xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trọn vẹn một chữ Tâm

Hoài Thương

Trên giường điều trị Covid-19, qua điện thoại, bác sĩTrịnh Hữu Nhẫn cố gắng nén những cơn ho, tận tình hướng dẫn cho người bệnh dùng thuốc. Đến những giây phút cuối đời, ông vẫn không quên cứu người

Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn nguyên là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP HCM. Ngày 4-8, ông qua đời trong quá trình tham gia chống dịch Covid-19.

Trọn vẹn một chữ Tâm - Ảnh 1.

Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (giữa) di chuyển bằng ghe để lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng

Tự tìm đến với người bệnh

Đã hơn 1 tháng kể từ ngày bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn mất, mỗi ngày bà Thân Ngọc Hương (62 tuổi, vợ bác sĩ Nhẫn) vẫn nhận được những lời chia buồn, động viên của người dân ở xã Phước Lộc cũng như các cấp lãnh đạo địa phương, thành phố và trung ương.

Bà Hương nhớ lại: Sau khi tốt nghiệp y sĩ vào năm 1982, ông Nhẫn tình nguyện đến Cần Giờ để chăm sóc sức khỏe cho Lực lượng Thanh niên xung phong và những người học tập cải tạo tại đây. Bà và ông gặp nhau ở đó rồi nên duyên vợ chồng. Năm 1984, ông nhận nhiệm vụ Trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè. Bà khăn gói theo ông về đây xây tổ ấm. Vợ chồng bà sống trong khu nhà tập thể sát vách trạm y tế.

Thời ông bà mới về xã đảo Phước Lộc, ở đây nổi tiếng với "3 không" (không điện, không đường, không nước sạch), người dân còn túng thiếu với cơm ăn áo mặc, nghĩ đến việc được chăm sóc y tế như một điều xa xỉ. Không ít người bệnh đã mất trên đường đến trạm y tế, giữa mênh mông sóng nước.

Trước hoàn cảnh đau lòng đó, ông Nhẫn trăn trở, quyết tâm học chèo xuồng, vững tay chèo để tự tìm đến với người bệnh. Thời ấy, cả xã chỉ có một nữ hộ sinh. Xã nghèo, đi lại đều bằng xuồng ghe. Khó khăn vậy nên chẳng thể giữ chân được người trẻ. Từ đó, ông Nhẫn vừa khám bệnh vừa trở thành nam hộ sinh bất đắc dĩ của cả vùng.

"Đang ăn cơm nhưng nghe người dân đến báo có ca cần cấp cứu là ổng bỏ chén, xách túi thuốc đi liền. Nửa đêm, tại trạm có sản phụ vỡ ối, ổng tất bật đỡ đẻ. Trạm thiếu người nên tôi xắn tay vào phụ cầm đèn dầu rọi sáng. Trước ngọn đèn dầu, ổng đã giúp hàng trăm đứa trẻ và sản phụ được mẹ tròn con vuông. Nhiều lần sản phụ chuyển dạ bất ngờ nên không thể tới được trạm. Thế là giữa khuya khoắt mưa gió, ổng theo người ta lên ghe. Trên ghe, hai người và một chiếc đèn vượt sóng gió lao đi, đến rạng sáng mới trở về. Ổng mệt, đuối nhưng miệng cười rất tươi, rồi khoe "đứa nhỏ cưng lắm". Ông vui, tôi cũng vui lây!" - bà Hương nghẹn ngào.

Trọn vẹn một chữ Tâm - Ảnh 2.

"Bà con còn nghèo, tôi ở lại để giúp..."

Nhiều người dân ở đây nói với tôi họ ví bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn như ngọn lửa tinh thần, bởi từ ngày ông cắm chốt tại xã đảo thì người dân yên tâm hơn, vui hơn, khỏe hơn. Ông đem y tế đến từng nhà dân. Những người già neo đơn, tật nguyền, bà mẹ Việt Nam anh hùng được ông xem như người thân, năng lui tới săn sóc thường xuyên. Gặp người bệnh ngặt khó, ông bỏ tiền túi mua thuốc, động viên họ vượt lên nghịch cảnh. Ông giúp những đứa trẻ khỏe mạnh chào đời.

Từ năm 1990, xã Phước Lộc có điện lưới về, rồi đường sá, nước máy… Đời sống người dân khấm khá hơn trước. Nhưng so với sự phát triển chung của TP HCM thì cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn nên khó giữ chân được nhân sự. Tại Trạm Y tế xã Phước Lộc, nhiều nhân viên chỉ làm việc được vài năm rồi xin luân chuyển đến nơi khác hoặc chuyển đổi lĩnh vực có cơ hội phát triển cao hơn. Người đi, người về đã nhiều dịp nhưng bác sĩ Nhẫn vẫn thủy chung với trạm, tiếp tục làm điểm tựa cho người dân xã đảo.

