Đọc bài viết Trẻ sống thật ở đâu, tôi cũng muốn chia sẻ nỗi băn khoăn. Là giáo viên chủ nhiệm của nhiều lứa học trò, tôi thấy một điều rất rõ: nếu học sinh của tôi thuộc cộng đồng LGBT, phụ huynh hầu như không chấp nhận sự thật.
Khi con đang loay hoay đi tìm câu hỏi "tôi là ai" thì cha mẹ lại khẳng định: "Con tao không có loại nửa nạc nửa mỡ".
Cha mẹ nên làm quen với các kiến thức giới tính hiện đại để bắt kịp tâm lý của con - Ảnh minh họa
Tôi từng chú ý tới kiểu mặc quần jean bó sát của một học sinh. Em ấy tên Thành nhưng trong tờ giấy kiểm tra lại viết tên "Hương".
"Hương" là cái tên không có trong sổ gọi tên ghi điểm, do vậy khi trả bài cho cả lớp, bài viết ấy ở nằm cuối cùng. Cuối tiết học, Thành lên bảng và nhận bài kiểm tra ấy là của mình.
Sau chút bất ngờ, tôi ra hiệu cho em xóa một trong hai từ tôi sắp viết trên giấy: "girl or boy" (trai hay gái). Thành đã lấy bút gạch chữ "boy" và nhìn tôi như tìm kiếm sự cảm thông.
Tôi cảm thông, nhưng chất nữ tính trong Thành gây khó chịu với đám bạn học siêu quậy. Cậu ấy trở thành tâm điểm mỗi khi có chủ đề nhạy cảm. Áp lực ở trường chưa hết thì cha mẹ của Thành ở quê nhà vùng cao cũng nghe đồn "con trai pê đê" nên đã triệu hồi em về để "chữa bệnh". Thành phải gác lại nhiều dự định trở về nhà để "được" cúng ma, trừ tà…
Cha mẹ nào khi sinh con ra cũng đều mong muốn chúng khỏe mạnh, nhưng theo thời gian lại có thêm một nỗi lo mơ hồ khác "con mình có thật sự đúng với giới tính của nó không?". Bởi lẽ, trên phim ảnh hay trong đời thực, ta vẫn gặp không ít câu chuyện như thế.
Dõi theo con từ những biểu hiện và thay đổi giới tính qua từng giai đoạn trưởng thành, nhưng khi con gái bước vào lớp 10, chị bạn đã điện thoại cho tôi cả đêm để kể về bí mật "động trời", rằng "cái Loan nhà mình dẫn bạn gái về nhà và đóng cửa ôm nhau".
Phương án được cho là tối ưu của gia đình là đưa con về ngoại cách xa 400 cây số. Những tưởng khoảng cách địa lý khiến lũ trẻ không liên lạc được với nhau, nào ngờ chúng nghỉ học để ở nhà gặp nhau qua Facetime "cho đỡ nhớ".
Một phụ huynh của lớp tôi đã phản ứng mạnh khi phát hiện con trai ngồi sau xe ôm eo một anh hàng xóm. Nhưng càng cấm thì con anh lại càng công khai và quyết liệt hơn. Mỗi lần nhà có việc, bạn trai của con trai anh cũng có mặt, chúng quấn quýt bên nhau như thể xung quanh chẳng có ai tồn tại. Cha mẹ tỏ ra bực bội là cả hai rú xe máy và bỏ đi. Thôi thì, trời không nghe đất thì đất phải nghe trời, anh phụ huynh ức lắm nhưng cũng đành làm ngọt, vì không muốn mất con.
Một trường hợp khác, giáo viên không còn bất ngờ khi học sinh nữ cả lớp mặc áo dài, chỉ có Quỳnhlà không. Đây là trường hợp "đặc cách" bởi cha mẹ em đã trực tiếp đến xin nhà trường về trang phục của con.
Sự nhập cuộc sớm của cha mẹ đã đưa Quỳnh được sống thật với chính mình. Quỳnh có bạn gái, và hai em được gia đình hai bên chào đón để học nhóm tốt hơn.
Rất ít cha mẹ thừa nhận các mối tình đồng giới của con - Ảnh minh họa
Dám đối diện với những sai lệch, thất bại của con là điều không phải cha mẹ nào cũng làm được. Người thành thị ít sợ điều tiếng nhưng lại nơm nớp môi trường sống phức tạp con dễ bắt chước đua đòi.
Cha mẹ ở nông thôn, ở vùng núi khó lòng chấp nhận sự thật trớ trêu này. Họ sợ dư luận hơn là tìm hiểu xem con mình đang có những suy nghĩ, mong muốn gì cần sẻ chia.
Sự non dại trong suy nghĩ cùng sự nổi loạn của lứa tuổi, nếu không có sự thấu hiểu, cảm thông từ người lớn sẽ trở thành ngõ cụt với những đứa trẻ đang đau khổ đi tìm mình là ai.