xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ

Văn Duẩn

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là một kỳ tích tiêu biểu cho tầm cao trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam cũng như truyền thống và hào khí Thăng Long - Hà Nội văn hiến, anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử

Thắng lợi của chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 là trận quyết chiến chiến lược đánh bại sức mạnh của không lực Mỹ, thực hiện mục tiêu chiến lược của Bác Hồ là "đánh cho Mỹ cút", tạo thế và lực cho quân và dân ta hơn 2 năm sau đó tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đánh cho "ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Làm chủ thế trận

Trung tướng Lê Huy Vịnh, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, khẳng định như trên tại hội thảo khoa học "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trên mặt trận đối không" do Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân tổ chức mới đây. Theo Trung tướng Lê Huy Vịnh, thắng lợi vĩ đại của chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" kết tinh sức mạnh của quân và dân; là chiến thắng của "thế trận chiến tranh nhân dân".

Dẫn các cứ liệu lịch sử, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cho biết năm 1972, do thất bại trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã điên cuồng leo thang chiến tranh đánh phá trở lại miền Bắc. Ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon phê chuẩn chiến dịch quân sự Linebacker II, huy động 193 máy bay B-52, gần 1.000 máy bay chiến thuật, điều động thêm 2 tàu sân bay, 2 tàu khu trục dẫn đường vào vịnh Bắc Bộ với mục tiêu đánh phá miền Bắc.

Một trong những công việc quan trọng nhất đã được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo quyết liệt và hết sức thành công là sơ tán dân. Do vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Hà Nội đã sơ tán gần 50 vạn dân và hàng ngàn cơ quan, xí nghiệp, trường học ra khỏi các mục tiêu đánh phá của không lực đế quốc Mỹ. Toàn quân và dân Hà Nội đồng lòng xây dựng một hệ thống 45.000 km hào giao thông, 5.600 hầm tập thể, hơn 63 vạn hố cá nhân bảo đảm đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người.

Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ - Ảnh 1.

Xác máy bay B-52 bị quân và dân thủ đô bắn rơi xuống hồ Hữu Tiệp (quận Ba Đình, Hà Nội) vào đêm 27-12-1972. Nơi đây trở thành di tích lịch sử Ảnh: Huy Thanh

Đặc biệt, Hà Nội đã chủ động phối hợp với các lực lượng phòng không quốc gia và nhân dân các tỉnh - thành lân cận, xây dựng "lưới lửa" phòng không nhân dân của 3 thứ quân với mọi vũ khí từ thông thường đến hiện đại, phát động toàn dân đánh máy bay địch, bắt giặc lái và phục vụ chiến đấu. Trong đó, khoảng 54.000 chiến sĩ với trên 500 súng trung liên, đại liên, súng máy đã được bố trí ở 295 trận địa cả nội, ngoại thành. Mỗi khu phố nội thành có một đại đội pháo cao xạ, được huấn luyện kỹ chiến thuật đón đánh máy bay địch… Một "vòng cung lửa" đã giăng khép kín cả về tầm cao và phạm vi rộng lớn, làm chủ thế trận đánh địch trên bầu trời Hà Nội.

Ông Hoàng Trung Hải đúc kết nhờ xây dựng một thế trận vững chắc như vậy, trong suốt 12 ngày đêm rực lửa Hà Nội, quân và dân thủ đô hoàn toàn chủ động đối phó, không bị bất ngờ, kiên trì chiến đấu để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Bản hùng ca bất diệt

Thượng tướng Phan Văn Giang - Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - nhấn mạnh khi đánh giá về tầm vóc, ý nghĩa của chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", Đảng ta khẳng định: "Đây là chiến dịch phòng không đạt mức tiêu diệt cao nhất, oanh liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc cũng như trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta".

Trung tướng Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nêu rõ chiến thắng vĩ đại này khiến dư luận thế giới ngỡ ngàng, thán phục bởi ý chí quật cường và lòng dũng cảm vô song, của trí tuệ và tài năng quân sự, của trí thông minh, sáng tạo, dám đánh và quyết thắng Không quân Mỹ của quân và dân Việt Nam.

Tại hội thảo khoa học: "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Bản hùng ca bất diệt", do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 18-12 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định thắng lợi của chiến dịch đánh dấu mốc son chói lọi, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta. Đây là một kỳ tích tiêu biểu cho tầm cao trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam cũng như truyền thống và hào khí Thăng Long - Hà Nội văn hiến, anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử.

Cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12-1972 của đế quốc Mỹ là một cuộc ném bom hủy diệt vô cùng man rợ. Trong 12 ngày đêm rực lửa, Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương ở miền Bắc đã phải hứng chịu hơn 80.000 tấn bom đạn. Riêng thủ đô Hà Nội, Mỹ sử dụng 441 lượt máy bay B-52 cùng hàng ngàn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người. Bất kỳ cuộc chiến nào cũng để lại nhiều tang thương, mất mát nhưng theo Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Phạm Tuân, chính tinh thần chiến đấu quật cường của quân và nhân dân ta đã bẻ gãy ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ.

"Điều quan trọng nhất, cốt lõi nhất là sự sáng suốt của Đảng, của Bộ Chỉ huy tối cao khi đánh giá đúng tương quan giữa ta và địch; phán đoán trước địch sẽ dùng B-52 sẽ đánh vào Hà Nội nên có sự chuẩn bị lực lượng. Ngoài ra, chúng ta đã xây dựng lực lượng, con người với bản lĩnh, ý chí và trí tuệ. Nhân tố cuối cùng là nhờ có sự hợp đồng tác chiến, thế trận chiến tranh nhân dân, sự phối hợp tác chiến quân binh chủng đã tạo nên sức mạnh tổng thể" - Anh hùng Phạm Tuân đúc kết. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-12

Tổn thất lớn của Mỹ

Trong 12 ngày đêm Mỹ rải bom, chúng ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, gồm 34 chiếc B-52; 5 máy bay F111, 1 máy bay lên thẳng HH.53, 1 máy bay trinh sát, 40 máy bay chiến thuật. Trong đó quân và dân thủ đô đã bắn rơi 30 máy bay Mỹ, bao gồm 23 chiếc B-52, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Đây được coi là tổn thất lớn chưa từng thấy của Mỹ khi thông thường trong những trận tập kích đường không lớn, tỉ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công chỉ khoảng 1%-2% nhưng trong chiến dịch này, tỉ lệ tổn thất về máy bay của Mỹ, chỉ tính riêng B-52 đã lên tới 17% (34/193 chiếc).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo