Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em đang trăn trở về khái niệm "không gian riêng". Xưa nay em tự thấy mình là người khá hiện đại, văn minh. Không bao giờ em hình dung mình rơi vào cảnh của người phụ nữ bị xem là "thiếu văn minh", mà lại là do người yêu mình đánh giá.
Ngay từ khi gặp anh, em đã có cảm giác an toàn như đây chính là người đàn ông sẽ gắn bó với mình. Anh ấy rất chừng mực, không quá chiều chuộng em. Ngược lại, với những vấn đề dễ phân hóa quan điểm, anh dành thời gian để phân tích cho em những hướng tiếp cận rồi từ đó tôn trọng quan điểm sau cùng của em. Tụi em cùng nhau nấu ăn, nghe nhạc và bàn về mọi thứ. Rất bình đẳng và thú vị.
Mọi thứ không có vấn đề gì cho đến khi em nhận ra anh ấy rất cảnh giác với điện thoại, ví tiền và máy tính cá nhân của mình. Biểu hiện bảo vệ quyền riêng tư của anh ấy gần như vượt qua giới hạn thông thường.
Anh ấy luôn úp mặt vào điện thoại. Mỗi lần rời khỏi bàn, anh luôn mang theo những món đồ riêng tư. Em bắt đầu để ý thấy vì có lần anh vào bếp lấy trái cây, biết trước đôi tay sẽ vướng víu với đồ đạc nhưng anh vẫn mang điện thoại và ví tiền theo.
Em hỏi: "Sao anh không để đó?", thì anh lại giảng cho em về quyền riêng tư. Lúc đầu em cũng xuôi xuôi, nhưng về sau em càng lúc càng lấn cấn. Em không bao giờ có ý định xâm phạm những món đồ riêng tư của anh ấy. Nhưng hành động luôn cách ly bạn gái với cái điện thoại của mình ở anh ấy khiến em cảm thấy bị coi thường.
Có lúc đang cùng xem phim trên máy tính thì anh phải chạy ra đầu ngõ nhận hàng online. Lúc chạy đi, anh cẩn thận tắt luôn máy tính rồi nói: "chờ anh về xem tiếp". Đó cũng là một hành động mà theo anh ấy là bình thường, theo nguyên tắc riêng tư. Lắm lúc, em cảm thấy bị xúc phạm vì rõ ràng anh ấy không hề tin rằng em sẽ tôn trọng nguyên tắc riêng tư đó.
Có phải em suy nghĩ nhiều quá không? Em muốn đối thoại với anh ấy nhưng mỗi lần nhắc đến, câu chuyện lại rơi vào những phân tích về quyền riêng tư cũ mèm, rồi em lại thấy mình dở hơi. Nhưng cảm giác lấn cấn vẫn luôn lặp lại cho em những cảm xúc rất tệ về giao tiếp giữa hai người...
Duyên Hải (TP HCM)
Ảnh minh họa
Em Duyên Hải mến,
Thực tế, ai cũng có những bí mật cá nhân không thể chia sẻ với người khác, dù đó là bạn đời mình. Bí mật đó có thể là một điều sai trái. Nhưng, vẫn có những bí mật không sai trái, chỉ là nó riêng tư đến mức người ta không muốn có một ánh mắt nào khác nhìn vào. Bảo vệ nó là điều chính đáng. Thậm chí, là người yêu/bạn đời của nhau, ta càng nên tôn trọng và giúp đối phương tự do với vùng bí mật đó của họ.
Chính vì vậy, Hạnh Dung vẫn tán thành việc tôn trọng những vật dụng và không gian riêng tư của người khác, dù đó là người yêu/bạn đời mình. Thế nhưng, câu chuyện của em còn có một vấn đề rộng hơn cả quyền riêng tư. Đó là câu chuyện tôn trọng, tin tưởng nhau.
Cảm giác lấn cấn hiện tại của em, theo Hạnh Dung hiểu, chính là cảm giác bị đề phòng bởi chính người mình yêu thương. Đó còn có thể là cảm giác bị xem thường, bị đánh giá quá thấp về một nguyên tắc căn bản.
Vậy nên, người yêu em không cần phải lý giải thêm về nguyên tắc riêng tư khi đối thoại về vấn đề này. Càng lý giải, càng khiến em có cảm giác bị xem như kẻ chẳng biết gì về quyền riêng tư, gây cho em "cảm xúc tệ".
Trong khi, vấn đề em quan tâm không nằm ở cái điện thoại hay một bí mật nào đó mà anh ấy muốn bảo vệ. Vấn đề chính là thái độ đề phòng, thiếu tin tưởng của anh ấy với em.
Khi trò chuyện về vấn đề này, em đừng để câu chuyện rơi vào bí mật đằng sau chiếc laptop, cái ví, hay điện thoại. Em hãy nói với anh ấy về cảm giác không được tôn trọng, cảm giác bị đề phòng, cảm giác người yêu không hề tin tưởng khi luôn chủ động cách ly em khỏi những vật dụng đó.
Bảo vệ quyền riêng tư rất khác với việc đề phòng, xem đối phương như một thế lực sẵn sàng xâm lược không gian riêng của mình. Việc tôn trọng không gian riêng nhất định phải được duy trì trên nền tảng tự nguyện, tin tưởng và tôn trọng nhau. Bản thân em cũng cần nhắc mình tôn trọng quyền riêng tư của người yêu - chỉ khi đó, việc đòi hỏi sự tôn trọng, tin tưởng từ anh ấy mới hiệu quả.
Hạnh Dung cũng biết nhiều anh, chị luôn kè kè điện thoại bên mình như sợ người khác chực chờ xâm phạm. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là cảm giác của người trong cuộc. Một khi em đã cảm thấy lấn cấn thì cần trò chuyện để hóa giải.
Hãy nói chuyện chân thành và đúng trọng tâm, để câu chuyện không bị dẫn dắt sang hướng… hoài nghi, buộc tội nhau. Có thể, việc giấu nhẹm chiếc điện thoại chỉ là một thói quen của anh ấy, và cuộc nói chuyện không khiến anh ấy từ bỏ được thói quen đó. Nhưng, ít nhất, một cuộc nói chuyện hiệu quả sẽ khiến em hiểu nguyên nhân thực sự đằng sau sự bất thường đó, để thông suốt.
Chúc em sớm hóa giải được trăn trở này.
HẠNH DUNG
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.