Giá cước dịch vụ 3G của Việt Nam đang ở mức rất rẻ so với mặt bằng chung của thế giới, kể cả khi tính đến sự chênh lệch về bình quân thu nhập đầu người giữa các quốc gia. Nhưng giá cước thấp chưa hẳn đã là tốt, khi chất lượng dịch vụ 3G của các nhà mạng tại Việt Nam trong thời gian qua mỗi ngày một giảm sút.
Các nhà mạng tại Việt Nam đang cạnh tranh nhau bằng giá. Ảnh: Zing
Vì sao cước 3G Việt Nam rẻ hơn nhiều so với thế giới?
Đây là câu hỏi không dễ trả lời một cách tường tận, nhưng nếu so sánh với các quốc gia khác trên thế giới vào giai đoạn công nghệ 3G bùng nổ, có thể thấy thị trường viễn thông Việt Nam có những lợi thế nhất định khiến mức cước 3G rẻ hơn nhiều. Có thể liệt kê các lợi thế đó như sau:
1. Vào thời điểm công nghệ 3G bắt đầu được cung cấp tại Việt Nam (10-2009), thị trường viễn thông trong nước đã có sự cạnh tranh rất mạnh nhờ chính sách mở cửa thị trường, xóa bỏ độc quyền từ trước của Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Truyền thông & Thông tin).
Tập đoàn VNPT không còn vị thế độc quyền kể từ năm 2005 và thị trường có 3 nhà mạng lớn là VinaPhone, MobiFone và Viettel cạnh tranh mạnh mẽ, khiến giá dịch vụ viễn thông liên tục giảm cùng nhiều chương trình khuyến mại có lợi cho người tiêu dùng. Các nhà mạng khi cung cấp dịch vụ 3G ra thị trường cũng lập tức cạnh tranh nhau về giá để thu hút thuê bao mới.
2. Các nhà mạng cung cấp dịch vụ 3G tại thị trường Việt Nam đều chuyển tiếp từ công nghệ 2G lên 3G, có lợi nhuận và nguồn vốn dồi dào từ các dịch vụ thoại, SMS của 2G để đầu tư hạ tầng cho dịch vụ 3G.
Cơ chế kinh doanh của 3 nhà mạng lớn đều có thể hạch toán chung và bù chéo lợi nhuận, hay nói cách khác là lấy lợi nhuận của dịch vụ 2G để đầu tư và chịu lỗ cho dịch vụ 3G trong thời gian đầu để phát triển thuê bao.
3. Tỉ lệ phổ cập dịch vụ di động tới người dân tại Việt Nam rất cao nhờ độ tuổi trung bình dân số khá trẻ, có khả năng thích ứng công nghệ nhanh. Cùng với sự phổ biến của smartphone với mức giá ngày càng rẻ, tiềm năng phát triển thuê bao của thị trường 3G Việt Nam vẫn còn khá nhiều.
Hiện đã có 36% dân số Việt Nam kết nối Internet bằng smartphone và tỉ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới. Các nhà mạng đều hiểu rõ xu hướng này và chấp nhận bù lỗ, đầu tư dài hơi để có thêm thị phần trong “cuộc chiến” thu hút thuê bao.
Mặt trái của giá cước 3G quá rẻ
Tuy nhiên, việc cạnh tranh giữa các nhà mạng khiến giá cước 3G rẻ và kéo dài trong gần 5 năm qua cũng không tránh khỏi những hệ lụy. Khi lượng thuê bao 3G tăng lên nhanh, hệ thống hạ tầng của nhà mạng dần trở nên quá tải tại những điểm tập trung mật độ thuê bao lớn, nhưng lại chưa thu hồi được đủ lợi nhuận để tái đầu tư nâng cấp hệ thống.
Thêm vào đó, cơ chế kinh doanh hạch toán chung và bù chéo lợi nhuận giữa dịch vụ 2G và 3G ngày càng lộ rõ nhiều điểm bất cập, khiến việc đánh giá hiệu quả kinh doanh của từng dịch vụ gặp khó khăn.
Về lâu dài, cơ chế này sẽ tạo sức ỳ, không tính được giá thành của từng dịch vụ viễn thông riêng biệt, dẫn tới làm chậm khả năng phát triển của các dịch vụ viễn thông mới và khiến thị trường phát triển kém ổn định, không đảm bảo tính bền vững.
