
Ông Kit Yong, Đồng sáng lập Forte Biotech
Forte Biotech là một startup công nghệ xanh do Kit Yong (Singapore) và Michael Nguyễn (Việt Nam) đồng sáng lập, chuyên phát triển các bộ kit xét nghiệm chẩn đoán nhanh tại chỗ để phát hiện bệnh trên tôm.
Ý tưởng khởi nghiệp bắt nguồn từ thời cả hai còn là bạn học tại Trường Trung học NUS ở Singapore. Trong các chuyến đi tình nguyện cùng nhau, họ đã tận mắt chứng kiến tác động nghiêm trọng của dịch bệnh đối với người nông dân – đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản – từ đó thôi thúc họ tìm ra giải pháp công nghệ giúp phát hiện sớm và giảm thiểu thiệt hại.
Công ty Forte Biotech đã nghiên cứu, cung cấp bộ công cụ chẩn đoán nhanh với tên gọi RAPID, có thể giúp nông dân tự xét nghiệm và cho kết quả chính xác ba loại bệnh phổ biến trên tôm nước lợ, bao gồm bệnh đốm trắng; EHP (EHP là bệnh vi bào tử trùng do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei gây ra); bệnh EMS (Early Mortality Syndrome) hay còn gọi là hội chứng hoại tử gan tụy cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Syndrome - AHPNS).
Bộ công cụ xét nghiệm gồm hai thiết bị chính: một máy tách chiết ADN và một máy đọc kết quả. Để phát hiện tôm có nhiễm một trong ba loại bệnh đã nêu hay không, cần sử dụng thêm các kit riêng biệt chứa ADN đặc hiệu tương ứng với từng loại bệnh.
Bộ kit này đã được cấp bằng sáng chế tại Singapore và nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN. Điểm nổi bật của giải pháp là khả năng cho kết quả chính xác ngay tại hiện trường, với độ chính xác lên đến hơn 92% và ngày càng được cải thiện nhờ quá trình nghiên cứu và tối ưu liên tục của đội ngũ Forte. Đây là một tính năng mà ít bộ kit hiện nay có thể đáp ứng được ở mức chi phí hợp lý.
Chia sẻ với báo chí, ông Kit Yong, Đồng sáng lập Forte Biotech, cho biết tính đến tháng 6 năm 2025, Forte Biotech đã cung cấp tổng cộng hơn 7.000 bộ xét nghiệm cho các thị trường trong và ngoài nước.

Khách hàng tìm hiểu giải pháp của Forte Biotech
Ngoài điểm mạnh test nhanh của sản phẩm Forte Biotech còn có lợi thế từ giá thành, khoảng 500 USD, thấp hơn 4 lần so với các thiết bị được sử dụng trong các phòng thí nghiệm.
Nhờ vậy tỷ lệ tái mua rất cao, đặc biệt tại Việt Nam, Thái Lan, Philippines, và Indonesia, nơi mà bệnh theo mùa khiến nhu cầu sử dụng tăng trở lại. Thông kế từ công ty cho thấy có khoảng 60% doanh thu quý gần nhất đến từ khách hàng cũ.
Forte Biotech hiện đang tích cực mở rộng quy mô tại Đông Nam Á và đang nhận được sự quan tâm từ các quốc gia nuôi tôm tại Mỹ Latinh. Sản phẩm cũng sẽ sớm được thử nghiệm xác thực cùng với Đại học Arizona và hiện đang trong quá trình xin cấp phép tại Thái Lan và Philippines.
Ông Kit Yong mong muốn thay đổi thói quen của nông dân nuôi tôm, từ việc chỉ xét nghiệm khi có dịch bệnh sang kiểm tra chủ động định kỳ để quản lý trại tôm tốt hơn.
"Chúng tôi đã triển khai thí điểm, kết quả hộ nông dân đã tăng gấp đôi lợi nhuận và giảm một nửa lượng kháng sinh nhờ dùng bộ xét nghiệm nhanh. Forte Biotech, triển khai gói xét nghiệm định kỳ, giúp giảm rào cản chi phí ban đầu và hình thành thói quen kiểm tra thường xuyên cho nông dân. Đồng thời, tích hợp app di động để theo dõi sức khỏe vật nuôi định kỳ và cung cấp khuyến nghị bằng AI, tăng cường hành vi chủ động và có cơ sở dữ liệu hỗ trợ quyết định" – ông Kit Yong chia sẻ.
Về định hướng hoạt động từ nay đến 2026, ông Kit Yong cho biết vẫn còn nhiều dịch bệnh có thể được kiểm soát nhờ chẩn đoán sớm. "Chúng tôi hy vọng sẽ là một phần của giải pháp tại Việt Nam" - ông nói.
Trong vòng hai tháng tới, công ty dự kiến sẽ ra mắt bộ kit xét nghiệm bệnh TPD (bệnh ấu trùng tôm trong suốt) – một mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành nuôi tôm. Bên cạnh đó, họ cũng đang phát triển bộ kit xét nghiệm bệnh Dịch tả heo Châu Phi (ASF), một căn bệnh đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
"Chúng tôi mong muốn hợp tác với các viện nghiên cứu và trường đại học, đặc biệt tại Việt Nam, để thương mại hóa các dòng sản phẩm mới này" - ông Kit Yong bày tỏ.
Về dài hạn, công ty khởi nghiệp xanh này mong muốn trở thành một nhà cung cấp hệ sinh thái nuôi trồng thủy sản toàn diện kết hợp chẩn đoán, dữ liệu và giáo dục.
Đại diện quỹ Touchstone Partners cho biết các công ty khởi nghiệp kinh tế xanh có nhiều rào cản để gia nhập thị trường như nhận thức người tiêu dùng, giá thành sản phẩm...
Việc tiếp cận dòng vốn từ ngân hàng cần các dữ liệu tài chính để đánh giá. Chính vì thế, để một start-up kinh tế xanh phát triển bền vững bên cạnh tầm nhìn dài hạn của các nhà sáng lập, còn sự hỗ trợ từ các bên như doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền.
Thực tế này càng trở nên cấp bách trong bối cảnh ngành tôm – một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ – đang chịu nhiều áp lực từ các rào cản thuế quan. Việc nâng cao chất lượng, tối ưu chi phí và đa dạng hóa thị trường là điều bắt buộc nếu muốn duy trì năng lực cạnh tranh.
"Đó là lý do Touchstone Partners phối hợp cùng đối tác là Temasek Foundation (Singapore) và Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS) tổ chức cuộc thi Net Zero Challenge hàng năm để kết nối các nguồn lực xã hội và tìm kiếm các start-up tiềm năng cùng giải quyết bài toán khí hậu ở Việt nam" - đại diện Touchstone chia sẻ.