A xít béo: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tinh trùng của cánh mày râu “mắn đẻ” thường có hàm lượng chất béo không bão hòa, đặc biệt là các loại a xít béo omega 3 và omega 6, cao hơn hẳn so với giới mày râu có khả năng sinh sản kém. Các loại chất béo không bão hòa này có nhiều trong quả óc chó và các loại cá như cá cơm, cá mòi và cá hồi.
A xít folic: Ở một số nam giới bổ sung đủ a xít folic cùng chất kẽm từ chế độ dinh dưỡng hằng ngày, số lượng tinh trùng tăng khoảng 70%. Và nghiên cứu cũng cho thấy vài nam giới có hàm lượng a xít folic thấp dễ có nhiều tế bào tinh trùng bị khiếm khuyết (bất thường) về nhiễm sắc thể hơn. Để không rơi vào những trường hợp này, phái mạnh cố gắng ăn nhiều rau xanh rậm lá, ngũ cốc nguyên hạt, quả bơ, các loại đậu và trái cây.
Lycopene, carotene: Có trong cà chua, nước xốt cà chua, cà rốt, dưa hấu và quả đu đủ đã được chứng minh có tác dụng tăng số lượng tinh trùng.
Nước: Uống đủ nước trong ngày có thể chống lại tình trạng mất nước, vốn là một trong những yếu tố chính liên quan tới lượng tinh dịch thấp.
Rửa sạch rau quả tươi trước khi ăn: Rau quả có thuốc trừ sâu sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe của tinh trùng và khả năng sinh sản.
Hạn chế thực phẩm đóng hộp: Bisphenol-A (BPA), một loại hóa chất phá vỡ hormone có trong một số đồ nhựa, có thể làm giảm sức khỏe tinh trùng và nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, chúng ta phơi nhiễm chất này nhiều nhất là từ các thực phẩm đựng trong bao bì, đồ hộp. Mặt trong của một số lon, hộp đựng thực phẩm và đồ uống có quét một lớp nhựa chứa BPA. Nên chọn ăn thực phẩm tươi và thực phẩm được chứa trong đồ thủy tinh hơn là đồ nhựa.
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, theo các chuyên gia, nam giới cần tránh uống quá nhiều rượu bia, hạn chế hút thuốc lá, tránh mặc quần quá chật, vốn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.