Bà chủ thương hiệu bún sạch Nguyễn Bính có tên đầy đủ là Nguyễn Thị Bính, thuộc thế hệ 7X và đến thời điểm này có lẽ cũng đủ đầy những gì đời người cần có.
Hôm gặp chúng tôi, tâm trạng bà rất vui vì vừa mới xong một cái Tết ấm cúng cho nhân viên và đang triển khai thuận lợi những ý tưởng kinh doanh mới.
Một mình một chợ
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần SX-TM-DV Nguyễn Bính, sinh năm 1970, chia sẻ: "Tôi cảm nhận một điều, cuộc đời mình sống không được bao nhiêu. Ăn cũng không được bao nhiêu nữa, mà chết thì nghiệp mang theo. Tôi giác ngộ như vậy. Trước khi quay về với nghề tổ, tôi xác định một mình tôi đi một con đường. Tôi cảm nhận rất khó khăn. Càng lúc cạnh tranh càng khó. Nhà nước thì hầu như cái gì cũng cho doanh nghiệp đưa vào thực phẩm. Ví dụ phooc - môn cũng nói được quyền, nhưng quy định tỉ lệ bao nhiêu đó thôi. Rồi có loại axit họ cũng nói tỉ lệ bao nhiêu đó thôi. Nhưng thực tế ra, đâu cho ai cho đúng tỉ lệ quy định đó đâu. Riêng sợi bún, sợi phở bây giờ hầu như không phải 1,2 hóa chất như ngày xưa nữa, mà tới 9 loại".
Và bà khẳng định: "Lội ngược dòng, làm theo đúng lương tâm thôi. Bởi vì người tiêu dùng không thể biết được. Sợi bún thật của mình, như người ta nói "mềm như bún". Khi tôi trụng, ăn nó rất mềm mại, cho vô miệng là tuột đi. Còn bún ngậm hóa chất nhiều thì ăn cảm thấy dai, cứng, ăn buổi sáng no cả ngày".
Bà Bính kể, bây giờ nhiều nơi biết tiếng bún sạch và đã đặt hàng thường xuyên. Từ các bếp "bán món thêm" ở quán café, đến bếp nhà hàng chuyên bún, bếp ăn trường học, công ty …
Trong công ty, hầu như nhân viên đều gọi má Bính. Hôm café với chúng tôi bà đang kể say sưa câu chuyện cuộc đời thì có cuộc gọi đến. "Má nghe. Bao nhiêu kg? 35 kg con bỏ thùng xanh. Má đang đi công việc. Má mất mối không được, bảo bắt grap giao cho người ta. Má chấp nhận lỗ hôm nay. Tưởng đâu nhiều, có 35 kg bắt grap đi", bà chỉ đạo nhân viên xong thì quay sang giải thích với chúng tôi. "Nó làm trong xưởng. Tui kêu nó ra chạy giao hàng nó không chịu đi. Công nhân ăn tết xong chưa lên. Bây giờ cần người gấp không tuyển thêm được vì khi mấy đứa ở quê lên thì mất chỗ tội nó".
Một lúc sau lại có điện thoại, bà nghe xong chỉ đạo luôn: "Chạy thêm bún nhuyễn 100 kg cho Trường Quốc Tuấn, do kế toán cập nhật trễ thôi. Bún nhuyễn ăn chiều đó".
Khát vọng cho đi…
Khi chúng tôi nói về sức khỏe và bệnh tật, bà chủ thương hiệu bún sạch Nguyễn Bính như bị chạm đúng chỗ tâm huyết. Bà hiểu rất sâu những nguyên nhân gây bệnh và có lẽ cũng đang quyết liệt dồn tâm sức đời mình cho một sứ mệnh gì đó rất lớn.
Bà Bính phân tích: "Ví dụ một thứ hóa chất có trong thực phẩm ăn vào thì cơ thể có thể đào thải ra được. Nhưng 9 loại thì có ra hết không? Và đâu phải riêng bún. Hóa chất vẫn còn đầy trong thịt, cá, rau, củ quả nữa chứ".
Bà kể tiếp: "Tôi gặp những người có tâm. Tôi có hồ sen, có vườn. Bây giờ cũng có người đang tính hợp tác nghiên cứu một loại trà túi lọc có khả năng đào thải độc tặng cho khách mua bún. Tôi cũng đang suy nghĩ về một cái máy sản xuất ra nước để rửa rau cải, giảm bớt độc tố đi. Khách hàng cứ mua sản phẩm của bún sạch thì mình tặng lại nước và trà".
Chuẩn bị cho công nghệ trong 1 giờ có thể ra được 1,7 tấn sản phẩm, bà Bính nghĩ nhiều hơn đến những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài và nuôi khát vọng chia sẻ cơ hội ăn "món sạch quê hương" cho người xa xứ.
Bà đã mất nhiều năm để có sản phẩm nui tươi, món khoái khẩu với hầu hết trẻ em, nhưng cạnh tranh thị trường khốc liệt với "nui khô" vì giá thành nên cũng chưa nhiều người biết.
"100% bột gạo, ăn rất thơm. Chứ nui khô thì rất dễ làm", bà Bính giải thích.
"Cô gái Bắc" này học hết lớp 10 của hệ 10 năm thì vô Nam học nghề từ khi 16 tuổi. Cô học nghề của đàn ông ở khoa chế tạo máy và điện công nghiệp rồi tự bơi với cuộc sống "không có vai tầng vai vế".
"Cuộc sống khổ. Cố học giỏi để lấy bằng bậc 4 ra trường không thất nghiệp. Nhưng việc thi cử cũng không đơn giản khi đã mất lòng ông thầy. Kết quả chỉ được bằng bậc 3. Trời xui đất khiến. Lúc đó nếu có bằng bậc 4 thì phải đi làm nhà máy xa. Tôi không được đi nên nhảy ra tập tành buôn bán, làm đủ nghề ở Sài Gòn, học hỏi bao nhiêu bài học mới có được ngày nay".
Kể lại câu chuyện lặn lội về miền Tây tìm gạo sạch cho bún, bà Bính cũng tự rút ra một bài học đáng giá khi biết lỗ hổng không chỉ có nơi đồng ruộng mà còn nằm ở chỗ … nhà máy xay lúa.
Bà Bính chia sẻ: "Cày bừa xong thì xịt thuốc xử lý ốc bưu vàng. Khi gieo mạ thì xịt thuốc sâu lõm. Lúa lên con gái lại xịt ốc bưu vàng. Lúa ra đòng xịt cho đậu đòng. Ra bông xịt cho đậu sữa. Tôi tìm được nơi người ta làm vừa lúa vừa nuôi tôm. Nếu xịt như quy trình đó thì tôm chết nên tôi chọn mua lúa ở đây. Một năm chỉ có một vụ thôi. Đi lên đi xuống bao nhiêu lần họp dân, bàn bạc rất tốn kém. Tôi chỉ muốn tốt cho người tiêu dùng và nông dân. Và tôi thu mua lúa đó. Nhưng tôi không có nhà máy xay xát nên phải tìm nhà máy gia công. Người ta xay đúng một xe lúa đầu tiên, gạo ngon vô cùng. Nhưng sau đó thấy gạo ngon thì người ta đem bán chỗ khác, lấy gạo tầm bậy giao cho công ty tôi. Tôi sản xuất hư bún mấy lần và phải dừng lại mối quan hệ này. Tôi không trù ẻo gì, nhưng chính cái cách làm ăn như vậy đã khiến nhà máy đó bây giờ lâm cảnh khó khăn".
Nhiều năm trước, thương hiệu bún sạch Nguyễn Bính từng được định giá 100 tỉ đồng, bà chủ Nguyễn Thị Bính cũng từng rất tự tin xuất hiện trên chương trình Shark Tank để gọi vốn 200 tỉ đồng.
Nhưng "thương trường là chiến trường" và đúng như bà Bính nhận xét, có những thực tế "người tiêu dùng có biết đâu". Trước đây, Nguyễn Bính là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp bún tươi sạch cho các hệ thống siêu thị lớn tại Sài Gòn. Dần dà, một số nhà cung cấp khác cũng chào hàng, chấp nhận giá rẻ hơn và chiết khấu cao hơn, hàng của Nguyễn Bính không còn trên kệ.
Tuy nhiên, khi đã quyết định lựa chọn "một mình một chợ", bún sạch Nguyễn Bính có lẽ cũng đã nhìn thấy những giá trị khác lớn hơn ngoài tiền.
Hiện tại, như trên đã nói, bên cạnh bún tươi, bún ốc, bánh canh, bánh hỏi, bánh ướt, bún lá, hủ tíu, nui tươi... sắp tới còn có trà túi lọc và quà tặng độc đáo đi kèm thì các bà nội trợ thông minh chắc chắn sẽ tìm tới.
Bà Bính cũng tự đặt trách nhiệm cho mình là tiếp quản nghề của cha ông để lại một cách tử tế, "gìn giữ những điều tốt đẹp, tinh túy của nghề và phải sáng tạo để hội nhập cuộc sống tốt hơn. Nếu quá đặt nặng lợi nhuận thì không bán được bún".
"Bây giờ về làng ai cũng biết. Tuổi thơ tôi cày bừa ngang hàng với thanh niên giỏi của làng. Đi thi cấy còn được giải nhì của huyện".
Thú thật, chia tay bà Bính nhưng câu chuyện ký ức tuổi thơ của bà từ những năm xa lắc ở đồng bằng Bắc bộ vẫn đeo đuổi suy nghĩ chúng tôi trên suốt đường về. Mong sao những người làm thực phẩm - thứ hàng hóa đặc biệt vì sức khỏe cộng đồng đều luôn giữ được tâm thế tích cực, cùng nhìn về những giá trị tốt đẹp hơn.