xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuốn sách sử nhiều sai sót

Bài và ảnh: Kiều Mai Sơn

Thiếu tướng - PGS Lê Văn Chiểu, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, hiện còn sống mà cuốn “Văn quan võ tướng xứ Thanh” viết ông đã mất từ năm 2008

“Văn quan võ tướng xứ Thanh”, NXB Thế giới (2016), đứng tên tác giả Trần Văn Thịnh (với sự cộng tác của: Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Kim Chung, Hà Văn Khai), được đánh giá là cuốn sách giá trị, công trình nghiên cứu công phu, bổ ích và lý thú. Nhưng thực tế thì không như vậy.

Suy diễn

Trang 671-672 cuốn “Văn quan võ tướng xứ Thanh” viết về danh tướng Trần Bình Trọng (1259-1285) như sau: “Trong Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ, quyển 5) có ghi Trần Bình Trọng vốn là dòng dõi của Lê Hoàn. Ông và cha làm quan dưới thời Trần Thái Tông (1226-1258), vì có công nên được ban quốc tính họ Trần. Xét trong sử cũ, Lê Tần (Lê Phụ Trần) là dòng dõi của Lê Hoàn, có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất. Phải chăng Trần Bình Trọng là hậu duệ của Lê Tần (sử cũ không chép rõ tên ông và cha của Trần Bình Trọng)… Về sau, con cháu cũng nối được chí lớn của ông. Trong đó, người làm rạng danh hơn cả là danh tướng Trần Khát Chân”.

Về Trần Bình Trọng, trong cuốn “Nhà Trần và con người thời Trần” (Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình; xuất bản năm 2010), nhà nghiên cứu Trần Hồng Đức viết: “Ông (Trần Bình Trọng - PV) dòng dõi vua Lê Đại Hành, đời ông nội làm quan dưới triều Trần Thái Tông, có nhiều công lao được vua ban quốc tính họ Trần, quê ông ở xã Bảo Thái (nay thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam)” (tr. 561).


Thiếu tướng Lê Văn Chiểu và tác giả tại nhà riêng ngày 30-3-2017

Thiếu tướng Lê Văn Chiểu và tác giả tại nhà riêng ngày 30-3-2017


Sách “Văn quan võ tướng xứ Thanh

Sách “Văn quan võ tướng xứ Thanh"

Như vậy, điều đầu tiên được khẳng định: quê của Trần Bình Trọng là xã Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, chứ không phải ở Thanh Hóa. Điều thứ hai, sử cũ không chép rõ tên ông nội và cha đẻ của Trần Bình Trọng nên không thể đoán mò Trần Bình Trọng là hậu duệ của Lê Phụ Trần. “Đại Việt sử ký toàn thư”, quyển V, kỷ Nhân Tông hoàng đế có đoạn viết: “Bình Trọng dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thụy Bảo, do ông cha làm quan đời Trần Thái Tông nên được cho quốc tính nhà họ Trần”.

“Việt sử tiêu án” của Ngô Thì Sĩ viết vào thế kỷ XVIII cũng có nhắc tới Trần Bình Trọng trong kỷ Nhân Tông hoàng đế rằng: Trần Bình Trọng là con cháu vua Lê Đại Hành, làm quan dưới triều Trần, được đổi họ Trần, phong làm Bảo Nghĩa Vương.

Còn danh tướng Trần Khát Chân được ghi chép trong kỷ Thuận Tông (vua Trần Thuận Tông) của sách “Việt sử tiêu án” như sau: “Khát Chân người Hà Lương, huyện Vĩnh Phúc, khi đem ra hành hình thì lên núi Đốn Sơn kêu to 3 tiếng... Hiện còn có đền thờ, khi gặp đại hạn, cầu đảo tất được linh ứng”.

Theo “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục” (Cương mục), địa danh Đốn Sơn thuộc xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Sách “Đại Nam nhất thống chí” cho biết địa danh Đốn Sơn là gia hương (quê nhà) của tướng Trần Khát Chân, địa phương có cả thảy 29 đền thờ Trần Khát Chân.

Vẫn sách Cương mục, chính biên, quyển VII, ghi chép rất ngắn về hành trạng của Trần Bình Trọng như sau: “Trần Bình Trọng là con cháu Lê Đại Hành, ông cha Bình Trọng làm quan dưới triều Trần Thái Tông, được ban cho quốc tính”.

