Với màu áo xanh và chiếc khẩu trang, người tổ trưởng tổ quản giáo Bệnh viện trại giam Chí Hòa (TPHCM) - Trung tá Phan Thị Trợ, ngày ngày vẫn đi vào những khoa lây của bệnh viện.
Trung tá Phan Thị Trợ luôn quan tâm, gần gũi để giúp can phạm điều trị tốt và hướng thiện
Giọng nói êm ái của người nữ quản giáo ấy đã nhiều lần làm dịu đi những tiếng la hét, những lời khiếm nhã hay không khí căng thẳng khi có người bệnh “đến cơn”. Đôi tay chị, với những biện pháp nghiệp vụ thuần thục, có thể khống chế những can phạm bất hợp tác. Nhưng đối với chị, tình người mới là cái cần, cái hiệu quả nhất để họ “chịu nghe”, để khơi dậy cái tốt trong những người từng phạm sai lầm.
Tử tế với họ, họ sẽ hợp tác
Cách đây hơn một năm, một can phạm chỉ mới 22 tuổi nhập viện trong trạng thái kích động, một mực tìm đến cái chết. Nhục nhã, ân hận về một lần phạm tội trộm cắp, cô gái trẻ tuyệt thực nhiều ngày vì “không còn mặt mũi nào gặp người thân nữa”. Cách biệt bởi chấn song nhà giam, những người thân yêu không thể nào khuyên răn, nâng đỡ tinh thần cho cô.
Bệnh viện trại giam Chí Hòa có 100 giường bệnh với đầy đủ các khoa. Tổ quản giáo bệnh viện gồm 6 người. Công việc của cán bộ quản giáo bệnh viện gồm quản lý can phạm, tổ chức giáo dục về pháp luật, ý thức, tư vấn pháp luật, phối hợp với các nhân viên y tế trong quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân. |
Cô gái đó sau khi nhận được sự khuyên nhủ chân thành đã chịu chữa trị. Đó chỉ là một trong những câu chuyện nghề của Trung tá Phan Thị Trợ. Quản giáo, theo chị Trợ, không chỉ là quản lý phạm nhân nơi trại giam mà còn là giáo dục và giúp họ hướng thiện. Chị chia sẻ: “Để làm được công việc này, trước hết phải có cái nhìn đúng về phạm nhân. Họ cũng là con người, cũng cần được tôn trọng.
Chỉ cần mình tử tế với họ, họ sẽ hợp tác với mình. Và sự tử tế ấy sẽ mang lại một điều thật sự giá trị: Đó là cảm hóa được những người từng mắc lỗi lầm, giúp họ về với cuộc sống lương thiện. Năm rồi, có một can phạm nam được chuyển đến từ quận 10. Những ngày đầu mỗi khi lên cơn ghiền, anh ta liên tục vật vã, la hét, đập đầu vào thành giường. Mấy tháng điều trị là mấy tháng tôi phải dùng hết lời lẽ để khuyên nhủ, cố tìm lại những điều tốt đẹp bên trong con người ấy”.
Công việc không chỉ vất vả mà nhiều khi còn khá nguy hiểm vì nguy cơ nhiễm bệnh từ đủ loại bệnh của các can phạm. Có những người bệnh nặng đã mãi mãi ra đi mà không kịp ra tòa... Khi kể đến đây, giọng chị Trợ chùng xuống.
Giá đỡ tâm hồn
Ngoài công việc thường ngày là canh giữ và tổ chức giáo dục phạm nhân, chị còn là người giúp đỡ họ giải quyết những thắc mắc về mặt pháp luật, viết đơn từ..., giúp họ vượt qua những vướng mắc tâm lý, nhất là nỗi sợ hãi khi sắp đối mặt với tòa án và án tù.
Chị kể trường hợp một nữ can phạm phải nhập viện vì suy nhược hoàn toàn. Các biện pháp y tế dường như không đạt được nhiều kết quả. Vậy là chị tìm đến, trò chuyện với người phụ nữ đó cho đến khi cô chịu mở lòng. Những lo lắng về gia đình, chồng không chung thủy, con hư, ý nghĩ vào tù là kết thúc cuộc đời khiến nữ can phạm đó buông xuôi.
Nhưng sự đồng cảm giữa hai người phụ nữ và cách nói chuyện đem lại sự tin cậy cho người đối diện của chị Trợ đã dần khiến những lo lắng của phạm nhân tan đi. Ba tháng sau, nữ phạm nhân khỏi bệnh và ra tòa, không quên hẹn ngày trở lại thăm chị khi mãn tù.
Chị Trợ vừa nhận được danh hiệu Chiến sĩ thi đua, phần thưởng xứng đáng cho hơn 20 năm cống hiến của người tổ trưởng tổ quản giáo bệnh viện trại giam. Hạnh phúc lớn nhất của chị là một gia đình hạnh phúc. Chồng chị cũng là cán bộ quản giáo nên cũng rất hiểu cho vợ, người phụ nữ dấn thân vào một công việc nguy hiểm và hạn hẹp về thời gian...