Theo nhật báo The Times of India, phần mềm mới này được nhà khoa học máy tính Hany Farid tại ĐH Dartmouth nghiên cứu phát triển. Farid là chuyên gia góp phần tạo ra hệ thống PhotoDNA đang được các công ty internet sử dụng để ngăn chặn nội dung khai thác tình dục và khiêu dâm trẻ em phát tán. Tổ chức phi chính phủ dự án chống chủ nghĩa cực đoan (CEP) đề nghị thành lập những văn phòng độc lập để báo cáo về chủ nghĩa cực đoan, nhận diện và cảnh báo giúp các công ty internet tự động loại trừ nội dung cực đoan của các phần tử khủng bố. Theo ông Mark Wallace, Giám đốc điều hành CEP, các công ty internet chấp nhận hệ thống này, hoạt động cực đoan trên mạng sẽ không còn cơ hội lan tràn. Ông cho rằng đây là công cụ hữu ích để chặn đứng sự lan truyền như virus của các video về cảnh chặt đầu và giết người theo kiểu của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã phát tán. Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ, Pháp và nhiều nước khác ủng hộ sử dụng phần mềm này, đồng thời kêu gọi các công ty internet cộng tác tích cực hơn nữa để khống chế nội dung cực đoan.
Tuy nhiên, các công ty chưa cam kết sử dụng công cụ này. Các hệ thống mạng xã hội và truyền thông lâu nay cho rằng họ sẵn sàng giúp đỡ và hợp tác hoàn toàn trong các cuộc điều tra hợp pháp đối với tội phạm và các vụ tấn công. Nhưng họ lo ngại về vi phạm quyền riêng tư, tính hiệu quả của công cụ đó và phản đối những nỗ lực kiểm tra theo kiểu cảnh sát và kiểm duyệt lượng lớn nội dung đi qua các công ty truyền thông này. Họ cho rằng nội dung ấu dâm rất khác với nội dung cực đoan. Theo nguồn tin từ giới công nghệ, chính quyền một số nước áp đặt định nghĩa của riêng mình về phần tử khủng bố. Do đó, trước khi phần mềm này được công bố, nhiều cuộc thảo luận và hội nghị qua điện thoại đã được tổ chức nhưng giới công nghệ vẫn chưa đồng thuận.