LTS: Câu chuyện này viết từ lời kể và tư liệu của anh Nguyễn Hòa Bình- nguyên Trưởng Phòng Công tác chính trị (Công an tỉnh Vĩnh Long). Chuyện xảy ra khoảng tháng 10-1984 tại ấp Sơn Đông (xã Thanh Đức- Long Hồ- Tỉnh Vĩnh Long).
Dù vết tích để lại tại hiện trường rất mong manh, nhưng với sự tận tụy, hết lòng hết sức vì công việc như những lời Bác Hồ dạy công an, các trinh sát đã tìm ra thủ phạm của vụ án.
Nghe các em bé chăn trâu nói trong khu vườn có “ma” rất ghê, Công an xã Thanh Đức liền nhờ các em dẫn đi xem. Đi gần đến nơi đã nghe mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, anh em thận trọng bước đến thì phát hiện một xác người chết nằm dưới bùn, đang trong thời kỳ phân hủy nặng.
Tin án mạng được báo ngay cho Công an tỉnh. Nhận được tin, trinh sát hình sự- Công an tỉnh Cửu Long (lúc chưa tách tỉnh) nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Xác chết đã rã thịt nên rất khó nhận định hình dạng rõ ràng, cụ thể.
Trinh sát chỉ biết đây là nữ qua phần tóc dài đã rụng, chiếc áo sọc ca rô màu đỏ và chết khoảng 10 ngày. Nguyên nhân vì sao chết thì không có dấu vết gì để kiểm tra, kiểm chứng. Hiện trường xung quanh cũng không có dấu vết gì để lại.
Đi tìm nguyên nhân vụ án là điều không dễ dàng với một hiện trường như vậy. Trinh sát chỉ còn biết nắm thông tin trong quần chúng.
Anh Tư đến nhà bà Tám ở gần khu vực đó để hỏi thăm. Bà Tám nhớ lại và nói: “Cách đây khoảng 10 ngày, có một thanh niên khoảng 30 tuổi, chở 2 cô gái bằng xe honda.
Họ dừng lại phía trước nhà tôi. Họ có cự cãi với nhau điều gì đó rồi 2 cô gái rủ nhau đi về phía trong khu vườn, nơi có xác chết mà công an vừa phát hiện”.
Đứa cháu ngoại bà Tám đứng nghe kế bên, góp thêm thông tin. Nó nói có thấy một cô gái đưa cho người thanh niên chạy xe đôi dép “sa bô” rồi nói: “ Tôi hết tiền rồi, anh không lấy thì thôi”.
Anh Tư hỏi thăm lần lần và tìm ra người thanh niên chạy xe. Người đó chính là anh Phước- giáo viên dạy cấp I ở Phường 2- TX Vĩnh Long (TP Vĩnh Long ngày nay). Ngoài giờ dạy, anh chạy xe honda ôm để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình.
Nhưng khi đến nhà hỏi thăm thì rủi thay và cũng đau xót làm sao, anh Phước đã bị bọn cướp giết chết và cướp xe cách đó 2 hôm.
Đầu mối của vụ án vừa được mở ra, vừa mới nhen nhóm như ngọn lửa nhỏ thì đột nhiên tắt phụt. Nhưng, trinh sát vẫn còn một tia hy vọng mong manh, đó là tìm được đôi dép “sa bô” cũ mà hôm đó cô gái đi xe ôm đã đưa cho anh Phước để thế tiền xe.
Trở lại xóm nhà gần hiện trường, anh Tư được chị Thanh cho biết thêm: Cách đây khoảng hơn 10 ngày, chị đang ngồi giặt quần áo, thấy có 2 người con gái đi ngang nhà. Một người mập mạp lớn con; một người lùn hơn, hơi ốm.
Chị còn nhớ cô gái ốm mặc áo sọc ca rô màu đỏ. Hồi lâu, chị thấy chỉ có người mập trở ra, còn người ốm không thấy.
Trinh sát liền tiến hành kiểm tra hộ khẩu ở ấp Sơn Đông, đặc biệt chú ý những cô gái có độ tuổi tương đương theo lời kể của bà Tám, chị Thanh.
Qua đó, các trinh sát phát hiện Phan Thị Hà (tên thường gọi là Mười Ba) đã đi vắng khỏi địa phương không có lý do cách đây khoảng 10 ngày. Trinh sát đưa đôi dép “sa bô” ra, người trong gia đình xác nhận đó là đôi dép của Mười Ba.
Truy tìm đến đây thì Mười Ba đã trở thành đối tượng chính của vụ án. Nếu không có vấn đề gì thì tại sao cô ta bỏ nhà trốn đi và đi đâu, làm sao tìm?
Hỏi thăm thêm, có người báo tin Mười Ba cũng đã từng đi buôn lậu, thường đi tuyến đường Vĩnh Long- TP HCM.
Các trinh sát không quản ngày đêm, đón từng chuyến xe, lục khắp các bến phà, bến xe, những nơi tụ tập của các bạn hàng…, nhưng cũng không thấy tăm hơi. Vụ án càng lúc càng như bế tắc.
Anh Tư chỉ còn biết trở về địa phương để nắm thêm thông tin. Lân la hỏi thăm, bà con cho biết thêm một tình tiết nữa, là có lúc Mười Ba làm gái “đứng đường”.
Các trinh sát liền tìm đến những nơi có gái đứng đường, tìm đến những nhà trọ, những “hang ổ” có chứa gái… trên địa bàn tỉnh.
Nhưng vẫn không tìm được Mười Ba. Cô này “xuất quỹ nhập thần”, tìm biết bao nhiêu nơi mà vẫn không bóng dáng. Thời điểm này, các cơ sở ở các địa bàn trọng điểm cũng liên tục báo cáo tình hình. Một anh trong cơ sở mật báo một tin quan trọng. Anh nói vừa mới nghe người bạn than thở.
Người bạn (tên H.) kể: “Hôm rồi, tôi làm quen được với một cô gái tại công viên Vĩnh Long. Cô ta rủ rê tôi ngủ qua đêm, tôi nhẹ dạ nên nhận lời. Sướng đâu chưa thấy, sáng ra giật mình thức dậy thì trên người chỉ còn cái quần ngắn.
Đồng hồ, nhẫn vàng, tiền bạc, quần áo đều biến mất cùng con nhỏ đó. Cô ta còn để lại một mảnh giấy ghi mấy câu: “Tôi mượn tạm số đồ của anh. Chừng nào cóc mọc râu tôi sẽ đem trả lại. Good bye”.
Anh Tư nhờ cơ sở hỏi mượn mảnh giấy đó, rồi đem mảnh giấy về ấp Sơn Đông, đến nhà Mười Ba tìm những giấy tờ có ghi bút tích của cô ta để so lại tuồng chữ, thì đó đúng là nét chữ của Mười Ba. Vụ án đã dần dần tìm ra manh mối.
** *
Một căn nhà lá nho nhỏ nằm sâu trong con hẻm tối. Căn nhà này là nơi dành cho những đôi trai gái mới quen, cần giải quyết nhu cầu sinh lý theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Đêm đó, anh H. cùng một số trinh sát mật phục tại khu vực phía trước căn nhà.
Khoảng 10 giờ đêm, từ ngoài cổng có một cô gái dáng mập mạp bước vào. Đi theo sau là một thanh niên nhỏ con, điệu bộ rụt rè. Cô gái động viên kêu vào nhà. Anh Tư nghĩ bụng, có lẽ thêm một nạn nhân nữa sắp bước vào tròng.
Khi cả hai vừa bước vào nhà thì anh Tư cất giọng thản nhiên:
- Cho tôi vô với được không?
- Ai vô!- tiếng cô gái la lên.
- Công an vô!
Cô gái vội quay trở ra. Trinh sát chặn lại:
- Mười Ba! Cô đã bị bắt!
- Mười Ba nào? Tôi có tội gì mà đòi bắt tôi?
