bồn phun nước trên avatar?! Định xóa cho xong nhưng rồi cái nick lạ đó bồi thêm mấy dòng comment: “Con là… có mẹ là…, ba là… Cô có phải là cô... không?”. Ôi đích thị là thằng cháu nội đích tôn của ba tôi rồi. Nó sang Mỹ định cư từ năm 1993 và “mất tích” 22 năm nay, giờ bỗng lên Facebook tìm lại nhà nội.
Vài tháng sau, nó quyết định đưa vợ về Việt Nam. 22 năm, đủ để nó quá khác so với tuổi 17: chàng trai thư sinh tóc xù ngày nào, giờ thân hình tròn vo, trán trợt, đầu hói. Bù lại, khi xưa nó lông bông, học hành chẳng ra ngô ra khoai, giờ là một “CTO - Chief Technology Officer” và “Network Security Engineer” (tạm dịch: Giám đốc công nghệ - kỹ sư an ninh mạng), viết tiếng Việt trên “phây” đoán muốn nổ óc nhưng nói tiếng Việt thì ngon lành. Đại gia đình gặp nhau hàn huyên tâm sự, kỷ niệm xưa tuôn trào nhưng nó luôn là người nhớ nhiều nhất.
Gọi chuyến về của nó là “tìm lại ký ức” thì đúng hơn. Mười ngày ghé qua Sài Gòn nhân chuyến công tác Đài Loan, “kế hoạch ăn chơi” của nó ai nghe cũng… dễ chán: ở khách sạn Majestic để loanh quanh chợ Bến Thành, ghé ăn kem Bạch Đằng, thăm nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố… cho vợ biết Sài Gòn. Để nhớ “mùi” Chợ Lớn, vợ chồng nó “du lịch” chợ An Đông, vào khu thuốc Bắc Hải Thượng Lãn Ông, chùa Bà… Ăn uống thì khỏi nói, trong khi vợ thì ăn món được món không; nó thì canh chua, bún riêu, lẩu mắm, bánh canh cua, cá kho tộ, món nào cũng ăn “khí thế”. Đi du lịch thì nhất quyết chọn Nha Trang - Đà Lạt, lý do chỉ vì “hồi nhỏ ba má dẫn con đi tới đó thấy đẹp lắm”. Vợ nó còn kể: “Gần đến ngày Tết Việt Nam là anh ấy bảo con mua đồ mới. Cái gì cũng phải mới. Nhà cửa thì dọn dẹp sạch sẽ, cái hồ cũng phải đổ đầy nước, tất cả phải xong trước giờ giao thừa. Anh ấy nói phải làm giống y Tết ở nhà nội”. Thằng Tom - con trai 10 tuổi của nó - thấy ba ăn Tết lạ quá thì khoái nên rất nhiệt tình hưởng ứng nhưng miệng thì cứ thốt: “why?”, “why?” (tại sao?).
Và trong lúc trà dư tửu hậu, tôi mới biết vì sao nó “hoài cổ” đến vậy. Trước khi qua Mỹ định cư, ba má nó đã đường ai nấy đi. Tình thương, sự đùm bọc của nhà nội không đủ bù đắp cho cú sốc tình cảm mà nó phải hứng chịu. Ngày ra sân bay, ba nó không đến tiễn, nhìn mặt buồn xo của nó, ai cũng nao lòng. Chưa hết, khi qua Mỹ, má nó phải làm việc từ sáng đến tối nhưng vẫn không đủ sống. “Lương của má thấp quá nên ngoài việc cho đi học, chính phủ cho con thêm tiền ăn hai bữa. Nhưng mỗi bữa là… một cái hamburger”. Chuyện học càng khổ hơn, phải mở tự điển dò từng chữ nên đuối, theo không kịp lớp học. Tủi cực, cô đơn, khốn khổ, nó bắt đầu nhớ nhà nội. Nỗi nhớ cồn cào, quay quắt đến mức nó đã khóc năn nỉ cậu út của má cho tiền về Việt Nam. Cậu nó hỏi: “Con về làm gì?”. “Con tìm ba”. Cậu Út nói ngay: “Ba con giờ có gia đình khác rồi, về con sống sao đây?!”. Từ đó, nó biết lao vào việc học là cách duy nhất nếu muốn thành đạt, nếu muốn tìm về cố xứ.
Chia tay nhà nội sau 10 ngày ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa, tôi đọc được niềm hạnh phúc trên gương mặt rạng ngời của nó: “Lần sau con sẽ cho Tom về. Con của con phải biết tổ tiên, ông bà chứ!”.