Cô vợ gọn gàng trắng trẻo dễ coi, chẳng có tí hơi hướm giang hồ hay gấu mẹ nào, mà vẫn khiến chồng phải loi choi tránh những cú quật tới tấp. Những lời chống chế của chồng đều yếu ớt, kiểu như: "Bị điên à? Về nhà đi. Tầm bậy tầm bạ"… Chưa bao giờ xem cảnh vợ xử lý chồng ra ngoài đùm túm ăn chơi, tụ tập trai gái mà thấy hả dạ thế này.
Đúng là cô vợ hành xử như thế là sai, rất sai. Nhưng cánh phụ nữ lại cảm thấy… rất khoái, rất phục. Có chị thú nhận: "Dù tôi bên ngoài ghê gớm chẳng sợ ai nhường ai, nhưng với lão chồng, tôi vẫn nhẫn nhịn. Nhịn riết thành thói quen, thành phản xạ, dù lão vừa gia trưởng vừa già mồm, chuyên chửi bậy các thứ. Nhưng tôi không muốn bản thân cũng ăn miếng trả miếng, sợ đánh mất hình ảnh của mình trước con cái… Chồng càng được nước làm tới. Giờ nhìn người ta mạnh dạn "cầm roi dạy chồng" mà sướng run cả người!".
Hiếm chị em nào dám "cầm roi dậy chồng" dù trong lòng đầy thù hận, tức tối - Ảnh minh họa
Đây dường như cũng là tâm lý chung của các mẹ xứ mình: cam tâm nhường nhịn, bao dung, chịu đựng trước ông chồng nhiều thói tật dành cho chồng những điều tốt đẹp, dễ dàng, chấp nhận vất vả hy sinh như một "thiên chức" khốn khổ lậm vào người. Để rồi tức nước vỡ bờ: "Tôi đi làm cực khổ để anh chơi gái à?", như lời cô vợ trong đoạn clip đình đám ấy… Làn gió mới mẻ, không kiêng dè, ai buộc dây thì "choảng" đúng kẻ ấy, khiến cho phái yếu khó lòng kiềm chế cơn phấn khích.
Ừ, đành là hành động xấu xí, so với cái nhìn chung của xã hội. Lời lẽ cũng "mày - tao", khó mà ủng hộ, cổ xúy được. Nhưng tạm bỏ qua vấn đề đó, thì cánh đàn bà đều thấy mình âm thầm hả hê, bởi lẽ lần đầu gặp được phái quần hồng "vụt gậy" đúng trọng tâm. Không tìm cách đổ lỗi cho kẻ khác khi chồng đổ đốn.
Thói thường, chồng đi nhậu thì các chị đổ vấy tại bạn bè chèo kéo rủ rê. Chồng bồ bịch trai gái là do mấy con "tiểu tam" mất nết. Ai biểu cho chồng tôi vay mượn để giờ hắn mới bị nợ nần bủa vây? Chồng tôi… bám váy mẹ, tánh đàn bà ư? Đó chẳng phải là lỗi của… "mộng chè" đó sao, chuyên cưng chiều bênh vực, lại thích can thiệp quá sâu vào đời sống gia đình của con trai mình. Chứ thực ra, chồng tôi vốn đàng hoàng lương thiện lắm, đâu có định phản bội vợ con, ham vui chè chén hay tiêu xài quá trớn, lại nem nép nghe lời mẹ mình như vậy.
Chị em hả hê khi thấy có người dám ra tay "xử" anh chồng hư - Ảnh minh họa
Tại sao phản ứng của cánh phụ nữ, vốn không đồng tình, nhưng vẫn hi hí khoái chí đầy thỏa mãn trước hành động đầy bạo lực kia? Hay bởi lâu nay toàn phải chứng kiến các pha hội đồng tình địch, chửi bới bêu riếu bạn nhậu của chồng, chứ ít khi hiểu được là ta cần tác động vô đâu mới là chính xác. Nên điều… đáng mừng trong cảnh vợ chồng xô xát kia, chính là nhận thức đúng đắn… bước đầu của cô vợ: chồng ham vui hẹn với gái gú bạn nhậu thì ta phải "dạy"chồng đầu tiên, rồi sau đó mới tới kẻ khác.
Chứ gặp các mẹ khác, nhiều khi ông bạn áo đỏ và hai cô gái kia khó lòng thoát được cơn thịnh nộ. Thử tưởng tượng một pha phản drama (bi hài, hư cấu) vẫn gặp, là ông chồng bàng quan mặc kệ vợ điên cuồng chửi bới, phang gậy vào mấy kẻ chung bàn. Lắm khi sau đó chồng lấy xe đèo vợ về "như chưa hề có cuộc lâm ly" là thường.
Có xử thì cũng chừa chồng mình ra, để cho hắn một con đường lùi. Đấy chính là quan niệm khá nhức nhối, bất công và vô lý vẫn tồn tại trong hành xử của cánh đàn bà. Tại sao kẻ gây chuyện sai lè lè thì thoát tội, được các mẹ đặt qua một bên? Còn những đối tượng liên quan thì phang thẳng tay không thương tiếc? Tâm lý "chừa" chồng mình ra khi đánh ghen hoặc làm lớn chuyện khiến cho cánh đàn ông luôn thoải mái mà rằng: vợ có làm gì thì cũng không tới lượt mình gánh đạn, lo lắng giữ gìn chi cho nhiều, cứ hồn nhiên bay lượn vung vít thôi.
Thế nhưng, xác định đúng đối tượng rồi, lại cần phải tư duy xem xử lý thế nào cho hiệu quả mà… không gây hậu quả. Đã đành, cô vợ trong clip đánh ngay chồng mình (thay vì anh áo đỏ hay hai chị bạn có mặt ở hiện trường) đã khiến thiên hạ sướng khoái ngợi khen. Nhưng, đánh đấm, bêu nhau giữa bàn dân thiên hạ hiển nhiên để lại những hậu quả danh dự khó bề phủi lấp.
Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người mỗi tính - mỗi người sẽ biết chọn cách đúng đắn nhất để… sửa sang thói xấu của bạn đời mình. Dù kẻ đang sai quấy là vợ hay chồng, thân làm bạn đời, phải "dạy" đúng người, đúng cách - mới thực sự dẹp được loạn, giữ nhà bình an.