Từ thông tin của các nguồn sử liệu nêu trên cho thấy không có tư liệu nào chứng minh mối quan hệ huyết thống giữa tướng quân Lê Tần (Lê Phụ Trần) với Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng. Đồng thời, cũng không có căn cứ để khẳng định danh tướng Trần Khát Chân là hậu duệ của Trần Bình Trọng.

Các chính sử và tư sử bao gồm “Việt sử lược”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử tiêu án”, “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục” đều không nhắc tới chi tiết tướng Lê Tần là hậu duệ của hoàng đế Lê Đại Hành. Do đó, không thể dùng “tam đoạn luận” để suy ra Trần Bình Trọng là con cháu của Lê Tần như cách diễn giải trong cuốn sách “Văn quan võ tướng xứ Thanh”, NXB Thế giới (2016) được.

Khiếm nhã, thất thố

Tại trang 935, sách “Văn quan võ tướng xứ Thanh” đã sai trầm trọng khi viết về Thiếu tướng - PGS Lê Văn Chiểu, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự). Ông Chiểu nguyên là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, một trong những nhà khoa học được nhà nước phong học hàm PGS đợt đầu tiên ở Việt Nam. Không hiểu các tác giả viết sách căn cứ vào đâu mà khẳng định: “Thiếu tướng Lê Văn Chiểu từ trần năm 2008, tại Hà Nội”.

Ngày 30-3-2017, người viết bài này tới thăm Thiếu tướng Lê Văn Chiểu tại nhà riêng (phố Đào Tấn, quận Ba Đình, Hà Nội). Ông khỏe mạnh, minh mẫn. Gia đình ông rất đỗi ngạc nhiên khi trong cuốn sách “Văn quan võ tướng xứ Thanh” viết ông đã từ trần từ năm 2008.

Bình luận về điều này, nhà báo - nhà văn Lê Tấn Hiển (Hội Nhà văn Việt Nam) cho rằng: Thứ nhất, việc đọc duyệt (biên tập) quá ẩu, tắc trách và hạn chế (nếu không muốn dùng chữ kém) về chuyên môn. Điều này khiến độc giả nghĩ cuốn sách không hề được kiểm định nội dung trước khi in. Thứ hai, NXB Thế giới quá trông cậy, phó thác vào người chủ biên và nhóm biên soạn nên không hỏi họ lấy số liệu từ nguồn nào? Nguồn ấy có đáng tin và khả dĩ sử dụng được không? Thứ ba, có sự khiếm nhã, thất thố và vô lễ khi đã có người chỉ ra lỗi, biết rõ lỗi mà vẫn không có một lời xin lỗi đối với nhân vật trong sách. Cuối cùng, sách in nói chung khó tránh sai sót, lỗi câu chữ, chính tả... nhưng sai sót về số liệu, nhất là năm sinh, năm mất, cần hết sức cẩn trọng, đặc biệt với các nhân vật vẫn còn sống. Trong cuốn sách cụ thể này, vô hình trung, NXB Thế giới, nhóm biên soạn gồm tác giả Trần Văn Thịnh và các cộng sự Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Kim Chung, Hà Văn Khai đã xúc phạm gia đình, thân nhân và chính nhân vật được nhắc đến trên trang sách.

Những lời khen “có cánh”

Ông Trần Đoàn Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Thế giới, cho biết đơn vị này sẽ trao đổi với tác giả để kiểm tra và xác minh những thông tin nêu trên và sẽ có phản hồi trong thời gian sớm nhất.

Trong Lời giới thiệu sách “Văn quan võ tướng xứ Thanh” do GS - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu viết ngày 2-9-2014 đánh giá đây là cuốn sách giá trị, công trình nghiên cứu công phu, bổ ích và lý thú. Cụ thể, GS Vũ Khiêu viết: “Sách được biên soạn, thẩm định công phu, cung cấp được nhiều tư liệu, tài liệu quý giá cho việc tìm hiểu xứ Thanh, tìm hiểu nhân vật lịch sử, hiện tượng lịch sử, thể hiện rõ trách nhiệm, tâm huyết của người cầm bút”.

Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trong bài tựa viết tại Hà Nội, ngày đầu thu năm Giáp Ngọ 2014, cũng nhận định: “Văn quan võ tướng xứ Thanh” là cuốn sách nghiên cứu công phu, bổ ích và lý thú.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo