Tại lễ tuyên dương Người nông dân tiêu biểu TPHCM lần thứ 2 mới đây, bên cạnh những kỳ hoa dị thảo được các gương điển hình nông dân đem tới trưng bày thì những chậu lan hồ điệp, cát lan gia rực rỡ luôn thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Chủ nhân của những chậu lan ấy là nghệ nhân Bùi Văn Ngọc (Tám Ngọc) - người vinh dự nhận danh hiệu Nông dân tiêu biểu của TPHCM với nghề trồng lan.
Đam mê từ nhỏ
Vườn lan của nghệ nhân Tám Ngọc ở khu phố 2, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức- TPHCM chỉ rộng 100 m2 nhưng có hàng ngàn chậu lan. Ngoài giống lan cắt cành như denro, mokara, vườn còn những giống hiếm như cát lan gia, hồ điệp, ngọc điểm, vũ nữ, báo hỷ... Tôi đến khi ông đang lui cui kiểm tra từng gốc lan với chiếc bình phun nước trên tay. Dáng người nhỏ bé của ông lẩn khuất giữa hàng ngàn cánh hoa đang đua nở.
Nhân giống lan quý
Nghệ nhân Tám Ngọc chỉ trồng những giống lan cao cấp như cát lan gia, hồ điệp, vũ nữ... Ông cho biết: “Ngày ấy, mỗi chậu lan đẹp như cát lan gia hay hồ điệp trị giá cả lượng vàng. Chính vì vậy, khi bán hoa, những chủ vườn thường dùng kim chích vào các mắt cây để người trồng không thể nhân giống được”. Tuy vậy, bằng những kiến thức được học trước đây cộng với việc nghiên cứu các tài liệu, ông đã ứng dụng thành công việc trồng và nhân giống nhiều loài lan quý.
Ông Bùi Văn Ngọc bên những chậu lan của mình
Nhiều năm trồng lan, ông đã đúc kết kinh nghiệm: Lâu tàn nhất là lan hồ điệp với tuổi thọ của bông từ 2-3 tháng. Kế đến là cát lan gia khoảng một tháng mới tàn, còn ngọc điểm thì chỉ 10 ngày. Nhưng đắt nhất là cát lan gia vì chúng cho bông to đẹp, cánh lại uyển chuyển. Chỉ riêng với loài cát lan gia, ông đã lai tạo ra nhiều màu sắc khác nhau như xanh đậm, xanh da trời, sô-cô-la, rượu chát, đỏ hồng, đỏ tía, vàng… Ngoài ra, ông còn có nhiều giống lan khác như vũ nữ, báo hỷ, hồ điệp cho bông to, cánh đẹp với nhiều màu sắc.
Niềm vui với nghề
Chỉ với diện tích 100 m2 nhưng mỗi năm, nghệ nhân Tám Ngọc thu được khoảng 100 triệu đồng từ việc bán hoa. Đó là chưa kể đến tiền bán những giống lan đặc biệt như cát lan gia, hồ điệp, vũ nữ...
Ngoài việc trồng lan, nghệ nhân Tám Ngọc còn tham gia dạy nghề miễn phí cho nhiều bà con trong vùng. Vào thứ bảy, chủ nhật, ông còn được Hội Nông dân TPHCM, Trung tâm Khuyến nông Bình Dương mời giảng dạy về nghề trồng lan cho nông dân. Chỉ riêng tại Bình Dương, đến nay, ông đã tổ chức được 11 lớp dạy nghề miễn phí cho nông dân thuộc CLB Hoa lan cây cảnh. Ông Nguyễn Thành Giàu, ở huyện Bến Cát- Bình Dương, cho biết: “Trước đây tôi trồng sứ nhưng thu nhập không cao. Từ khi có dịp gặp thầy Ngọc qua chương trình dạy nghề miễn phí, tôi đã chuyển sang trồng lan. Giờ đây, vườn lan của tôi đang thu hoạch, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định”.
Nghệ nhân Tám Ngọc tâm sự: “Tôi nghĩ mô hình trồng lan rất phù hợp cho những nông dân thuộc diện bị thu hồi đất hay thanh niên nhàn rỗi, không có công ăn việc làm. Trong định hướng phát triển của mình, ngoài việc dạy nghề cho bà con, tôi sẽ tiếp tục nhân giống lan mới để phục vụ nhu cầu phát triển, hướng đến mục tiêu xuất khẩu trong tương lai”. |