Quệt tay chùi nước bọt dính mép sau một hồi cãi nhau trong quán cà phê dịp cuối năm, mấy anh chị hoạt động trong ngành luật “gút”: Phải kiến nghị các trường luật buộc sinh viên phải có đai đen võ thuật, qua các khóa thiền mới cấp bằng ra trường!
Họ cũng thống nhất cao đề nghị “mở rộng đối tượng”, buộc mấy cặp vợ chồng trước khi nộp đơn ly hôn phải có đủ các điều kiện trên vì năm qua nhiều cặp “xử” nhau đến chết, nhiều luật sư, thẩm phám, kiểm sát viên… bị rượt, bị chửi, bị khiêu khích, thậm chí bị “tẩn” rơi kính, bầm mặt giữa chốn công đường!
Khai mà như gây hấn
Trong phiên tòa vào tháng 6-2018, những người ngồi ghế xét xử ở tòa Cần Thơ được dịp kiểm nghiệm “trình độ kìm nén” trước cách trả lời của bị cáo Hồ Việt Bảo.
Người này bị truy tố về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Khi VKS vừa công bố cáo trạng, bị cáo “độp” ngay: Bị cáo vận chuyển ma túy một lần mà cáo trạng nói nhiều lần là không đúng. Đến phần xét hỏi, Bảo khai vận chuyển bốn lần và đính chính là “chỉ có một lần bị bắt” chứ không phải nhiều lần. “Mấy lần trước bị bắt thì nay bị cáo đâu có đứng ở đây” - đại diện VKS nói.
Đến khúc VKS hỏi “có biết tác hại của ma túy?”, Bảo trả lời tỉnh rụi: “Dạ không!”. Để buộc “bị cáo phải biết”, VKS nêu học vấn của bị cáo là gần hết cấp hai, các bảng tuyên truyền đầy ngoài đường, chương trình ti vi, báo chí luôn đề cập tác hại của ma túy… Lúc này Bảo mới nói là có nghe, có thấy. “Vậy sao bị cáo nói không biết tác hại?”. “VKS hỏi thì bị cáo trả lời vậy thôi!” - Bảo đáp gọn.
Cái cách “đối đáp lượm liền”, trả lời trớt hướt này của Bảo cũng giúp những người dự tòa xả stress nhưng dễ làm người thẩm vấn lên máu!
Tòa mời ngồi nhưng luật sư cứ đứng
Đầu năm qua, TAND Cấp cao tại TP.HCM đi xử lưu động ở Bình Phước. Vì xử nhiều vụ nên có đông luật sư đến cãi cho thân chủ, trong đó vụ Phạm Duy Lăng bị xét xử tội giết người có hai luật sư bào chữa.
Sau khi làm thủ tục bắt đầu phiên xử, tòa thấy luật sư cứ đứng nên nói: “Mời luật sư vào chỗ ngồi”. Luật sư của bị cáo Lăng cứ đứng và đáp: “Tôi không có chỗ, đừng nói là mời tôi xuống ngồi chung với người dự tòa…”. Lý do là tòa tỉnh này bố trí bàn của luật sư hẹp, lại bị luật sư các vụ án sau “chiếm chỗ” nên tòa phải thay bằng chiếc bàn khác dài hơn cho luật sư ngồi ngang bằng với đại diện VKS.
Chuyện tưởng có xíu nhưng để luật sư được ngồi ngang bằng với VKS như thế phải trải qua quá trình hàng chục năm trời nên đôi khi tòa mời theo thói quen mà quên mất vị thế của luật sư, họ đâu chịu bước thụt lùi.
Bị “truất quyền thi đấu” khi đang cãi
Chuyện là ở phiên tòa cuối tháng 6-2018 tại Tòa án tỉnh Bến Tre, khi bào chữa cho bị cáo, luật sư ĐHP (Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên-Huế) quá nhiệt tình bảo vệ cho thân chủ nên khi thẩm vấn đã sử dụng thêm ngôn ngữ hình thể là vỗ tay xuống mặt bàn. Vì hành vi này cộng với những nhắc nhở trước đó nên chủ tọa đã “mời” luật sư P. ra khỏi phòng xử án, không cho tiếp tục tham gia phiên tòa. Ngay tắp lự, cảnh sát bảo vệ đã thực hiện lệnh của chủ tọa.