Mười Ba chống nạnh hai tay, đứng dang hai chân, ra vẻ nghênh ngang thách thức:
- Các anh là ai? Đến đây làm gì giờ này? Tôi báo cho công an tới bây giờ.
- Chúng tôi là công an, mời chị về cơ quan làm việc.
Dù có dùng dằng ngoan cố đến mấy, cuối cùng cô ta cũng phải về cơ quan công an theo lệnh của trinh sát. Mười Ba ngồi trên chiếc ghế đối diện, trinh sát đưa cho cô ta miếng giấy có bút tích hôm nào. Thị chỉ liếc mắt qua chứ không thèm đọc và cất giọng đanh đá:
- Tại sao các anh bênh vực cho cái thằng sở khanh đó. Nó đã hại cuộc đời tôi, nên tôi phải đối xử với nó như vậy.
- Anh ta là người thứ mấy “hại cuộc đời” chị?
Trước câu hỏi gắt mấu này, Mười Ba làm thinh.
Anh Tư đặt đôi dép “sa bô” lên bàn, trước mặt Mười Ba và anh nhìn thẳng vào mắt thị, nghiêm giọng hỏi:
- Còn cái này, chị biết là gì không, xử lý thế nào?
Nét mặt Mười Ba hơi tái đi nhưng vẫn cố trấn tĩnh, thản nhiên nói:
- Đó cũng là một sự công bằng thôi. Hôm đó, tôi không có tiền trả tiền xe nên buộc phải xử lý như vậy. Nhưng chuyện đó có hại gì tới các anh mà moi móc nó ra.
Lúc bấy giờ, anh Tư mới đặt chiếc áo sọc ca rô màu đỏ lên bàn và nghiêm mặt nói:
- Có liên quan chớ. Bây giờ chị phải trả lời rõ về cái chết của người này. Chỉ có chị mới trả lời được mà thôi.
Nhìn thấy cái áo, đôi tay Mười Ba bắt đầu run rẩy, cố bám lấy mép bàn và tuột dần xuống. Cô ta gục đầu xuống, khóc òa lên. Cuối cùng Mười Ba cũng phải khai nhận mọi hành vi tội lỗi của mình.
Câu chuyện được dựng lại như sau:
Hôm đó, Mười Ba gặp nhỏ bạn tên Bé Hai (mặc áo sọc ca rô màu đỏ) đang đứng đợi mua vé xe đi công tác tại huyện Duyên Hải (Trà Vinh). Gặp thị, Bé Hai nói: “Hôm rồi mày mượn tao mấy bộ quần áo, sao lâu quá không trả. Tao đi công tác xa mà thiếu quần áo mặc, mầy cố gắng trả tao sớm nghen”.
Quần áo của Bé Hai thì thị đã bán hết nên thị liền nghĩ cách đối phó. Suy nghĩ giây lát, Mười Ba nói: “Bây giờ chị đi theo tôi để tôi lấy quần áo trả chị. Tôi đang gởi ở nhà người quen gần đây thôi”.
Nghe vậy, Bé Hai liền đi theo Mười Ba. Mười Ba kêu một chiếc xe honda ôm, chạy đến ấp Sơn Đông. Đến nơi, Mười Ba không có tiền nên đưa đôi dép “sa bô” thế tiền xe cho người chạy xe ôm.
Mười Ba dẫn Bé Hai đi vào khu vườn vắng. Lúc Bé Hai vừa bước qua con mương, Mười Ba liền quật Bé Hai và ra tay sát hại.
Trinh sát nghe Mười Ba khai hành động giết người mà không khỏi rùng mình. Khi được hỏi giữa 2 người có thù hằn, hiềm khích gì trước đó không, Mười Ba trả lời không có.
Không thù hằn gì, chỉ mượn của bạn mấy bộ quần áo mà nỡ nào ra tay sát hại người đã giúp mình. Có ai ngờ và nghĩ ra được chuyện đó. Các trinh sát đã phá được án, đây là một thành tích, song anh em cũng rất đau lòng và phẫn nộ.