huyết với mong muốn từ đó cơ quan chức năng đưa ra các giải pháp tối ưu

Tiến sĩ - kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN:

Ưu tiên cho chiến lược tăng không gian xanh

TP HCM đang thiếu không gian công cộng, đặc biệt là không gian xanh, đồng thời chất lượng không gian xanh của TP HCM cũng ở mức khá yếu khi bị lấn chiếm để làm bãi giữ xe, kinh doanh... Chủng loại cây xanh cũng không phong phú, không gian mặt nước gắn kết với không gian xanh cũng bị xâm hại bởi các hoạt động lấn chiếm kênh rạch.

Một nghịch lý đang diễn ra là TP HCM có rất nhiều cơ hội để phát triển không gian xanh nhưng lại chưa chú tâm. Vì vậy, nhà chức trách quản lý đô thị cần phải ưu tiên đặt chiến lược tăng không gian xanh lên hàng đầu, đặc biệt là trong bối cảnh đang làm lại quy hoạch TP HCM.

Cụ thể, TP HCM nên tổ chức lại không gian xanh ven sông, ven kênh và kết nối các không gian này lại với nhau. Cần làm những tuyến công viên gắn với không gian mặt nước dọc hai bên bờ sông Sài Gòn hoặc các kênh như Nhiêu Lộc, Tàu Hủ, Bến Nghé... Những điểm này liên hoàn và kết nối với nhau, người dân có thể chạy bộ, đạp xe dọc theo các mảng xanh để đi khắp trung tâm thành phố. Nếu làm tốt điều này không chỉ tạo ra không gian công cộng phục vụ đời sống người dân mà còn có thể phát triển các dự án dịch vụ - thương mại dọc theo các khu vực ấy, từ đó đem lại cho nhà nước nguồn thu để tiếp tục nâng cấp chuỗi không gian xanh.

Ông VŨ TOẢN, TS triết học - thạc sĩ xã hội học chuyên về các vấn đề đô thị và khoa học quản lý, Trường ĐH KHXH-NV - ĐHQG TP HCM:

Quy hoạch đô thị gắn với kinh tế - xã hội - văn hóa

Mảng xanh đô thị không đơn giản chỉ là lá phổi điều hòa sự sống, mà cần được hiểu ngoài cây xanh còn là sự thân thiện, hướng về một cộng đồng có lối sống lành mạnh, quan hệ xã hội ấm áp, giàu lòng nhân ái.

Trước đây, khi TP HCM chưa diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh như bây giờ, mỗi buổi chiều trên những bãi đất trống, mọi người tụ tập đá bóng, đánh cầu, thả diều... Ai cũng có thể tham gia vào không gian đó. Nay thì mọi thứ bị thu hẹp, thậm chí trở nên xa xỉ với giới bình dân.

Thiếu không gian cho sự vận động thể chất lành mạnh, nhiều người dần rời xa giới tự nhiên, đời sống tinh thần của họ đắm mình theo các trang mạng xã hội. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nghèo nàn trong đời sống tinh thần và vận động thể chất. Sự khu biệt trong môi trường mang tính nhân tạo cao khiến họ cảm thấy hài lòng trong "hạnh phúc cô đơn". Các mối quan hệ cộng đồng có thể lỏng lẻo dần, thiếu chiều sâu.

Bức bí không gian công cộng ở TP HCM (*): Chuyên gia hiến kế - Ảnh 1.

Công viên đường số 9 Linh Trung, TP Thủ Đức chỉ rộng chừng 300 m2 - nơi người dân tìm tới sau ngày làm việc vất vả Ảnh: ANH VŨ

Chính hố sâu của sự biến đổi xã hội và những hình thức chiếm lĩnh không gian kiểu mới này đã tiếp tục làm gia tăng khác biệt xã hội. Lý do này dẫn tới sự thiếu vắng tình yêu thương, làm nhân rộng những căng thẳng, bất lực và xung đột trong đời sống cá nhân và xã hội.

Vì vậy, quy hoạch đô thị phải gắn quy hoạch tổng thể kinh tế - văn hóa - xã hội. Thực hiện quy hoạch cần chú ý tới các nhóm xã hội dễ bị tổn thương; đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức cho mọi người về ý thức bảo tồn và mở rộng mảng xanh không gian đô thị. Ngoài ra, phải minh bạch thông tin và trả lại không gian công cộng nếu chúng bị chiếm dụng.

