Hội thảo mang tiêu đề "Hoài cố nhân: Kỷ niệm 100 ngày sinh nhà văn Võ Hồng". Giáo sư Huỳnh Như Phương, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP HCM, nhận định: "20 năm sau truyện ngắn đầu tay Mùa gặt (1939), in trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy với bút hiệu Ngân Sơn, tập truyện đầu tiên Hoài cố nhân (1959) của Võ Hồng được xuất bản.
Từ ấy đến nay đã có gần hai trăm bài viết bàn về sự nghiệp và tác phẩm của ông. Hơn tám thập niên đi vào đời sống, văn chương Võ Hồng đã khắc họa chân dung tinh thần của tác giả như một nhà văn có vị trí vững chắc trên văn đàn nửa cuối thế kỷ XX. Nay là dịp thuận lợi để chúng ta đào sâu suy nghĩ tìm ra những phẩm chất văn chương đặc biệt ở Võ Hồng và góp phần làm một tổng kết về sự nghiệp của ông."
Ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phát biểu tại hội thảo
Nhà văn, nhà giáo Võ Hồng sinh ra tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nhưng dành phần lớn cuộc đời sinh sống và dạy học ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, từ năm 1956 cho đến khi mất đi vào năm 2013. Võ Hồng được trao Giải thưởng Cống hiến của Hội Nhà văn Việt Nam trong lần tổ chức lần đầu tiên vào năm 2017.
Nói về giá trị trong những sáng tác của Võ Hồng, ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đánh giá: "Văn của Võ Hồng đưa chúng ta về với những giá trị vĩnh hằng, xuyên qua mọi thời đại, xuyên qua mọi biên giới".
Nhà văn Võ Hồng sinh tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nơi đây có cầu Ngân Sơn, sông Phường Lụa, gần nhà thờ Mằng Lăng, núi A Man và đường ra gành Đá Dĩa. Giấy khai sinh Võ Hồng ghi là 05/5/1921, nhưng theo lời ông đã kể, ông sinh vào ngày Năm, tháng Chạp năm Nhâm Tuất (tức ngày 21/1/1923).