Diễn ra trong không khí trang trọng, ấm áp, lễ tổng kết, trao giải và giao lưu "Người Thầy thuốc trong tôi" mang đến nhiều cung bậc cảm xúc: tràn đầy niềm vui và sự tự hào lẫn những khoảng lặng lay động tâm can, tạo dấu ấn khó phai mờ cho người tham dự.
Các tác giả đoạt giải, ban tổ chức, ban giám khảo cùng chụp hình lưu niệm với các vị khách mời, các bác sĩ và các đại diện đơn vị tài trợ, đồng hành
Thấm đẫm ân tình và lòng tri ân
Cuộc thi "Người Thầy thuốc trong tôi" được Báo Người Lao Động phát động từ tháng 8-2021, thu hút các cây bút chuyên và không chuyên ở trong và ngoài nước, thuộc nhiều độ tuổi, ngành nghề. Các đề tài đã được phát hiện và chuyển tải trong cuộc thi rất đa dạng. Bối cảnh các câu chuyện có thể từ thời chiến tranh đến thời bình, xây dựng đất nước; trong suốt thời gian phòng chống dịch Covid-19. Các bài dự thi thể hiện dưới dạng ký báo chí, ghi chép, phóng sự... khá sinh động. Có tác giả viết về vị lương y đã cứu mạng mình năm nào; có tác giả kể về người cha hay người bạn là bác sĩ quân y; tác giả khác ghi chép diễn biến ở điểm nóng; có người khắc họa nỗi đau của người ở lại trước sự ra đi bất ngờ của người thân khi tham gia chống dịch... Không gian trong những câu chuyện trải dài từ cực Nam như Cà Mau, Bạc Liêu đến cực Bắc của Tổ quốc, như Lào Cai, Hà Giang.
Nhìn lại chặng đường của cuộc thi, TS Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi - cho hay qua các bài dự thi, độc giả được biết tới những người thầy thuốc tầm vóc, danh tiếng hay những lương y, y sĩ bình dân ở khắp các làng quê, thôn bản xa xôi… Nhân vật là cá nhân hay tập thể đều là người thật - việc thật và họ đúng nghĩa là "Thầy thuốc như mẹ hiền". Sự tham gia của đông đảo bạn viết và chất lượng bài dự thi khá cao cho thấy cuộc thi đã bắt đúng mạch thời sự, chạm vào trái tim và cảm xúc của cộng đồng.
Các đại biểu dành một phút mặc niệm các y - bác sĩ... đã nằm xuống trong đợt chống đại dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, đánh giá cao Báo Người Lao Động đã sáng tạo và đầy nhân văn khi phát động, tổ chức cuộc thi. Ông nhấn mạnh: "Cuộc thi "Người Thầy thuốc trong tôi" có ý nghĩa lớn lao trong việc động viên, chia sẻ, tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ công tác trong ngành y. Qua cuộc thi, nhiều gương sáng cá nhân, tập thể ở TP HCM và các tỉnh, thành lần lượt được giới thiệu đến với công chúng cả nước. Không chỉ là những người trực tiếp "ra trận", họ còn là những nhân tố xuất sắc ở hậu tuyến, là những thầy thuốc ở khắp nơi, lặng lẽ cứu người, vì sức khỏe, tính mạng và sự bình an của người khác".
Vợ chồng anh Đinh Công Doanh và chị Hoàng Thị Chung (tỉnh Bắc Giang, đoạt giải khuyến khích với tác phẩm "Nơi đong đầy yêu thương") xúc động khi được cùng các tác giả và các lãnh đạo, y - bác sĩ đến từ nhiều nơi quây quần, kết nối trong chương trình và càng thấy có trách nhiệm sống tốt hơn. Ông Trần Trọng Trung (đoạt giải khuyến khích với tác phẩm "Dù vất vả vẫn yêu nghề y") thức dậy sớm từ 2 giờ để đón xe từ tỉnh Đồng Tháp lên TP HCM và là người có mặt đầu tiên ở Hội trường Báo Người Lao Động. Ông Trung cảm tác 4 câu thơ về cuộc thi mà ông cho là đầy tính trí tuệ và bổ ích: "Viết Người Thầy thuốc trong tôi/ Đong đầy cảm xúc, bồi hồi đắm say/ Lương y từ mẫu tràn đầy/ Hy sinh thầm lặng hăng say yêu nghề".