Bên cạnh đó, dành một phần ngân sách nhà nước kết hợp với việc huy động các nguồn lực xã hội cùng kiến tạo môi trường. Chính quyền và các tổ chức xã hội cần chủ động hơn trong việc trợ giúp, cùng người dân sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho phát triển không gian xanh trong lòng đô thị. Khi "sống xanh" trở thành bản sắc, một xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện và đáng sống thì sẽ thu hút nguồn lực ở khắp nơi đổ về làm cho môi trường sống đô thị trở nên tốt đẹp hơn.

Kiến trúc sư NGUYỄN ĐÌNH HÒA:

Không gian xanh tạo nên lối sống xanh

Các quy hoạch cần điều chỉnh theo hướng chú trọng việc khai thác hiệu quả không gian và hiệu quả sử dụng đất xung quanh những khu công viên. Nên hợp nhất các dự án công viên cây xanh (vốn trước đây trông chờ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách) và dự án nhà ở, thương mại - dịch vụ (đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa) trở thành dự án phức hợp trung - cao tầng. Khu dân cư kết hợp công viên cây xanh sẽ giúp thu hút tối đa sự đồng thuận của cộng đồng và nguồn vốn đầu tư xã hội hóa.

Bằng cách làm này, TP HCM sẽ gia tăng đáng kể diện tích công viên cây xanh. Khi dự án công viên cây xanh đã được hình thành, nên tối đa việc miễn phí sử dụng bằng cách mời gọi các doanh nghiệp tài trợ dụng cụ tập thể dục thể thao, khu vui chơi cho trẻ em với chất lượng cao.

Về vấn đề "trễ hẹn" thậm chí "thất hứa" trong việc cung cấp các tiện ích tại nhiều chung cư, cần nghiên cứu để có biện pháp chế tài cụ thể, hữu hiệu của cơ quan quản lý nhà nước đối với các đơn vị phát triển dự án nhằm bảo đảm các tiện tích công cộng (công viên cây xanh, hồ bơi, khu vui chơi trẻ em, khu thương mại - dịch vụ...) phải được hoàn thành, bàn giao đầy đủ.

Nơi tương tác tuyệt vời

Công viên dành cho người dân tại TP HCM thiếu, thư viện hay những hình thức giải trí khác tại nhà văn hóa thì nghèo nàn, các tiện ích trong chung cư không đáp ứng nhu cầu... Đó là cảm nhận của nhiều người khi được hỏi. Họ có thể dẫn con cháu đến phố đi bộ, công viên, điểm văn hóa lớn để vui chơi nhưng khi về khu phố đang sinh sống, tìm mỏi mắt cũng khó thấy nơi để có thể đánh cầu, hóng mát, đi bộ tập thể dục...

Hơn 10 năm sống tại TP HCM, các địa điểm không còn xa lạ với tôi nên cũng thấu hiểu phần nào sự thoải mái hay bức bí về không gian công cộng sau nhiều lần chuyển chỗ ở. Thực tế, thành phố có sự phân bố không đồng đều các địa điểm dành cho người dân thư giãn, giải trí. Thực trạng này không xuất phát từ những văn bản quy hoạch, bởi quy hoạch đô thị bao giờ cũng có chỉ tiêu về độ phủ của mảng xanh, về diện tích dành cho khu vực công cộng cũng như những tiện ích mà những nơi này mang lại.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch tại mỗi địa phương thì mối quan tâm cho việc phát triển không gian công cộng, đời sống văn hóa hay kinh tế cũng theo thứ tự ưu tiên khác nhau. Có nơi quản lý tốt mảng không gian công cộng, nhà văn hóa, công viên; cũng có nơi bỏ mặc.

TP HCM là đô thị phát triển và sẽ tiếp tục phát triển lớn mạnh hơn. Quá trình này mang đến sự hiện đại, đổi mới. Dù đô thị hóa đến mức nào, dù tấc đất tấc vàng thì cũng rất cần đặc biệt quan tâm đến không gian công cộng, những điểm sinh hoạt cộng đồng ở các khu dân cư bởi đó chính là nơi nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi, giải trí và tương tác xã hội tuyệt vời; nhờ đó con người trở nên gắn bó, cảm giác thuộc về và có trách nhiệm với cộng đồng ấy, nơi chốn ấy sẽ được hình thành.

Ngọc Kỳ

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-6

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo