Trong chụp ảnh thể thao, chụp ảnh bóng đá luôn được xem là khó nhất so với các môn ngoài trời, bởi phần quan trọng của bức ảnh chính là khoảnh khắc. Ngoài ra, các phóng viên khi chụp bóng đá luôn bị hạn chế về vị trí đứng cũng như sự di chuyển và không được sử dụng đèn Flash.
Phương tiện
Để có một bức hình bóng đá đẹp, điều quan trọng là ống kính (lens) phải tương đối. Nếu là “con nhà nghèo”, chí ít cũng phải có lens 70-200 mm f2.8. Nếu có điều kiện tài chính, nên đầu tư hẳn lens 300 mm f2.8 hoặc 400 mm f2.8. Với điều kiện ánh sáng trên các sân bóng đá của Việt Nam, cần hạn chế đầu tư ống kính có khẩu độ 4 vì hiện tại, sân Việt Nam đèn vẫn chưa đủ sáng để có thể chụp tốt vào ban đêm. Nhưng nếu bạn chụp trên các sân vận động nước ngoài, điển hình như Singapore và Thái Lan, ống kính f4 sẽ cho ảnh chấp nhận được. Bạn cũng nên đầu tư 1 lens wide cỡ 24 mm để chụp cận cảnh khi cầu thủ ăn mừng, chạy về sát khán đài.
Đặc biệt, nên chọn thẻ nhớ có dung lượng từ 1 GB trở lên tùy theo nhu cầu và chọn định dạng ảnh chụp có đuôi Raw hay chỉ đơn thuần là đuôi JPG, bởi trong các pha bóng đẹp, điều khó chịu là bất ngờ hết thẻ nhớ.
Chế độ chụp
+ Ở tầm xa: Nếu dùng ống tele zoom, hạn chế zoom bởi như thế sẽ dẫn đến tình trạng hình loãng. Luôn đặt ở tiêu cự cao nhất (ví dụ 200 ở lens 70-200). Do vậy, ống fix luôn là lựa chọn tối ưu.
+ Tốc độ: Trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, tốc độ luôn là ưu tiên hàng đầu. Ở bóng đá, trong thời điểm ánh sáng trung bình, tốc độ sử dụng thường là 1/1000 (ISO 200-400 ASA). Ở ánh sáng đèn, tốc độ thường sử dụng dao động từ 1/250 đến 1/500 (điều kiện kèm là ISO 1000 đến 1600).
+ Khẩu độ: Luôn để khẩu lớn nhất khi có thể, để bức ảnh luôn có độ sáng tiêu chuẩn. Bởi khi chụp bóng đá, tốc độ rất cao, nếu bạn để tốc độ cao mà khẩu độ không hợp lý, bức hình sẽ rất tối.
Các ống kính có tiêu cự lớn sử dụng trong chụp ảnh thể thao - Ảnh: Dpreview.com
Khoảnh khắc chụp
+ Nên hay không nên chụp chế độ liên tiếp: Ở những dòng máy hiện đại, tốc độ chụp được nâng cao từ 8,5 khung hình/giây đến 11 khung hình/giây. Nhưng thực ra, với những phóng viên ảnh lão làng như Dư Hải (báo Thể thao TPHCM), Hoàng Hùng (báo SGGP) hay Bạch Dương (báo Thanh Niên), những bức hình đẹp luôn được chụp bởi kinh nghiệm nắm bắt khoảnh khắc hơn là lạm dụng chụp liên thanh. Nếu muốn có bức ảnh bóng đẹp, nên trực tiếp đến tận sân xem các trận bóng, ở đó chúng ta sẽ có được cảm giác vào bóng của các cầu thủ, để khi chỉ cần nhìn động tác, chúng ta sẽ biết được động tác tiếp theo để bấm máy. Với phóng viên Dư Hải, vào năm 2001, chỉ với chiếc Canon EOS D30 3 khung hình/giây, anh vẫn có ảnh đẹp để đoạt giải quốc tế.
Ảnh cận cảnh cầu thủ Trọng Hoàng bày tỏ vui mừng khi chiến thắng - Ảnh: Quang Liêm
+ Bố cục ảnh: Nếu cần nói lên sự tranh chấp hay những pha vào bóng nguy hiểm, chúng ta nên chụp cận cảnh để lấy bằng được cái hồn của bức ảnh.
Nếu muốn kể một câu chuyện của bức ảnh như là cảnh đơn độc, cảnh ăn, chúng ta có thể lấy rộng. Nhưng đừng chụp bức ảnh quá rộng, người nhỏ và cả bóng nhỏ, người xem hình sẽ không hiểu gì.
Tại sao phải đầu tư những ống kính có khẩu độ cao và fix (cố định tiêu cự)? Bởi các ống kính này đều bắt nét cực nhanh và cho ra hình ảnh trong, ít nhiễu. |