Khi cơ sở hạ tầng không được đầu tư, nâng cấp theo kịp tốc độ phát triển thuê bao 3G, chất lượng dịch vụ bị suy giảm là điều khó tránh khỏi. Những thuê bao 3G mới sẽ làm tăng mật độ thuê bao lên vượt mức có thể đáp ứng của các trạm phát, dẫn đến hiện tượng kết nối 3G bị chập chờn hoặc máy báo đầy sóng 3G nhưng tốc độ vào mạng rất chậm. Những hiện tượng này hiếm khi xảy ra trong thời kỳ mới triển khai 3G, nhưng đã trở nên khá phổ biến trong thời gian gần đây.
Người dùng 3G cần chất lượng dịch vụ tốt hơn là giá cước rẻ.
Câu chuyện “con gà, quả trứng” của nhà mạng
Các nhà mạng cung cấp 3G tại Việt Nam đang phải đối mặt với câu chuyện “con gà, quả trứng” về dịch vụ 3G. Dù có sự tăng trưởng nhất định về lượng thuê bao 3G, nhưng giá cước thấp khiến nhà mạng vẫn chưa thu đủ vốn đã đầu tư vào phát triển hạ tầng. Do vậy, nhà mạng chưa dám tiếp tục rót thêm vốn nâng cấp khi không thấy có cơ hội thu hồi, trừ trường hợp phải tăng giá cước dịch vụ.
Nhưng nếu không nâng cấp hệ thống hạ tầng mạng lưới, trạm phát… để theo kịp với mức tăng trưởng thuê bao 3G, chất lượng dịch vụ sẽ bị suy giảm nhanh chóng, dẫn tới hệ thống bị quá tải, mất ổn định. Khi chất lượng dịch vụ kém đi, mức tăng trưởng thuê bao 3G sẽ thấp xuống, thậm chí thuê bao sẽ bỏ dịch vụ để chuyển sang nhà mạng khác. Lúc đó, khả năng thu hồi vốn đầu tư vào 3G của nhà mạng càng thêm khó khăn.
Một thách thức khác của nhà mạng, đó là giải pháp tăng giá cước 3G. Nếu cải thiện và đảm bảo được chất lượng dịch vụ ổn định, đa số thuê bao 3G vẫn sẽ chấp nhận với mức tăng giá 20-40%. Nhưng nếu tăng cước mà dịch vụ không được cải thiện, chắc chắn người tiêu dùng sẽ cảm thấy không hài lòng vì phải trả thêm tiền nhưng chất lượng vẫn như lúc chưa tăng.
Khách hàng cần chất lượng hơn giá rẻ
Trong cuộc cạnh tranh khuyến mại và giảm giá cước thoại 2G để hút thuê bao mới tại Việt Nam giai đoạn 2006-2007, các nhà mạng cũng có lúc đã quá tập trung vào phát triển thuê bao mới, khiến lượng thuê bao vượt ngưỡng an toàn 70% của hệ thống. Hậu quả là các hiện tượng như có sóng nhưng không gọi được, đang đàm thoại bị ngắt, đang nói chuyện với thuê bao này lại được chuyển sang nghe 2 thuê bao khác nói chuyện… xuất hiện ngày càng nhiều.
Mức cước rẻ luôn hấp dẫn người tiêu dùng vì tiết kiệm được tiền, nhưng không thể đánh đổi bằng chất lượng dịch vụ. Khi chất lượng dịch vụ giảm, đa số người dùng di động đã lựa chọn nhà mạng có chất lượng ổn định hơn để đảm bảo hiệu quả sử dụng, chứ không phải vì tiết kiệm được tiền cước. Nhà mạng luôn phải chịu sức ép cạnh tranh để phát triển thuê bao mới, nhưng một áp lực còn quan trọng hơn và cần được nhà mạng ưu tiên hàng đầu, đó là đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Nguyên lý này đã được chứng thực trong cuộc cạnh tranh thu hút thuê bao 2G giai đoạn 2006-2007, và chắc sẽ vẫn đúng trong cuộc cạnh tranh về dịch vụ 3G hiện nay giữa các nhà mạng tại Việt Nam.