Kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 21-4, đối với mặt hàng gạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bám sát tinh thần xuất khẩu gạo có kiểm soát, đảm bảo an ninh lương thực và quyền lợi cho người nông dân, chấn chỉnh những lệch lạc vừa qua, xử lý nghiêm sai phạm; mua đủ dự trữ và đảm bảo quyền lợi của người nông dân sản xuất lúa, đặc biệt đối với người dân đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Trước đó, phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng nói rõ vì sao có chủ trương xuất khẩu gạo có kiểm soát. Bởi, một số nước xuất khẩu gạo lớn gặp khó khăn trong khi một số nước gia tăng nhu cầu nhập khẩu gạo. Do đó, nếu không có sự quản lý, để cho thị trường tự do thì dẫn tới tình trạng tư thương mua vét, xuất khẩu vì quyền lợi trước mắt. Nhắc lại câu chuyện người dân từng đổ xô đi mua tích trữ gạo (sau khi công bố ca nhiễm Covid-19 số 17), Thủ tướng cho rằng khi đó, nếu không cơ số dự trữ thì không thể ổn định tình hình. Do đó, cần có biện pháp quản lý giá lương thực trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của nông dân trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, không để xảy ra tình trạng khan hiếm lương thực. "Đẩy mạnh xuất khẩu, đúng. Tự do lưu thông, càng đúng hơn. Nhưng dự trữ Nhà nước, dự trữ trong dân, gối đầu vụ rất quan trọng" - Thủ tướng nói.
Kết luận chung về điều hành giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ có thể hoàn toàn kiểm soát được mục tiêu lạm phát năm nay (kiểm soát tốc độ giá tiêu dùng dưới 4% theo Nghị quyết của Quốc hội). Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì cùng các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, tiếp tục rà soát, hoàn thiện kịch bản, phương án điều hành giá từng sản phẩm, từng mặt hàng để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI dưới 4% trong năm 2020.
Cho rằng giá thịt heo hơi hiện tăng hơn 90.000 đồng/kg là "quá đáng", Thủ tướng đặt vấn đề, "người dân chăn nuôi có hưởng không hay chỉ một bộ phận được hưởng", nêu rõ tình trạng trung gian chiếm tỷ lệ quá cao. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra kéo giảm giá loại mặt hàng này với mục tiêu là sớm giảm giá thịt heo xuống khoảng 60.000 đồng/kg.
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường kiểm tra khâu giá thành và giá bán, đặc biệt là khâu trung gian, từ doanh nghiệp chăn nuôi đến thương lái, vận chuyển, giết mổ kiểm duyệt và đưa vào thị trường chợ đầu mối, sao cho đảm bảo lợi ích của các khâu. "Nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi phải xử lý theo quy định pháp luật" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đi liền với việc tăng nguồn cung ứng trong nước, tăng nhập khẩu để đảm bảo cân đối cung cầu thịt heo cả trước mắt và lâu dài.
Về giá xăng dầu, Bộ Công Thương chủ trì cùng các bộ khẩn trương rà soát, hoàn thiện, trình ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu. Vấn đề này đặt ra từ cuối nhiệm kỳ trước nhưng đến nay, gần 5 năm chưa xong, Bộ Công Thương cần rút kinh nghiệm vấn đề này. Các bộ, trước hết là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá dầu thô, có kịch bản, phương án điều hành cụ thể giá xăng dầu kết hợp hiệu quả công cụ quỹ bình ổn giá, không để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và mặt bằng giá nói chung.