Bà Hương hồi ức: "Sau khi ổng học chuyên tu lên bác sĩ đa khoa, vừa tốt nghiệp đã có người mời về làm tại một bệnh viện lớn. Một lần khác, có người bạn ngỏ ý mời về công ty làm nhưng cả hai lần ổng đều nhẹ nhàng từ chối. Tôi hỏi vì sao, ổng chỉ nói "Bác sĩ trẻ thì không chọn về đây. Bà con mình còn nghèo, tôi ở lại giúp được việc gì thì giúp". Vậy là ở lại".

"Tôi hiểu ổng đã coi trạm y tế như nhà của mình, coi người dân nơi đây như người thân nên không nỡ rời đi. Bao nhiêu cơ hội ổng đều từ bỏ mà không một chút đắn đo suy nghĩ" - bà Hương kể tiếp về chồng.

Từ tháng 4-2021, Covid-19 bùng phát trở lại ở TP HCM, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn cùng các nhân viên y tế tại Trạm Y tế xã Phước Lộc lao vào chống dịch. Cuối tháng 5, huyện Nhà Bè bắt đầu xuất hiện những ca bệnh trong cộng đồng. Bác sĩ Nhẫn thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của xã Phước Lộc, ngày đêm cùng đội ngũ tuyến đầu thực hiện công tác tuyên truyền các biện pháp chống dịch, lấy mẫu, truy vết ca bệnh trong cộng đồng.

Thời điểm đó, chỉ còn 4 tháng nữa là bác sĩ Nhẫn nghỉ hưu. Tuổi cao và nhiều năm mang căn bệnh cao huyết áp khiến sức khỏe ông giảm sút. Là vợ, bà Hương không tránh khỏi lo lắng. Đã 2 lần bà khuyên ông nghỉ để lớp trẻ, khỏe chống dịch nhưng ông đều gạt đi.

"Ổng nói đợt dịch này gay go lắm, tình hình phức tạp nên phải ráng cùng anh em đưa bình yên trở lại cho người dân. Đợt cao điểm, ổng ở luôn tại trạm y tế để ngày đêm chống dịch. Rồi sau đó ổng nhiễm virus, cả gia đình tôi cũng mắc bệnh, được đưa vào Bệnh viện Dã chiến số 6" - bà Hương nói trong nước mắt.

Trọn vẹn một chữ Tâm - Ảnh 3.

Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn khám bệnh định kỳ cho học sinh tiểu học trên địa bàn xã Phước Lộc, huyện Cần Giờ, TP HCM. (Ảnh tư liệu của gia đình bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn)

Thầy thuốc như mẹ hiền

Các y - bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến số 6 kể khi bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn vào đây, dù được yêu cầu nghỉ ngơi để tập trung điều trị vì ho nhiều, mệt nhưng khi tỉnh táo, ông lại đòi cầm điện thoại để xem có tin nhắn hay cuộc gọi nào của người bệnh từ xã Phước Lộc không. Hễ có là ông lại xin phép đồng nghiệp được hồi âm. Ông kìm nén từng cơn ho, hướng dẫn kỹ càng từng loại thuốc, liều lượng cho bà con. Ông nói chỉ có thế thì ông mới an tâm để điều trị... Tiếc là tình trạng bệnh của ông ngày càng trở nặng.

Ngày 4-8, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn qua đời tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức). Ông được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định truy tặng Huân chương Lao động hạng ba cho "Nhân viên y tế có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP HCM".

Dược sĩ Trần Thị Kim Trang, Phó trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, bày tỏ: "12 năm tôi làm việc tại trạm, luôn được bác sĩ Nhẫn động viên, khích lệ. Chúng tôi quý mến, kính trọng anh như người anh cả trong gia đình đã sống và cống hiến trọn vẹn cho nghề nghiệp với một chữ Tâm. Từ ngày mất thủ lĩnh, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt nhân sự chỉ còn 4 người, không có bác sĩ. Sau đó, may mắn được một nhóm bác sĩ quân y chi viện nên hiện nay, mọi mũi nhọn phòng chống dịch trên địa bàn vẫn được giữ vững".

Bác sĩ Trần Văn Tám, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, nhận xét: "Tính đến nay, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn đã cống hiến cho ngành y gần 40 năm. Đối với chúng tôi, anh vừa là một người anh, người bạn vừa là đồng nghiệp đáng quý. Trong gần 40 năm vượt khó cống hiến cho ngành y, anh đã có thành tích xuất sắc, được nhận nhiều sự tuyên dương từ các cấp. Nhưng điều đặc biệt chính là anh đã để lại những tình cảm ấm áp cho người dân, lưu lại hình ảnh cao đẹp về người thầy thuốc tận tụy với nghề, xứng đáng là "Lương y như từ mẫu". 

37 năm làm việc tại Trạm Y tế xã Phước Lộc, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn trở thành điểm tựa của người dân lúc bệnh tật, lúc khó khăn ngặt nghèo, được người dân thương mến, kính trọng.

CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ


Trọn vẹn một chữ Tâm - Ảnh 5.
Trọn vẹn một chữ Tâm - Ảnh 6.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo