Bà Nguyễn Thị Bính - Giám đốc Công ty Nguyễn Bính, chủ sở hữu thương hiệu Bún Nguyễn Bính và Bún Thủ Đức - cho biết hiện có nhiều khách hàng ở Mỹ, Châu Âu và Úc đã tìm đến đặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm bún tươi, bánh phở, nui tươi.
Công ty Nguyễn Bính đã thuê một khu đất xây nhà máy sản xuất tại TP HCM để mở rộng quy mô sản xuất nhằm cung ứng không chỉ cho thị trường nội địa mà còn cả xuất khẩu trong thời gian tới.
Thời gian đầu, Nguyễn Bính dự kiến sẽ xuất mặt hàng bún tươi, bánh phở và nui tươi trước. Tất cả sản phẩm đều được đóng gói cấp đông khi xuất khẩu.
"Các loại bún tươi, bánh phở, nui tươi của Nguyễn Bính rất tiện lợi cho người sử dụng. Bởi sản phẩm này chỉ cần rã đông là dùng ngay, trữ được lâu dài và dễ chế biến chứ không cần mất thời gian trụng qua nước sôi như bún khô", bà Bính nói.
Bún tươi hiện là sản phẩm chủ lực của công ty, chiếm khoảng 70% tổng doanh thu hằng năm, bánh phở chiếm 10%, còn lại là các sản phẩm khác (nui tươi, bánh canh, mì quảng…).
"Doanh nghiệp đang nâng cấp nhà máy để nâng cao chất lượng sợi bún. Quá trình sản xuất thay nước sản xuất bún từ nước máy thành hệ thống nước lọc RO. Ngoài ra, dây chuyền sản xuất nui tươi cũng được lắp mới... Những nâng cấp này cũng là bước chuẩn bị cần thiết cho kế hoạch xuất khẩu sản phẩm của Nguyễn Bính trong năm 2024", bà Bính cho biết.
Chủ thương hiệu Nguyễn Bính nhận định, dù tiềm năng rất cao nhưng giá trị mặt hàng bún hoặc bánh phở không cao như nhiều mặt hàng thực phẩm khác. Vì vậy, ước tính giá trị lô hàng đầu tiên xuất đi cũng không quá lớn. Tuy nhiên, nếu được thị trường chấp nhận, đó sẽ là con số không nhỏ nhờ nguồn lực phân phối của các đối tác.
Bà Bính kỳ vọng nếu mọi việc thuận lợi, doanh thu xuất khẩu một năm của Bún Nguyễn Bính ít nhất cũng bằng 3-5 năm bán ở Việt Nam.
Vào năm 2018 bà chủ thương hiệu Nguyễn Bính cũng từng tham gia kêu gọi vốn tại chương trình Sharktank với 8 triệu USD cho 20% cổ phần công ty.
Bên cạnh việc việc xuất khẩu các sản phẩm bún tươi, Nguyễn Bính đang tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư sản xuất bún tươi truyền thống tại các thị trường tiềm năng. Bà Bính cho biết đã có một doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị ở Berlin (Đức) muốn mở nhà máy quy mô 2.500 m2 để sản xuất bún bún tươi sạch truyền thống cung cấp cho cộng đồng người Việt ở Đức.
"Tôi bán công thức cho họ, giúp họ bản vẽ nhà xưởng, dây chuyền thiết bị và có thể là cung cấp một số máy móc. Bỏ qua yếu tố tiền nong, với tôi, cuộc hợp tác này vô cùng có ý nghĩa vì khai phá cho tôi 1 hướng đi mới là làm thế nào để bán công thức bún sạch truyền thống ra nhiều thị trường hơn", bà Bính khẳng định.
Được biết, không kể lần từ chối bán 49% cổ phần công ty cách đây 7 năm, mới đây, 1 nhà sản xuất thực phẩm từ bột mì, bột gạo lớn tại Việt Nam đã đánh tiếng mua công ty nhưng bị từ chối.
Bởi theo bà Bính khẳng định là sẽ không bao giờ bán công ty và sẽ nỗ lực hết sức để truyền nghề cho các con.
Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp này cũng nhận rõ những hạn chế của doanh nghiệp gia đình nên sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư muốn cùng phát triển, tìm kiếm lợi nhuận từ thương hiệu bún Nguyễn Bính.