Tác giả Nghĩa Huỳnh (TP HCM, tác phẩm "Thầy thuốc trẻ xông pha nơi tuyến đầu") đang có chuyến công tác dài ngày ở nhiều tỉnh, thành song vội vã bay về TP HCM giữa đêm khuya để kịp dự buổi lễ. Tác giả tỏ lòng biết ơn cuộc thi là nhịp cầu nối để câu chuyện của mình đến với bạn đọc, góp thêm năng lượng tích cực cho nhiều người. Tác giả Phạm Đức Long (tỉnh Gia Lai) bộc bạch rằng giải thưởng là kỷ niệm đẹp trong đời cầm bút: "Hơn 30 năm tôi lăn lộn với đồng bào dân tộc thiểu số. Sự huyền ảo của miền đất Tây Nguyên tích tụ, dồn nén, đến lúc được cuộc thi này kích thích mới như chất men chuyển hóa thăng hoa, để tác phẩm "Nữ y tá trên đỉnh Kon Chiêng" thành hình!".
Tác giả Lê Thị Hiệp (tỉnh Bình Dương) là độc giả trung thành của Báo Người Lao Động. Năm ngoái, chị sinh con, ở cữ giữa tâm dịch An Phú - Thuận An - Bình Dương. Trang nhật ký khó xóa nhòa về lần vượt cạn sinh tử của chị ngập tràn sự thương quý những nhân viên y tế, những đoàn chi viện và đặc biệt là những người đi đầu như PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu.
Nối dài yêu thương, thắp hy vọng
Không chỉ tạo cơ hội cho người viết thể hiện tình cảm chân thành trước phẩm chất và việc làm cao đẹp của người thầy thuốc, chương trình đã dành sự tôn vinh xứng đáng đến các nhân vật, thân nhân các nhân vật trong một số tác phẩm đoạt giải.
Dược sĩ Trương Văn Đạt (nhân vật trong bài "Thầy thuốc trẻ xông pha nơi tuyến đầu") thổ lộ: "Tôi thấy mình nhỏ bé so với các nhân vật trong những bài viết ở đây. Cuộc thi giúp tôi biết đến những tấm gương sáng để noi theo và tiếp tục cống hiến. Tôi cũng thấu hiểu nhiều hơn về ý nghĩa, giá trị của cuộc sống và càng trân trọng sự bao dung, nghĩa tình của nhân dân ta".
Bà Thân Ngọc Hương (bìa trái), vợ cố bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn và bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ chồng cố nữ điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng, giao lưu tại lễ trao giải
Bà Thân Ngọc Hương, vợ của cố bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (nhân vật trong tác phẩm "Trọn vẹn một chữ Tâm"), không cầm được nước mắt khi xem đoạn video tái hiện những hình ảnh của chồng mình - người đã chiến đấu trong lằn ranh sinh tử vì một màu xanh yên bình cho quê hương.
Bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ chồng cố điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng (nhân vật trong bài "Nữ điều dưỡng quên mình giữa tâm dịch"), thấy ấm lòng và cảm động trước sự quan tâm dành cho gia đình mình.
Từ Hà Nội, PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, tham dự lễ bằng hình thức trực tuyến. "Cuộc thi "Người Thầy thuốc trong tôi" giúp chúng tôi vơi bớt áp lực khi được nhắc đến những cống hiến, hy sinh, cố gắng, nỗ lực của ngành, giúp củng cố niềm tin trong nhân dân đối với ngành y tế" - ông bày tỏ.
Chương trình cũng đã dành một phút mặc niệm những nhân viên y tế, các y - bác sĩ... đã nằm xuống trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.