Khi tuyết bắt đầu rơi cũng có nghĩa là Mạc Can thất nghiệp. Không có chương trình biểu diễn suốt cả mùa đông dài, ông hề già lui về sống trong căn phòng nhỏ. Và ở nơi đó, ông đã vùi mình với chữ.
Viết để giải tỏa nỗi buồn
Nghệ sĩ Mạc Can nói hai mùa đông ở xứ người, ông sống như một tu sĩ, ngày ngày cũng chỉ ra vào ngắm nhìn khung cảnh đìu hiu quen thuộc, buồn đến rã người. Và đó cũng là khoảng thời gian ông chỉ biết “viết, viết và viết. Viết để giải tỏa nỗi buồn, để quên mùa đông giá lạnh và cảm giác thui thủi cô độc trên đất khách”.
Mỗi sáng, Mạc Can thường ngồi bên khung cửa sổ nhìn ra khu vườn và con đường lúc nào cũng thưa vắng người lại qua. “Ngày nào cũng như ngày nào, tôi không hiểu nổi vì sao mình có thể chịu đựng được cảm giác cô độc triền miên như vậy suốt ngần ấy thời gian. Có lúc đã muốn về nhưng lại thấy mình chưa đủ trải nghiệm, lại muốn ở lại để xem mình sẽ còn thấy những gì, làm những gì trên đất khách” – nghệ sĩ Mạc Can nói. Và người bạn thân thiết cận kề của ông chính là chiếc máy tính xách tay – được một người bạn tặng và chỉ cho cách sử dụng trong những ngày đầu ông đặt chân lên đất Mỹ.
“Ông Can già” bây giờ đã hiện đại hơn, biết sử dụng máy tính xách tay để sáng tác. Ảnh: TIỂU QUYÊN
“Cứ đi ra đi vào, buồn là lại mở máy lên, gõ gõ. Nỗi hoài hương cứ cồn cào và những hình ảnh thân quen hiện lên rõ rệt, từng nơi chốn, từng khoảnh khắc, từng kỷ niệm. Tôi đưa tất cả vào trang viết. Hầu như tôi viết suốt vì nếu ngừng lại là thấy mình cô độc và tủi thân vô cùng. Nếu không có cái máy tính làm bầu bạn, chắc là tôi đã… chết rục vì buồn trên đất khách rồi” – tác giả của Bầy mèo vô sinh pha trò.
Nhà có bếp nhưng lão nghệ sĩ thường xuyên ăn đồ hộp và thức ăn nhanh đến mức giờ “nhìn thấy hamburger là sợ”. Thi thoảng thèm cơm, thèm “mùi cá kho” ông lại một mình lội bộ ra chợ, mua gạo, mua rau rồi về lủi thủi nấu ăn. Ăn cũng không ngon, chỉ thấy cồn lên nỗi nhớ. Buồn, lại ra vườn ngồi nặn tuyết, rồi đi dạo, chụp ảnh, tự đi tìm niềm vui cho chính mình trong những nỗi riêng mang.
Cái ô cửa nhỏ xíu trong căn phòng trọ ở vùng ngoại ô ấy ám ảnh ông suốt những năm tháng cô độc nhưng bây giờ nó lại là một nỗi nhớ - bởi vì bên ô cửa đó, ông đã từng ngày góp nhặt những trang viết, xây dựng hình hài cho những tác phẩm để gửi về tặng độc giả quê nhà.
“Ông Can già” đã khác
Trở về lần này, “ông Can già” đã không còn mang nét u uất, khắc khổ, lo lắng như trước ngày ông ra đi. Bạn bè thân nhớ trước đây có lúc giữa khuya, ông nhắn một cái tin có vẻ hoảng loạn, chơi vơi, vừa muốn chia sẻ điều gì lại vừa muốn giấu kín. Thời gian đó, sức khỏe ông sa sút, cứ ngồi lặng lẽ hàng giờ ở quán nghệ sĩ.
Rồi khi ông “biến mất”, cũng có tin đồn nửa đùa nửa thật rằng “Mạc Can đi vì sợ… xã hội đen”, “đi trốn tình yêu”. Nhưng lần trở về này, mọi hiểu lầm trước đây đều đã được giải tỏa. Trong lòng ông hề già bây giờ chỉ còn lại cảm giác thanh thản, bình an và những dự định mới cho nghiệp viết.
Nghệ sĩ Mạc Can ký tặng một độc giả hâm mộ tác phẩm Tấm ván phóng dao của ông trên đất Mỹ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Không còn hình ảnh của một Mạc Can ngồi lọ mọ gõ từng con chữ trên máy đánh chữ, “cây bút trẻ” Mạc Can bây giờ đã biết sử dụng máy tính xách tay, lưu trữ tư liệu, hình ảnh trong USB và có cả một chiếc máy ảnh nhỏ để sẵn sàng chụp tư liệu bất cứ lúc nào. Trong máy tính của ông bây giờ, có rất nhiều hình ảnh và bài viết được lưu giữ từ những ngày sáng tác bên ô cửa xứ người.
Hơn 2 năm “biệt tích”, Mạc Can đã có hai đầu sách: Ba… ngàn lẻ một đêm, Quỷ với bụt và thần chết (đã xuất bản khi ông còn ở Mỹ) và tác phẩm Nhớ (tùy bút, sẽ được NXB Trẻ ấn hành trong thời gian tới). |
Khao khát viết “cái gì đó khác hơn những cái mình đã viết”, Mạc Can đã chấp nhận đánh đổi thời gian, sức khỏe và những ngày tháng yên bình ở quê nhà bằng những chuỗi ngày tha hương, lang bạt trên đất khách.
Một mình lao vào cuộc mưu sinh khắc nghiệt và lặng lẽ gánh gồng tất cả những nỗi niềm cảm xúc trầm luân ở xứ người. Để rồi khi về lại mảnh đất thân yêu, cảm nhận được một sự thay đổi lớn lao trong tư duy và thẩm thấu được giá trị của từng cảm xúc lắng đọng từ tận đáy lòng. “Tất cả những điều đó là tài sản vô cùng quý báu của một người viết” - ông Hai Đừng của phim Xóm suối sâu kết luận.
Người nghệ sĩ già ra đi tay trắng và mang về là cả một kho báu vốn sống để gieo vào con chữ. “Suốt thời gian sống trên đất khách, tôi đi nhiều nơi, làm nhiều việc, trải nhiều cảm xúc và tôi giữ lại hết, để dành viết dần” - nghệ sĩ Mạc Can chia sẻ.
Bên góc quán cà phê trên phố quen, ông hề già, sau một thời gian trôi dạt xứ người, ngồi nhìn dòng xe ngược xuôi trên đường, nở một nụ cười: “Lâu lắm rồi mới được nhìn thấy những hình ảnh gần gũi, quen thuộc như thế này. Sài Gòn mình đẹp quá chừng!”…
Bình luận