Hầu hết các cha mẹ đều muốn con nghe theo lời của mình. Tuy nhiên,một số đứa trẻ lại có hành vi trái với mong muốn của cha mẹ. Đừng vội quy kết đó là tính cách xấu của trẻ rồi mắng nhiếc hay trừng phạt trẻ một cách tiêu cực. Trải qua giai đoạn trẻ bất hợp tác vì tâm sinh lý thì trẻ phản ứng chưa đúng mực phần lớn bắt nguồn từ chính hành vi của cha mẹ khi chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Dưới đây là những sai lầm mà không ít cha mẹ thường mắc phải.
1. Không nhất quán
Bạn nói với con rằng con không được ăn thêm bất kỳ chiếc kẹo nào nữa trong ngày hôm nay. Con phản ứng lại lời nói của bạn bằng một sự giận dữ, quăng ném đồ đạc hoặc lăn đùng ra khóc... và bạn rút lại lời yêu cầu của mình. Với cách hành xử này, bạn đã vô tình gieo vào đầu trẻ suy nghĩ rằng mỗi khi trẻ nổi giận là có thể nhận được tất cả mọi thứ chúng muốn.
2. Những hình phạt 'chỉ nói mà không làm'
Có thể tất cả các bậc cha mẹ đều ít nhất một lần mắc phải sai lầm này. Bạn thường nói với con về những hình phạt nếu trẻ không nghe lời nhưng chỉ là lời đe dọa sáo rỗng, kiểu như: "Nếu con tái phạm chuyện này một lần nữa, con sẽ không được xem ti vi nữa" hay "Mẹ/bố sẽ không bao giờ đưa bạn đến chơi với con một lần nữa nếu con cứ cư xử với bạn như vậy"... Đứa trẻ có thể sẽ hứa với bạn những điều tích cực sau khi bạn nói như vậy nhưng rồi chúng sẽ quên đi lời đã hứa. Bởi vì dù có lặp lại hành vi chưa tốt thì chúng cũng không gặp bất kỳ hậu quả nào cả. Và về lâu dài, những đứa trẻ "được" bố mẹ đối xử như vậy thường hay nói dối.
Dạy con bằng roi vọt, bố mẹ đang tạo nên những đứa trẻ hung hăng hoặc sợ sệt. Ảnh: Patheos. |
|
3. Luôn bào chữa cho con
"Nó đang mệt", "Nó chỉ là một đứa trẻ thôi mà", "Nó đang đói"... Có phải bạn từng đưa ra những lý do như thế này để giải thích cho hành vi chưa tốt của trẻ? Tất nhiên, chúng ta không thể kỳ vọng con luôn hành động hoàn hảo. Điều này là không thể. Chúng có thể cảm thấy đói, mệt mỏi hoặc ở trong tâm trạng không tốt, đặc biệt là với những đứa trẻ còn nhỏ chưa biết thể hiện cảm xúc một cách rõ ràng. Nhưng cứ tự bào chữa thường xuyên cho trẻ như vậy là một điều không tốt, dễ gây tính cách đổ thừa.
4. Quát tháo, gào thét với con
Thực tế, khi bạn nói to lên không có nghĩa là con sẽ nghe thấy và đáp ứng yêu cầu của bạn. Trong một số trường hợp, việc quát tháo, gào thét với trẻ có thể đem lại hiệu quả ngắn hạn nhưng bằng cách này, chính bạn sẽ phá vỡ mối quan hệ với các con mình.
5. Trừng phạt thể chất
Theo các nghiên cứu khác nhau, nếu một đứa trẻ trải qua sự trừng phạt về mặt thể chất thường xuyên thì sẽ có thể trở nên hung hăng hoặc "co rúm" lại và luôn sợ sệt. Thậm chí, sự tự trọng của bản thân chúng cũng bị giảm sút. Những đứa trẻ sống trong gia đình giáo dục theo cách này thường sẽ tìm cách làm thế nào để tránh được đau đớn hơn là hiểu được điều cần thiết phải thay đổi hành vi.
Việc nhận thức cái gì tốt và chưa tốt ở trẻ em phụ thuộc vào độ tuổi. Và trẻ hấp thụ những điều được dạy giống như một miếng bọt biển, càng đổ nước càng thấm nhiều. Bố mẹ cần dạy trẻ từng chút, ngày qua ngày để trẻ biết phân biệt - đúng sai và chính điều này sẽ tạo nên tương lai của đứa trẻ. Thay vì phải vất vả, khó khăn hơn rất nhiều để tái giáo dục một đứa trẻ, hãy bắt đầu điều chỉnh chính bản thân mình.