Trên sân cỏ, cầu thủ phạm quy bị trọng tài nhắc nhở, rút thẻ cảnh cáo hoặc truất quyền thi đấu như “một phần tất yếu của cuộc sống”. Thế nhưng luật sư bị tòa “rút thẻ đỏ” thuộc diện kỳ cục.. hiếm.
Ra tòa để “xin tí huyết”!
Chuyện tòa tuyên án không vừa lòng cho mọi người là điều gần như hiển nhiên nên nguyên đơn, bị đơn cãi nhau chí chóe , lao vào đánh nhau xảy ra hà rầm. Thế nhưng vừa mới kéo nhau ra tòa đã mất mạng thuộc diện “trăm năm mới có”.
Tháng 9-2018, vợ chồng Nguyễn Văn Hùng đến TAND thị xã Buôn Hồ , tỉnh Đắk Lắk để hòa giải vụ ly hôn. Sau khi tòa hòa giải, hai vợ chồng ra hành lang tòa án ngồi rỉ rả để có dịp nghĩ lại. Chẳng biết họ tâm sự kiểu gì mà anh chồng rút dao thủ sẵn trong người tấn công chị vợ làm người này tử vong.
Tạt acid, thuê người rạch mặt, tung ảnh nóng, đe dọa xử đẹp, tẩn nhau bươu đầu sứt trán khi ly hôn vẫn xảy ra hà rầm. Nhưng bạo lực đến độ đoạt mạng người phối ngẫu, rồi trước đó có những chuyện vợ chồng ra tòa “xin nhau tí huyết”, mua xăng về “sưởi ấm tình xưa” thì xem ra mức độ nguy hiểm trong hôn nhân ngày càng leo thang!
Cãi… “lộn tiệm”
Công đường thi thoảng cũng xảy ra chuyện luật sư vào nhầm phòng xử, kiểm sát viên công bố nhầm cáo trạng vụ trước vụ sau… Nhưng chuyện luật sư không nhầm phòng, nhầm vụ, không bảo vệ thân chủ mà đi cãi “lộn tiệm” là điều ít thấy.
Chuyện xảy ra ở phiên tòa xử Danh Minh Thành giao cấu với người dưới 16 tuổi hồi tháng 9-2018. Vụ này có ba luật sư bảo vệ cho bị hại 14 tuổi. Ở phần nêu quan điểm, hai luật sư đề nghị phạt nặng bị cáo Thành thì bất ngờ luật sư Ng. của bị hại lại quay qua bảo vệ cho bị cáo. Sau khi nêu hàng loạt “lỗi” của thân chủ, luật sư Ng. yêu cầu tòa tuyên án nhẹ. Bất ngờ với việc này, luật sư “cùng chiến tuyến” đã phản đối và trong bản án, tòa đã bác quan điểm cãi “lộn tiệm” của luật sư Ng.
Đành là luật sư có lắm sứ mệnh như bảo vệ công lý, công bằng, lẽ phải… nhưng điều tối quan trọng là bảo vệ thân chủ. Khi nhắm “không ăn” thì rút, sao lại đi cãi hộ cho người đối lập với thân chủ của mình?
* * *
Năm 2018 còn lắm chuyện “hay đến ho” xảy ra ở chốn tôn nghiêm như kiểm sát viên bị đánh xịt máu mũi, còn phóng viên tác nghiệp bị “tẩn” chảy máu đầu ở phiên xử ngày 23-7 tại Tòa án huyện Bình Chánh, TP.HCM. Hay một luật sư đến tòa liền bị cựu thư ký “táng” cho choáng váng mặt mày ở thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Do đó, kiến nghị các sinh viên trường luật học võ, tập thiền xem ra cũng… có lý.