Ảnh minh họa
Quốc Trung, một chàng trai lành tính ở cơ quan tôi đã rơi vào trường hợp này. Ra trường, làm việc được thời gian, gia đình hối thúc lấy vợ, để tiện công tác và sinh hoạt, Trung cưới vợ trên thành phố và ở rể nhà vợ. Hằng ngày, thấy vợ được gia đình chiều chuộng, yêu thương nên theo thời gian, Trung cũng quen dần cách ứng xử đó với vợ. Và chẳng có gì đáng nói, nếu không có một tuần anh đưa vợ về quê làm nhà thờ tộc.
Nào có đâu nhiều, chỉ một tuần thôi mà anh đã vô cùng khó xử trước những lời nhắc nhở và thái độ hờn mát của mẹ về những hành động có phần vô tâm và vô tư của vợ. “Anh ơi! Lấy xe chở em xuống chợ ăn sáng đi, cơm khô quá, em ăn không được”. Vợ vừa dứt lời, Trung đã nhận ra nét mặt đăm đăm, không vui của mẹ. “Ừ! Em ở nhà đi, anh sẽ mua luôn thức ăn sáng cho mẹ nữa.” Mẹ anh ngắt lời: “ Thôi! Anh cứ mua cho vợ anh ăn đi. Tôi ăn cơm nguội quen rồi”. Vừa nói, mẹ vừa thu dọn mâm cơm trên bàn. Trung dắt xe ra cổng mà lòng vô cùng áy náy.
Một tuần ở quê, mỗi khi ra vào anh phải nhìn nét mặt của mẹ và vợ để sống. Thật ra mà nói, chuyện giữa mẹ và vợ chẳng có gì nghiêm trọng. Chẳng qua mẹ anh, tuổi đã già, thích được con quan tâm, mà khi thấy anh chăm chút cho vợ trước mặt thì thấy mủi lòng vì cái cảm giác tình cảm bị chia sẻ. Về phía vợ anh, vốn vô tâm, vốn được chiều chuộng nên nói những lời vô tư chứ cũng chẳng có ý gì.
Có lần nghe vợ nói “Anh à! Mai mốt dành dụm đủ tiền, mình xin ba má ra riêng rồi đưa mẹ lên ở với vợ chồng mình anh nhé” mà anh thấy mát cả ruột. Cũng có lúc đột xuất về quê một mình, vợ anh lúc nào cũng gởi quà về cho mẹ, khi thì hộp sữa, lúc thì chiếc khăn quàng cổ, khi thì lọ dầu…Chính vì lẽ ấy, anh không nỡ giận vợ.
Về phần mẹ anh tuy có lúc không bằng lòng cách ăn nói và ứng xử của con dâu, nhưng mỗi khi thấy anh về quê một mình, câu đầu tiên bà hỏi là sao vợ con không về? nó có khỏe không? Qua sự quan tâm và thăm hỏi ân cần mà họ dành cho nhau, anh rút ra một điều rằng: Mẹ và vợ mình có đôi chút làm mình bận lòng, nhưng cả hai là người mình yêu quí nhất, vì trong sâu thẳm trong tâm thức hai người, họ vẫn yêu quí nhau.
Cũng là tình cảm giữa mẹ và vợ, nhưng với Nghĩa, một hàng xóm của tôi lại trái ngược. Đó là câu chuyện muôn thuở mẹ chồng nàng dâu. Giữa mẹ và vợ của Nghĩa là hai thái cực đối trọng, thay phiên nhau làm khổ anh. Cả hai đều muốn mình là người được Nghĩa quan tâm nhất. Vì thế đứng giữa hai gọng kiềm đó, anh rất bức bối, khó lòng xử sự cho vẹn đôi đường.
Nhiều lúc, anh tâm sự riêng với vợ, nhiều lúc anh thưa chuyện riêng với mẹ. Sau lúc ấy, gia đình anh yên ắng vài ngày nhưng rồi đâu lại vào đó, giông bão lại tiếp tục nổi lên và anh phải ngụp lặn trong cơn giông bão ấy. Đại thi hào Lép Tônxtôi, nhà văn hiện đại nổi tiếng của Nga đã vô cùng chí lí khi nói: “Mỗi gia đình đều có bất hạnh riêng”. Và với Nghĩa nói riêng và những người rơi vào trước cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” giữa mẹ và vợ thì nỗi niềm bất hạnh này quả không dễ hóa giải chút nào.